Mẹ sát thủ Lê Văn Luyện ở ẩn vì sợ bị trả thù

Mẹ sát thủ Lê Văn Luyện ở ẩn vì sợ bị trả thù
Người tù đày, người lang thang, mẹ và hai em sống ẩn dật là những hậu quả buồn thương mà Lê Văn Luyện để lại cho người thân của mình.

> Tan nát gia đình sát thủ Lê Văn Luyện
> Sát thủ Lê Văn Luyện học lễ phép trong trại giam

Hai năm sau vụ thảm sát ghê rợn ở tiệm vàng Ngọc Bích - Bắc Giang, ngôi nhà cũ mà sát thủ Lê Văn Luyện sinh ra và lớn lên đã đóng cửa im ỉm. Những người hàng xóm cho biết đã lâu lắm, từ ngày Luyện bị bắt, họ không còn thấy bà Trương Thị Thơm (mẹ Lê Văn Luyện) về nhà.

Suốt hai năm qua, người phụ nữ bất hạnh cùng hai đứa con đã bỏ đi đâu mất tích, giờ chẳng biết họ ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết.

Chị Đạt, người hàng xóm cạnh nhà bà Thơm, lắc đầu nói: “Nhà thằng Luyện ngày xưa có đến nỗi nào đâu, trên dưới thuận hòa lắm mà kinh tế cũng thuộc dạng tàm tạm ở khu này đấy. Thế mà vận đổi sao dời, chỉ vì cái thằng con trời đánh mà phút chốc nhà tan cửa nát”.

Ông Lê Văn Ngà (ông nội của Luyện) năm nay đã ngoài 70 tuổi, dáng người hao hao gầy, khuôn mặt hốc hác lộ vẻ kham khổ. Con trai và cháu trai ông thì đã ở tù rồi, bây giờ điều ông đau đáu là con dâu (bà Thơm) và hai đứa cháu còn lại.

“Duy nhất một lần tôi ốm, cái Thơm nó quay về thăm sức khỏe rồi lại đi. Nó chẳng nói đi đâu nên muốn tìm cũng chịu. Tội nghiệp, một thân một mình nuôi con nhỏ giữa thị phi, nên nó vất vả, nhìn gầy rộc. Đứa thứ hai đang học lớp 11 cũng phải bỏ ngang theo mẹ. Tôi biết, cháu Thơm nó sợ bị họ (gia đình nạn nhân) đến trả thù. Nỗi ám ảnh ấy cứ đeo đẳng mãi, hai năm rồi chưa dứt”.

Ông Ngà kể thêm: “Cháu nó sai rồi thì gia đình đành chịu. Tôi cả đời không ra khỏi cái cổng làng, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đâu ngờ cháu mình nó lại theo bạn theo bè rồi đua đòi hư đến thế. Tôi có năm người con, nhưng chỉ có mỗi bố thằng Luyện là con trai và thường xuyên chăm lo cho ông bà, còn bốn cô con gái thì ba cô lấy chồng xa lâu lâu mới về.

Bây giờ thằng Miên (bố của Luyện) vì con mà cũng phải đi tù, tôi chẳng còn biết trông cậy ai. Bằng tuổi tôi, người ta cậy con cậy cháu. Còn tôi, cảnh già vẫn phải tự làm lụng nuôi thân. Hai ông bà làm hơn một sào ruộng, đến mùa nhờ con dâu, con rể sang giúp dùm”.

Người đau nhức đi lại khó khăn, đi bệnh viện người ta nói bị đường ruột rồi bị khớp nặng, ông Ngà ban đầu chỉ đi khám ở Lục Nam, sau chuyển lên bệnh viện Bắc Giang và cũng mới về được vài tháng. Khi được hỏi về việc cơm nước ai lo cho ông bà, ông thở dài: “Ai lo cho được, con cái chúng nó còn lo thân chưa xong, sao lo nổi ông bà già này. Mấy hôm mới ốm về còn ăn chút cháo thịt bồi dưỡng, còn bữa nay, tôi chỉ ăn bát cháo trắng cho qua bữa.

Bây giờ, hai vợ chồng già chúng tôi chỉ cố gắng sống để chờ gặp mặt con một lần mà không biết có thể sống chờ ngày con cái ra tù không, chứ tôi cũng chẳng thiết tha với cuộc sống này nữa. Mà sống thế này còn sung sướng gì đâu, ra đường chẳng dám ngẩng đầu. Cháu mình giết người ta thì gia đình mình cũng tan nát, đứa tù đầy, đứa bỏ đi biệt xứ lang thang”.

