‘Mắt thần’ Cồn Cỏ trong ký ức người cựu binh mù

Ông Lê Hữu Trạc được đồng đội tặng hoa tại buỗi lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND
Ông Lê Hữu Trạc được đồng đội tặng hoa tại buỗi lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND
TP - Tôi may mắn được bám trụ ở đó gần 1.000 ngày đêm. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) của tôi hôm nay là do đồng đội tôi đã dùng máu để đổi lấy. Tôi chỉ xin là người đại diện đón nhận niềm vinh dự cao quý này mà thôi” - Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc bắt đầu câu chuyện về ký ức một thời trận mạc của mình như vậy.

“Đấu giá” để được ra Cồn Cỏ

Sinh năm 1941, vừa qua lớp 5 Lê Hữu Trạc phải nghỉ học để ở nhà giúp mẹ, vì cha ông bị giắc Pháp giết hại. Năm 1961, khi vừa tròn 20 tuổi, người thanh niên Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341 đóng quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhận nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến. 

Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ tự tạo dựng “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, nhằm đánh phá miền Bắc, hy vọng giảm sức nóng trên chiến trường miền Nam. Cồn Cỏ trở thành hòn đảo tiền tiêu, là “con mắt thần” của miền Bắc. Năm 1965, đại đội Lê Hồng Phong được lệnh cử một trung đội ra chiến đấu giữ đảo. Thời gian luân phiên được quy định là 2 tháng. Trung đội nào sẽ được đi trước? Những bức tâm thư, những giải pháp nhằm bám trụ trên đảo lâu nhất của các trung đội liên tục gửi đến các cấp chỉ huy như một cuộc “đấu giá”. 

“Tôi lúc đó là trung đội phó nhưng lại là bí thư chi bộ. Buổi tối họp anh em lại, tôi nảy ra sáng kiến, toàn bộ trung đội 30 người, cùng cắt trọc tóc để thể hiện quyết tâm lên đường chiến đấu của mình. Tại buổi họp xét duyệt, cấp trên hỏi vì sao trung đội tôi lại cắt trọc tóc, tôi nói: Ra đảo muôn vàn khó khăn, nước đôi khi không có để uống, chúng tôi cắt trọc tóc để tiết kiệm nước dùng cho tắm rửa, vệ sinh. Cấp trên thấy tinh thần quyết liệt của chúng tôi nên đã đồng ý. Kế hoạch là luân phiên 2 tháng, nhưng khi ra đến đảo thì ác liệt vô cùng, thiếu thốn vô cùng! Không quân, Hải quân Mỹ bao vây đảo 24/24 giờ. Từ dự kiến chiến đấu giữ đảo 2 tháng, chúng tôi đã bám trụ ở đây gần 3 năm. Đồng đội nào hy sinh thì được mai táng tại chỗ, đồng đội nào bị thương thì tìm cách đưa vào đất liền chữa trị” - ông Trạc kể.

Những tháng ngày trung đội của ông Lê Hữu Trạc ở đảo, là thời gian ác liệt nhất. