Mekong lâm nguy

TP - Tạp chí “Tri thức Thế giới” của Trung Quốc (TQ) vừa tuyên dương công tác ngoại giao láng giềng qua liên kết Mekong-Lan Thương. Bài báo hân hoan hợp tác “từng bước xoá bỏ ấn tượng không tốt” về TQ. Ngẫm kỹ thì nó vẫn chỉ là nước cờ cao tay áp vòng kim cô chiến lược khiến không ai cựa nổi.

Bắt tay Mekong-Lan Thương (MLC) đúng là mang lại nhiều cái hiện hữu kể từ khi nó chào đời tháng 3/2016. Thoả thuận song phương liên tục nở rộ, từ dự án đường sắt TQ-Lào và TQ-Thailand đến vành đai kinh tế TQ-Myanmar, từ đô thị mới Yangon đến đặc khu Sihanoukvillem ở Campuchia rồi khu công nghiệp Rayong Thailand-TQ.

Giữa cả loạt “có” khác nữa khiến ASEAN vượt Mỹ thành đối tác thương mại lớn thứ hai với TQ, lại lù lù hàng đống cái “không”. Đầu tiên là một cơ chế hợp tác Mekong thiết lập từ 1957 mà TQ quyết chỉ làm khách hầu như không còn mấy tiếng vang ngoài họp hành. Với luật chơi MLC do TQ dựng và điều khiển, tạp chí nêu trên nói thẳng “TQ có ưu thế rõ rệt”.

Từ khi “có” MLC, mọi kêu cứu dừng các dự án thuỷ điện Mekong dường như càng “không” được cứu xét. Đã xong 11 đập ở thượng nguồn, mà TQ gọi là Lan Thương và họ sắp làm tám cái nữa. Sau khi “Cộng đồng chung Vận mệnh Trung-Lào” ra mắt từ 30/4/2019 trong khuôn khổ MLC, dự án khủng Luang Phrabang được bố cáo tháng 7/2019 bất chấp “thuỷ điện này sẽ làm trầm trọng thêm các tác động mà vùng Cửu Long phải đối mặt, theo BBC 24/10. Cứ đà ấy, sẽ có đủ chín đập thay vì mới ba như hiện thời mà vốn vay chủ yếu từ TQ.

“Có” MLC đương nhiên có vốn song về sâu xa là “không” do “bị trói buộc bởi nợ” như trang chủ Sứ quán Mỹ ở Myanmar cảnh báo 2/8/2019. Quỹ Hợp tác Đặc biệt Mekong-Lan Thương khởi động từ 2018 mà đã kịp cho 132 dự án vay. Nó còn đứng sau các khai trương 30 kết cấu hạ tầng và dự án công nghiệp.

MLC chứa hầu hết bí kíp để TQ vươn ra toàn cầu. Nó là thu nhỏ của Vành đai Con đường (BRI) xuyên qua 152 nước. Đấy lại như điểm khởi đầu cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (có người nói là sáng kiến của ASEAN nhưng không phải vậy) với quy mô 3,5 tỷ dân chiếm 39% GDP toàn cầu.

Tạp chí đã dẫn nhấn mạnh MLC như một hình mẫu của “láng giềng tốt và bạn bè tốt”. Họ tự tin mọi “hợp tác với các khu vực liên quan đến TQ còn phát triển ổn định hơn”. Thành thực mà nói thế giới tựa như một bàn cờ vây mà TQ cứ như đánh đâu thắng đấy trừ trường hợp Biển Đông, nơi tham vọng vẫn chưa áp được dù họ luôn tinh ranh.

MỚI - NÓNG