Mẹ nấu chè đỗ đen bất cẩn, bé 2 tuổi bỏng nặng nguy kịch vì đổ cả nồi chè vào người

0:00 / 0:00
0:00
Các vị trí vết bỏng sâu nghiêm trọng của trẻ. Ảnh: BS cung cấp
Các vị trí vết bỏng sâu nghiêm trọng của trẻ. Ảnh: BS cung cấp
TPO - Trẻ được đưa vào nhập viện ngày 28/7/2021 khi vùng đầu, mặt, ngực, lưng, bụng, tay và chân có nhiều vết bỏng, diện tích bỏng khoảng 30-40%, trẻ kích thích, quấy khóc nhiều, khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt và không tiểu tiện được.

Một trường hợp tai nạn thương tích khá nghiêm trọng hiện đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ bé N.H.Đ (2 tuổi, trú tại Sông Lô – Việt Trì – Phú Thọ).

Trẻ được đưa vào nhập viện ngày 28/7/2021 khi vùng đầu, mặt, ngực, lưng, bụng, tay và chân có nhiều vết bỏng, diện tích bỏng khoảng 30-40%, trẻ kích thích, quấy khóc nhiều, khó thở, thở nhanh, huyết áp tụt và không tiểu tiện được.

Được biết, trước đó, do thời tiết nắng nóng, mẹ bé có nấu 1 nồi chè đỗ đen cho gia đình uống. Tuy nhiên, trong một phút bất cẩn không chú ý, trẻ với tay làm đổ nồi chè nóng vào người. Ngay sau đó đã được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện, trẻ được điều trị chống sốc, truyền dịch, truyền albumin, truyền máu, thở oxy. Trẻ xuất hiện tình trạng sốt liên tục, đc kết hợp sử dụng kháng sinh liều cao, giảm đau và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Sau 9 ngày điều trị tích cực, mặc dù vẫn còn tình trạng sốt song khoảng cách giữa các cơn sốt ở trẻ đã giãn ra. Các tổn thương ở vị trí vết bỏng nông đã lên da non, các vị trí bỏng sâu độ 3A, 3B ở lưng, ngực và 2 đầu gối còn tiếp tục nhiễm trùng, chảy dịch vàng. Trẻ vẫn tiếp tục được duy trì thay băng bỏng hàng ngày.

Hiện tại, sau 16 ngày điều trị, trẻ tỉnh, ăn uống khá hơn, đỡ đau hơn, ít quấy khóc, đại tiểu tiện bình thường và chỉ còn sốt nhẹ. Các vị trí bỏng sâu ở lưng và ngực còn chảy dịch, đang lên tổ chức hạt.

Mẹ nấu chè đỗ đen bất cẩn, bé 2 tuổi bỏng nặng nguy kịch vì đổ cả nồi chè vào người ảnh 1

Hiện các vết bỏng ở trẻ đã lên da non, sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển rất nhiều. Ảnh: BS cung cấp

Cần chú ý giám sát trẻ nhiều hơn

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm.

Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Ngoài ra, tuỳ từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các loại hình/nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau như: ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc,…

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tình trạng này, ThS.BSNT. Dương Thị Hồng Ngọc – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận, nhất là trong thời điểm trẻ được nghỉ hè hay nghỉ học do dịch bệnh COVID 19; cần quan sát kỹ trẻ khi đến nơi có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; đồng thời cho trẻ em học bơi và nâng cao kỹ năng phòng tránh, sơ cứu đuối nước ở mọi lứa tuổi.

Các bậc thềm, cầu thang ở các gia đình cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; … Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG
336 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở
336 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở
TP - Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.