Không trực tiếp gây nên tội ác tày trời, nhưng vì liên quan đến Lê Văn Luyện mà gia đình ông Trương Văn Hợp (người chú họ đã che chở cho Luyện) giờ cũng lâm vào cảnh khốn cùng. Ông Hợp cho biết cũng bản thân cũng vừa mới được thả về không lâu sau khi mãn án.

Ông Hợp tâm sự: “Nhà tôi chẳng dính líu gì những hành động độc ác của đứa cháu, mà cuối cùng bị vạ lây, căn bản cũng tại không biết nhiều về luật pháp. Thật tình hôm đó, bố Luyện rủ tôi lên Lạng Sơn gặp con, tôi đứng ở ngoài mới nghe loáng thoáng nó đính vào vụ cướp vàng nên cũng khuyên bảo nó ra đầu thú chứ có chạy cũng không thoát đâu. Nhưng hôm ấy, nó bảo sợ bị bắt sẽ chết nên nhất quyết không nghe. Khi công an hỏi, thì tôi cũng nói thật thế thì bị kết tội không tố cáo tội phạm”.

Ông Ngà (ông nội Lê Văn Luyện) cui cút trong căn nhà dột nát. Ảnh: Người đưa tin
Ông Ngà (ông nội Lê Văn Luyện) cui cút trong căn nhà dột nát. Ảnh: Người đưa tin.

Hết thương cho bản thân mình, ông Hợp lại rưng rưng xót xa cho “thằng con thứ hai đang lĩnh án 30 tháng tù vì tội đồng phạm với Luyện”. “Tội nghiệp lắm. Từ nhỏ, nó bị bệnh tim bẩm sinh nên rất yếu. Mấy năm trước khi xảy ra vụ án, gia đình tôi vét đến đồng tiền cuối cùng phẫu thuật cho nó.

Món nợ chữa bệnh vừa trả hết, thì tai vạ lại ập đến với gia đình. Em nó hiền lành lắm chẳng mấy khi đi chơi hay theo bạn bè rủ rê, chỉ suốt ngày ở nhà với bố mẹ. Gia đình định cho cháu ở nhà một năm sau khi học xong lớp 12 rồi xin cho cháu đi học Dược bên Quân Đoàn Hai.

Mới nộp hồ sơ chưa kịp đi thi thì bị như thế này. Kinh tế gia đình khó khăn, nhưng tôi cũng cố gắng thuê luật sư bào chữa. Tiền đến giờ cũng mất nhiều rồi mà án thì chưa thấy giảm được chút nào. Nhưng hiện tại, tôi vẫn đang nộp đơn", ông Hợp tâm sự.

Ông Hợp cũng cho biết thêm, vào đúng dịp xảy ra vụ án, Hồng đang ở nhà. Khi thấy Luyện gọi, cậu cứ tưởng anh mình đi làm ăn xa nhờ ra đón mình về như mọi lần.

“May mà khi Luyện đưa hai cái dây chuyền vàng và giấy cắm xe bảo nó đi bán vàng chuộc lại, tưởng Luyện lấy trộm của bố mẹ, tôi mới bảo Hồng đưa lên trả lại chú Miên. Nếu không, giờ chắc phải ở tù đến suốt đời. Nói thực lòng, con tôi nó chẳng biết Luyện đi giết người, cướp của mà có số vàng đó”, ông Hợp nhấn mạnh.

Nhưng điều khiến người chú họ của Lê Văn Luyện đau xót nhất là sau vụ án này, cả cô con gái đầu của ông cũng bị liên lụy. Ông Hợp bảo con gái thi đỗ Trung cấp Y, năm nào cũng được học bổng. Phấn đấu mãi đến lúc chuẩn bị được kết nạp Đảng thì chuyện xảy ra, cô đành ngậm ngùi nhìn mọi thứ vuột khỏi tầm tay. Ra trường với tấm bằng giỏi, nhưng vì tai tiếng gia đình, cô xin việc chỗ nào cũng không được.

“Rồi vợ tôi (chị Lược) chỉ vì nghe chồng nói “đi Lạng Sơn cùng chú Miên kiếm cháu Luyện, hình như nó dính vào tội cướp vàng”, thế rồi cũng phải đi tù 9 tháng. Giờ tôi được thả về rồi, thì tháng 8 tới, vợ lại phải vào trại thi hành án. Gần 20 năm làm việc ở trạm xá xã, biên chế Nhà nước hẳn hoi, mà giờ cô ấy phải ngược về quần quật với mấy sào ruộng, mấy con lợn, con gà. Kinh tế gia đình đã khó, càng thêm khó”, ông Hợp ủ ê.

Theo Giadinh.net.vn/ ngoisao.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG