Hai tay co rút dần rồi không thể cầm nắm được sau cơn bệnh hồi nhỏ, gần 20 năm nay, Tường Vy gần như dùng hai chân làm mọi việc.
Mẹ đơn thân ở Đà Lạt chăm con, trang điểm bằng chân
Hai tay co rút dần rồi không thể cầm nắm được sau cơn bệnh hồi nhỏ, gần 20 năm nay, Tường Vy gần như dùng hai chân làm mọi việc.
Nhắn tin, chải tóc, mặc quần áo, sơn móng chân, những công việc bình thường, chẳng có gì khó khăn đối với một cô gái lành lặn lại đòi hỏi cả quá trình nỗ lực, tập luyện của Tường Vy, sinh năm 1995.
Hai cánh tay teo nhỏ, gần như không thể sử dụng được, gần 20 năm nay, cô gái sống tại Đà Lạt dùng đôi chân để làm mọi việc trong sinh hoạt thường ngày. Sự khéo léo, thành thạo của cô khiến người khác phải ngạc nhiên nếu có dịp chứng kiến.
Biến cố
Khi sinh ra, cơ thể Tường Vy vẫn lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm 8 tuổi, trong một lần bị sốt, cô bất ngờ lên cơn co giật giữa đêm, sùi bọt mép.
Sau khi được đưa đến bệnh viện điều trị, tưởng chừng mọi thứ dần trở lại bình thường song hai cánh tay Vy cứ yếu dần, teo nhỏ, co rút lại rồi mất sức. Mẹ đưa cô đi khám mới phát hiện do hậu quả từ trận sốt để lại nhưng không có biểu hiện nào để nhận biết.
“Thời gian đầu, mình chưa nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân, vẫn vui đùa lắm, chỉ thấy khác là việc sinh hoạt bất tiện hơn chút. Đến năm 13 tuổi, mình bắt đầu thấy bản thân khác bạn bè, cũng bị nhiều người thường xuyên trêu chọc”, Vy nói.
Hai tay Tường Vy teo nhỏ, gần như không thể cầm nắm được.. Đôi tay dần không thể sử dụng được, Vy bắt đầu dùng chân để làm việc như một phản xạ. Ban đầu còn lóng ngóng, dần dần, cô học được cách điều khiển các ngón chân linh hoạt, cầm nắm vật cũng dễ dàng hơn. Năm 15 tuổi, bắt đầu bước vào thời điểm dậy thì cũng là lúc Tường Vy ngày càng thấy tự ti về bản thân. Khi ra đường, hầu như cô đều mặc áo dài tay, lúc đi khoanh tay lại để giấu đi sự khác biệt. “Lúc đó mình hay ngại lắm, đi qua chỗ nào có các bạn nam lại càng run, chỉ dám chạy thẳng một mạch không dừng lại vì sợ bị chê cười, trêu chọc”. Trải qua 2 lần phẫu thuật năm 12 tuổi, hai tay của cô cũng chỉ duỗi ra được một chút, bớt co quắp. Với tình trạng tay như vậy, không chỉ sinh hoạt thường ngày mà việc học tập của Tường Vy cũng gặp không ít khó khăn. Khi đi học, cô gái Đà Lạt chép bài bằng chân, những lúc không ghi kịp thì mượn vở của bạn để về chép lại. Tốt nghiệp cấp 3, cô theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Văn Lang (TP.HCM). Để thuận tiện thao tác trên máy tính, cô sử dụng bàn phím ảo.
Mẹ đơn thân
Gần 3 năm trước, Tường Vy quen và có thời gian yêu một chàng trai. Lúc chia tay được 1 tháng, cô phát hiện mình có thai, lúc này đã được 16 tuần tuổi. Bạn trai cũ không muốn cô giữ đứa bé lại vì công việc anh chưa ổn định, sợ không thể chăm lo. “Thực ra khi đó mình chỉ thông báo cho anh ấy biết vậy thôi chứ xác định luôn là sẽ tự nuôi con. Mình cũng không muốn kết hôn vì từng tìm hiểu nhiều người rồi cũng chẳng đi đến đâu. Người bình thường khi lấy chồng còn chưa chắc hạnh phúc, mình lại như vậy, nên không muốn tìm hiểu ai nữa”, Vy bày tỏ.
Tường Vy hiện là mẹ đơn thân. Đón con trai đầu lòng khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ, bà mẹ trẻ may mắn luôn có sự động viên, giúp đỡ từ gia đình. Vì thường xuyên phải sử dụng chân, vết mổ của cô khó lành và đau hơn nhiều so với người khác. Tuy nhiên, cô chia sẻ bản thân luôn thấy hạnh phúc vì bé Gia Huy phát triển khỏe mạnh, lanh lợi. “Mình từng có thời gian phụ các nữ tu trong tu viện chăm các bé sơ sinh bị bỏ rơi nên việc chăm sóc Gia Huy cũng không quá khó khăn, lạ lẫm. Mỗi khi mẹ vắng nhà, mình vẫn tự làm hết từ tắm rửa, cho con bú, cho con ngủ”.
Lạc quan
Gần 20 năm sống với đôi tay không lành lặn, Tường Vy tự hào khoe cô có thể làm gần như mọi việc giống người bình thường bằng đôi chân. Từ nhắn tin trên điện thoại, vẽ, khui bia cho đến trang điểm, làm nail, uốn tóc, cô gái ở thành phố nghìn hoa đều có thể “xử đẹp” một cách thuần thục.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tường Vy bắt đầu kinh doanh online và hay livestream trên mạng để phụ giúp kinh tế gia đình.
Xuất hiện trước nhiều người lạ, cô gái 25 tuổi cũng nhiều lần chạnh lòng khi đọc được những bình luận tiêu cực song luôn cố gắng không để tâm và suy nghĩ lạc quan.
“Có lần, một số người xem video của mình và bảo: ‘Đã bị tật rồi còn không biết thân biết phận, trang điểm, ăn mặc, tóc tai không phù hợp’. Ban đầu mình cũng buồn nhưng về sau ‘lì’ luôn, sẵn sàng đáp trả. Chẳng có điều luật nào cấm những người như mình ăn diện, làm đẹp cả”, Vy kể. Hiện, mong muốn lớn nhất của cô gái Đà Lạt là có thu nhập ổn định để lo cho bản thân và con trai. Nếu dư dả, cô muốn làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng muốn truyền cảm hứng, sự lạc quan đến nhiều người, đặc biệt là những cô gái có hoàn cảnh tương tự để có thể vươn lên trong cuộc sống.
Mai An
Theo Theo Zing