Máy đo đường huyết: sai một ly đi một dặm

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Đối với người bệnh đái tháo đường, máy đo đường huyết được coi là vật “bất ly thân”, những sai số từ máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh. Sau đây là những câu chuyện do chính người trong cuộc kể lại.

Chị Trần Thanh Hà (Thái Thịnh, Hà Nội) kể: Gia đình tôi hiện có cả bà nội và bố bị đái tháo đường và cao huyết áp hơn chục năm nay, nên tôi thường xuyên đi mua que thử, máy đo đường huyết, thuốc men... Tôi thường mua hàng trên đường Phương Mai, nơi đây là dãy phố bán các loại thiết bị y tế.

Khi đến mua máy thử đường huyết ở những nơi này, tôi được giới thiệu nhiều loại máy của Nhật, Đức, Mỹ… với đủ loại giá cả. Đứng trước một “rừng” máy đủ loại, tôi đã từng bị choáng và không biết chọn loại nào. Sau một hồi đắn đo, cuối cùng tôi phải vận dụng đến tiêu chí “tiền nào của nấy” để chọn. Chiếc máy đo đường huyết tôi nghe nói khá tốt và có giá khá đắt, gần 1,5 triệu đồng. Cầm chiếc máy đắt tiền và hiện đại trên tay, tôi không ngừng hy vọng nó sẽ tốt như giá tiền của nó.

Với thiết kế tiện ích, dễ sử dụng, chiếc máy quả đã tạo được sự tin tưởng và dễ chịu cho người dùng. Ngay thằng con trai 12 tuổi đầu vô lo vô nghĩ của tôi cũng có thể dùng máy để thử đường huyết giúp ông một cách thành thạo. Vì vậy, từ ngày có chiếc máy mới, chiếc máy cũ ngày trước đã bị chúng tôi lãng quên nằm yên phận trong gốc tủ thuốc gia đình. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có sự kiện sau.

Trong cái Tết âm lịch vừa qua, vì phải tiếp khách nên bố tôi ăn uống thất thường, lại còn uống thêm tí rượu mừng năm mới nên sau tết ông thấy trong người có những biểu hiện khó chịu. Chúng tôi mang máy ra đo đường huyết cho ông thì thấy báo kết quả bình thường. Bà nội đang bị đái tháo đường cũng được chúng tôi đo thử xem có sự khác biệt nào không, thì chiếc máy vẫn cho ra kết quả giống như của bố tôi. Có nghĩa là đường huyết của 2 người đều ổn. Thế nhưng trong khi bố tôi liên tục thấy đau đầu, chóng mặt, người nôn nao thì bà nội tôi vẫn không thấy gì. Quá lo sợ, chúng tôi vội đưa bố đi gặp bác sĩ. Tại phòng khám, bác sĩ khám và cho biết đường huyết của bố tôi đang tăng cao.

Trong khi tôi ngỡ ngàng trước kết quả đó thì anh bác sĩ nói với tôi rằng: “Chiếc máy đo đường huyết của chị có vấn đề. Chị cần đổi máy mới hoặc mua loại máy khác, nếu cứ để như thế này thì sẽ gây nguy hiểm lớn đến tính mạng người bệnh”.

Chung hoàn cảnh với chị Trần Thanh Hà là chị Hoàng Thi Minh (Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, Tp.HCM). Khi biết hãng sản xuất máy đo đường huyết bố mẹ chị đang dùng thông báo chương trình thu hồi máy cũ, đổi máy mới cho người tiêu dùng Việt Nam trước khi hãng ngừng sản xuất và bán loại que thử của máy cũ trên thị trường, chị đã mang máy đến cửa hàng của hãng để đổi.

Chị đã không ngớt lời khen ngợi nhà sản xuất này làm ăn uy tín và chuyên nghiệp khi đổi được máy mới và còn nhận thêm 500.000đ gọi là phí bồi hoàn. Nhưng khi mang máy về sử dụng thì kết quả đã không như chị mong muốn. Máy liên tục cho kết quả chỉ số đường huyết bố mẹ chị sai lệch mà cả nhà không ai biết. Chỉ đến khi đi khám bác sĩ định kỳ, chị mới biết. Sau lần đó, chị không dám tự đo đường huyết cho bố mẹ ở nhà nữa mà phải nhờ bác sĩ.

Chuyên gia nói gì?

Khi chúng tôi đem những câu chuyện trên hỏi Chị Nguyễn Thị H. (Chủ một cửa hàng ở Cống Quỳnh, Tp.HCM) chị đã cho biết: “Đừng bao giờ tin hết vào mấy người bán hàng khi họ bảo có hàng sản xuất ở Đức, Ý, Nhật hay Mỹ… Không có đâu. Nguyên nhân là do Việt Nam mình quản lý về xuất xứ hàng hoá không chặt chẽ, nên các hãng ghi xuất xứ không rõ ràng, hoặc không chính xác và các cửa hàng thì cứ nói phóng lên. Cũng có vài sản phẩm sản xuất ở Nhật, Đức Mỹ… nhưng chủ yếu là sản phẩm chuyên dụng dùng trong các bệnh viện, giá thành rất đắt, rất ít khi được bán ra thị trường bên ngoài”.

Với kinh nghiệm của mình, BS. Ngô Thế Phi (Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức, Tp.HCM) cũng chia sẻ: Những loại máy thử đường huyết cá nhân này rất thuận lợi cho người bệnh đái tháo như: nhanh chóng, cho kết quả chỉ sau 5 giây. Có thể thử đường huyết bất kỳ lúc nào nếu thấy có nghi ngờ hạ hoặc tăng đường huyết để có thể xử trí kịp thời. Có thể theo dõi được đường huyết thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những bất cập mà người sử dụng cần lưu ý:

- Độ chính xác không cao, chỉ mang tính tương đối.

- Sai số so với thử đường huyết tại bệnh viện là khá lớn.

- Máy thử đường huyết tại nhà không dùng để chẩn đoán đái tháo đường, chỉ dùng để theo dõi đường huyết.

- Giá thành cao.

- Khó bảo quản que thử đường, nếu bảo quản không đúng cách hoặc để lẫn sẽ rất nguy hiểm.

Để sử dụng hiệu quả máy thử đường huyết cá nhân

BS. Ngô Thế Phi cũng khuyên người sử dụng nên lưu ý những điểm sau:

- Chỉ mua hàng của các hãng có thị phần lớn trên thị trường (có thể tra trên internet), nếu hãng có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì càng tốt cho việc bảo hành.

- Nên chọn máy có loại que thử phổ biến ở Việt Nam để khi hết que có thể mua dạng phù hợp dễ dàng.

- Nên ưu tiên chọn các thương hiệu đang được các phòng khám hoặc bệnh viện dùng nhiều.

- Phải học cách sử dụng máy thuần thục để sử dụng hiệu quả. Ví dụ như với loại máy Onetouch, khi mua phải kiểm tra Code máy có giống với Code que thử không. Hay như loại máy Accucheck, mỗi hộp que có một con chíp riêng và thay mới khi sử dụng. Vì vậy phải bảo quản cẩn thận tránh tiếp xúc ánh sáng, độ ẩm cao.

- Chú ý hạn sử dụng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đạt kết quả chính xác nhất.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.