Máy tập đánh cầu lông ‘Made in VietNam’

Máy tập đánh cầu lông ‘Made in VietNam’
Nhắc đến sinh viên Bạch Văn Thành, khoa Cơ – Điện – Điện tử (trường Đại học Công nghệ TPHCM – Hutech) thì hầu như bất cứ ai trong trường đều biết về chàng trai đã liên tục gặt hái nhiều giải thưởng, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo máy.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo khó ở Huế, cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên cả gia đình Thành đã cùng nhau vào Sài Gòn lập nghiệp.

Trong số 8 anh chị em, chỉ có Thành và chị kế Thành là may mắn được ăn học đến nơi đến chốn. Các anh chị em còn lại đều phải đi làm sớm để phụ giúp ba mẹ và lo cho hai em út.

Ý thức được hoàn ảnh của gia đình mình, từ khi là một cậu bé trung học, Thành đã nung nấu ý chí quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ. Có lẽ vì thế mà suốt những năm học đại học, tên của Thành luôn có trong danh sách học bổng của trường, được nhiều thầy cô, bạn bè quý mến.

Với niềm đam mê chế tạo, ngay từ năm nhất Thành đã chú trọng đặc biệt đến việc nghiên cứu khoa học và đến năm học thứ 2 trên ghế giảng đường Thành chính thức bắt tay và̀o các công trình nghiên cứu.

Năm 2011, Thành đoạt giải khuyến khích Tài năng khoa học trẻ Việt Nam với ý tưởng sáng chế “Chiếc máy bóc (lột) vỏ dừa khô”, đây là cuộc thi do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Chiếc máy tập đánh cầu long do Thành tự chế tạo
Chiếc máy tập đánh cầu long do Thành tự chế tạo.

Năm 2012 Thành đoạt giải nhất cuộc thi chế́ tạo xe đua dò đường do khoa Cơ – Điện – Điện tử tổ chức. Đồng thời đoạt hai giải khuyến khích Olympic cơ học toàn quốc năm 2011 và 2012. Đoạt giải nhất Olympic cơ học toàn quốc năm 2013.

Gần đây nhất, Thành được hội đồng khoa học trường trao giải xuất sắc sinh viên cấp trường năm học 2012 – 2013 cho đề tài nghiên cứu “Tính toán thiết kế chế tạo máy hỗ trợ tập đánh cầu lông”.

Niềm đam mê với những con ốc

Từ đề tài nghiên cứu “Tính toán thiết kế chế tạo máy hỗ trợ tập đánh cầu lông”, Thành đã sáng tạo và làm nên chiếc máy hỗ trợ tập đánh cầu lông có thể sử dụng trong thực tiễn.

Chiếc máy hỗ trợ tập đánh cầu lông được vận hành theo nguyên lý sử dụng lực ly tâm của 2 đĩa mối cầu để bắn cầu ra.

Máy đánh được 9 điểm trên sân: 2 điểm cuối sân, giữa sân và điểm gần lưới. Máy sử dụng lực ly tâm để thay đổi tốc độ phát cầu. Kết hợp với 2 bậc tự do của máy quay qua trái qua phải và nâng lên nâng xuống thì người tập có thể đánh được mọi vị trí trên sân.

Máy tập đánh cầu lông có 2 động cơ riêng biệt nên người tập có thể điều chỉnh tốc độ riêng biệt của 2 động cơ này để cho trái cầu có thê xoáy mạnh cho những bài tập đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp.

Trong quá trình chế tạo chiếc máy tập đánh cầu lông, Thành cho biết khó nhất là làm sao lập trình điều khiển cho máy có thể bắn cầu ở khắp các vị trí trên sân. Để có vận tốc đầu ra, chủ yếu là móc truyền để máy làm việc ổn định và bộ truyền phải có tỉ lệ module.

“Nhưng giá thành để mua module là cực kỳ đắt với sinh viên nghèo”, Thành cho biết.

Tuy nhiên, không lùi bước trước những khó khăn, Thành đã cất công đi đến các bãi rác công nghiệp – điện tử ở quận 8, chợ Nhật Tảo để tìm mua những thiết bị đã qua sử dụng với giá thành thấp nhưng đảm bảo chất lượng thì còn tốt.

Niềm đam mê đã dẫn Thành tới rất nhiều thành công trong sáng chế
Niềm đam mê đã dẫn Thành tới rất nhiều thành công trong sáng chế.

Trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo, Thành đã xem những chiếc máy tập đánh cầu trên thế giới, tìm tòi học hỏi và đưa ra những phương án khả thi cho nghiên cứu của mình. Do tự tay chế tạo và thiết kế nên chiếc máy rất phù hợp với hình dáng, tốc độ, chiều cao, … của người Việt Nam.

Nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn mà kinh phí để mua những bộ phận lắp ráp vào chiếc máy tập đánh cầu lông thì quá đắt đỏ với một sinh viên nghèo như Thành nên thành quả sau 2 năm miệt mài nghiên cứu chiếc máy vẫn còn một số điểm chưa hoàn hảo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, chiếc máy tập đánh cầu lông này hoàn toàn có triển vọng. Máy chỉ cần được đầu tư thêm về hiệu quả đánh banh cho sác xuất cao hơn. Chế tạo thêm một chiếc remote từ xa để người đánh banh có thể chủ động hơn trong quá trình tập luyện.

Đồng thời, tăng thêm tính thẩm mỹ, độ bền, ổn định và hệ thống của chiếc máy tập đánh cầu lông thì hoàn toàn có thể thương mại được. Mức an toàn và hiệu quả so với máy ở Châu âu thì gần như tương đương mà giá thành sản phẩm thì thấp hơn nhiều.

Nếu được đầu tư về công nghệ, nâng cao mức ổn định của máy trong cơ cấu lấy cầu được tối ưu thì sẽ cho ra đời một chiếc máy tập đánh cầu lông hoàn thiện “made in VietNam” đầu tiên do sinh viên sáng tạo ra.

Theo Motthegioi

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG