Mê cung cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - "Pan’s Labyrinth" (Mê cung của Pan) là tác phẩm điện ảnh trở thành kinh điển đến từ đạo diễn có biệt tài kể chuyện Guillermo del Toro, 13 năm sau được Cornelia Funke chuyển thể thành sách.

Với xuất xứ Hy Lạp, Pan là thần của ruộng đồng, thiên nhiên hay bản năng hoang dã. Pan có thân dưới của loài dê và một cái đầu người có râu và sừng.

Trong hình dung của Guillermo, khuôn mặt của thần Pan có nhiều nét quái thú hơn, tính tình cũng hoang dại, khó lường hơn. Với lớp vỏ ngoài được làm từ vỏ cây, rêu, dây leo và đất, Pan có vẻ là đại diện cho thiên nhiên nhiều hơn.

Mê cung cuộc sống ảnh 1

Cuốn Mê cung Thần Nông do NXB Kim Đồng ấn hành.

Cô bé Ofelia 10 tuổi ham thích truyện thần tiên, phải theo mẹ vào rừng ở với người cha dượng là đại úy Vidal khát máu đang lãnh đạo một đội quân có mục tiêu tiêu diệt nhóm khởi nghĩa chống phát-xít Franco. Mẹ Ofelia là một phụ nữ yếu đuối đang mang thai và chuyến đi đã làm cho bà kiệt quệ. Ofelia có nguy cơ mất đi chỗ dựa cuối cùng giữa cuộc đời tàn bạo.

Trong bối cảnh đó thần Pan và mê cung dẫn xuống vương quốc lòng đất xuất hiện khoác cho Ofelia một thân phận khác. Cô chính là công chúa Moana của vương quốc thần tiên trong lòng đất, do một ngày tò mò bước lên phía trên để rồi mất đi ký ức. Thần Pan hướng dẫn Ofelia cách để trở lại vương quốc xưa và tất nhiên cô bé như “chết đuối vớ được cọc”. Nhưng cô còn phải vượt qua các bài thi gắt gao để chứng minh chưa bị phàm trần hóa.

“Pan’s Labyrinth là một ví dụ hoàn hảo về những gì mà một tác phẩm kỳ ảo có thể làm được. Nó hoàn toàn có thể vừa thi vị vừa mang tính chính trị, và là một công cụ hoàn hảo để thấu hiểu được chủ nghĩa hiện thực đầy màu nhiệm trong sự tồn tại của chúng ta”. Cornellia Funke

Phim/truyện có một cái kết tài tình. Vừa có hậu lại vừa bi kịch. Vương quốc dưới lòng đất cũng có thể chính là nơi dành cho những người chết. Ofelia chỉ có cách bỏ lại thân xác của con người để trở về vương quốc của mình, đó hẳn là điều thần không muốn nói thẳng ra. Và Pan có nhiệm vụ chuẩn bị cho Ofelia đón nhận kết cục không thể tránh khỏi một cách ngọt ngào nhất?

Ofelia như một biểu tượng cho sự ngây thơ, trong trắng không thể nào sống sót trong khung cảnh tàn khốc của chiến tranh, cho dù cuối cùng chính nghĩa có thắng thế đi nữa...

Mặc dù Ofelia hẳn là công chúa của vương quốc lòng đất nhưng có thể thấy vai trò của vua và hoàng hậu rất mờ nhạt. Mọi thông điệp đều được truyền qua thần Pan. Chính vị thần này mới là người ở bên Ofelia trong những lúc ngặt nghèo nhất.

Nói cách khác Pan đạo diễn mọi thứ. Chả thế mà tên thần xuất hiện ngay trong tên phim/truyện. Phim từng trình chiếu tại Việt Nam trong khuôn khổ LHP Châu Âu vào tháng 5/2011 với tên Mê cung Địa thần. Tên này có vẻ ổn hơn với tên bản dịch tiếng Việt của truyện vừa được NXB Kim Đồng ấn hành là Mê cung Thần Nông. Vì Thần Nông lại trùng với một nhân vật khác trong thần thoại Việt Nam và Trung Quốc.

Mặc dù mang một cốt truyện hiện thực, kỳ ảo đan xen, nhiều ý kiến thống nhất rằng Pan’s Labyrinth nhắm đến khán giả người lớn. Năm 2019, tức 13 năm sau khi phim khởi chiếu, cuốn sách cùng tên do Cornelia Funke chấp bút mới được xuất bản.

MỚI - NÓNG