“Con muốn được đến trường!”
Tại buổi gặp gỡ PV sáng ngày 11/8, anh Cường cho biết, đầu tháng 8 anh đến trường nộp học phí cho con là học sinh lớp 4 thì bất ngờ được biết tên con đã không có trong danh sách học sinh của trường. Hỏi giáo viên chủ nhiệm, anh Cường cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Sau đó, anh nhận được thông báo của trường với nội dung: “Nhà trường không cung cấp nội dung giáo dục chuyên biệt cho học sinh trong tháng 8, vì vậy gia đình vui lòng cho con nghỉ học ở nhà. Con có thể tiếp tục đến trường khi chương trình của Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai từ 5/9”.
Anh Cường cho biết, nhận được thông báo anh rất ngỡ ngàng nhưng đành dỗ dành con nghỉ thêm ít hôm ở nhà với ông bà. “Tối qua con tôi soạn sách vở và bảo con muốn được đến trường”, anh Cường kể.
Theo anh Cường, nguồn cơn dẫn đến việc nhà trường cho con gái anh dừng học là vì anh hay tham gia đóng góp ý kiến nhiều nội dung với nhà trường qua kênh email, điện thoại, facebook... Lần gần đây nhất là anh thắc mắc về sự không minh bạch trong thu chi tài chính, học hè trái quy định…nên có thể việc cho con anh dừng học là hành động “trả thù” của lãnh đạo trường.
Anh Cường phản ánh, tháng 7/2016, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh đi học thêm và phụ huynh phải nộp học phí. Ở vai trò phụ huynh, anh phản đối việc học thêm trong dịp hè là trái quy định nên trường chuyển đổi thành học sinh nào có nguyện vọng học thêm mới đăng ký.
Mỗi năm trường thu quỹ chi cho các hoạt động trải nghiệm là 1,2 triệu đồng/ học sinh tuy nhiên khi anh yêu cầu được biết quỹ này được chi như thế nào trường không giải đáp. Trước khi cho con gái anh nghỉ học, trường có làm thư mời anh lên làm việc với nội dung, giải quyết chuyện phối hợp thực hiện nội quy giữa phụ huynh và nhà trường cũng như chuyện phụ huynh đưa chuyện lên facebook nên anh Cường không đến.
Anh Cường có hai con đang theo học tại hệ thống trường Ban Mai School. Con gái được trường cho tạm nghỉ học vào trường từ năm lớp 1. Mỗi tháng cả tiền học phí, tiền ăn, tiền bán trú gia đình nộp cho mỗi cháu khoảng 4.650 nghìn đồng. Anh Cường khẳng định, con ngoan ngoãn, học lực tốt, chưa từng vi phạm nội quy ở trường.
Về phía gia đình, phụ huynh chưa từng chậm nộp học phí hay có đơn xin chuyển trường. Vì vậy, anh rất “sốc” trước quyết định cho con dừng học của trường cũng như lần đầu nghe trường nói đến chương trình giáo dục chuyên biệt tách biệt với chương trình giáo dục của bộ.
Trường không có giải pháp khác
Bà Phạm Thị Thu Phương, Hiệu phó Trường tiểu học Ban Mai School cho rằng, lý do trường tạm cho con anh Cường nghỉ học là vì phụ huynh có nhiều bất đồng với trường trong việc thực hiện các chương trình giáo dục chuyên biệt.
Bà Phương lý giải, trường đang thí điểm mô hình giáo dục chất lượng cao nên ngoài chương trình khung của bộ, đơn vị áp dụng nhiều chương trình học chuyên biệt khác.
Bà Phương lấy ví dụ: Hè 2016, đón đầu xu hướng dạy bơi cho học sinh, trường khảo sát cho toàn bộ học sinh học bơi ở Cung thể thao văn hóa dưới nước ở Mỹ Đình với chi phí 2 triệu/ học sinh tuy nhiên, trường hỗ trợ 1 triệu/ cháu. Anh Cường vẫn phản đối.
Một lần khác, trường tổ chức chương trình tri ân thầy cô cho học sinh lớp 5, dù con anh Cường không học lớp 5 phụ huynh này vẫn lên diễn đàn cha mẹ học sinh để nói xấu, có ý lôi kéo phụ huynh cho con chuyển trường.
Bà Phương cho rằng, trong 1 năm qua, phụ huynh Cường có nhiều ý kiến phản ánh trường gây áp lực không nhỏ cho giáo viên. Trong đó, cũng có ý kiến trường tiếp thu như việc đánh giá, khảo sát lại món ăn cho học sinh.
Còn yêu cầu công khai quỹ hoạt động ngoại khóa của phụ huynh là chính đáng nhưng trường đáp ứng đến đâu lại là chuyện khác. Bà Phương cho rằng: “Mục tiêu chính của trường là dạy học, việc quản lý thu chi do bộ phận tài chính, nếu phụ huynh nay muốn thế này, mai muốn thế khác trường không thể phục vụ hết từng yêu cầu nhỏ như thế”.
Trả lời về việc, tại sao lại chọn giải pháp cho học sinh nghỉ học khi nhà trường và phụ huynh mâu thuẩn? Bà Phương cho rằng, nhà trường và phụ huynh gặp nhau là vì đứa trẻ. Khi mâu thuẩn chưa được giải quyết thì đó là lựa chọn tốt nhất.
Theo bà Phương, trường sẽ gửi thư mời phụ huynh đến làm việc để giải quyết mâu thuẫn, còn khi mâu thuẫn không được giải quyết thì trường không còn lựa chọn nào khác.
Trường khẳng định không đuổi học học sinh vì 5/9 em này có thể đến trường theo học chương trình của bộ. Tuy nhiên, khi hỏi, chương trình chuyên biệt và chương trình của bộ được trường tách biệt thế nào để học sinh có thể theo học thì chính bà Phương cũng không trả lời được.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT Quận Hà Đông cho biết, phòng giáo dục đã nhận được đơn thư của phụ huynh. Phòng đang yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc.