Bạn hãy soi gương hoặc nhìn vào mắt người nhà (khẽ kéo mi trên bằng ngón tay cái, mi dưới bằng ngón trỏ), vùng như bờ môi của con cá, đó là bờ mi.
Bờ mi là vùng quá độ giữa da mi ở phía trước và kết mạc mi (còn gọi là niêm mạc mi) ở phía sau. Bờ mi có lỗ đổ ra của tuyến bã và một số tuyến khác.
Gần gốc mũi của bờ mi có một lỗ nhỏ (mi trên một cái, mi dưới một cái) gọi là lỗ lệ hay điểm lệ. Đó là cửa dẫn nước mắt xuống mũi. Lông mi thì mọc trên da mi, sát với bờ mi, chứ không phải là mọc trên bờ mi.
Bờ mi ít khi được quang quẻ và luôn sùi tuyến, cương tụ vì nó lộ ra phía trước, luôn tiếp xúc với gió bụi, tia nắng, các khí độc của sinh hoạt (khói xăng, hơi than tổ ong...).
Mầm bệnh cụ thể của viêm bờ mi thường gặp là vi khuẩn, nấm lang ben pityrosporum, chấy mi (nhổ lông mi đem soi kính hiển vi, sẽ thấy các chấy mi bám quanh như châu chấu bám gốc lúa hoặc củ sắn quây quanh gốc sắn).
Bạn đừng lầm chấy mi với rận mi. Rận mi cùng loại với rận bẹn; nó to, mắt thường nhìn thấy được. Còn chấy mi thì vi thể, chỉ thấy được qua kính hiển vi.
Bạn cũng đừng phát hoảng, đừng lấy làm lạ. Nếu thấy ngứa mắt, bạn dụi mắt hoặc túm lấy lông mi giật giật cho đỡ ngứa, sợi mi rụng ra nếu được soi dưới kính hiển vi thường sẽ thấy vi chấy. Ở các loài vật có lông mao khác như mèo, chó, cừu... cũng thường có vi chấy ở củ lông.
Để chữa viêm bờ mi, mỗi ngày nên rửa mặt hai lần (trước khi đi làm buổi sáng và sau khi đi làm về, buổi chiều). Việc rửa mặt bằng khăn vắt kiệt sẽ giúp loại bỏ bụi bặm. Động tác lau nhẹ trên mắt còn có tác dụng nặn nhẹ chất bã bẩn của bờ mi.
Sau khi rửa mặt buổi sáng, nhỏ vài giọt cloroxit 4 phần nghìn. Cloroxit có phổ kháng khuẩn rộng, diệt được nhiều loại vi khuẩn.
Nếu mắt ngứa quá, nên tra mỡ mắt tetracyclin. Thuốc này làm tuyến bã giảm bài tiết quá nhiều. Chất vadơlin của thuốc mỡ làm những con chấy mi bị bí hô hấp và bị tiêu diệt.
Theo BS. Hoàng Sinh
Sức Khỏe & Đời Sống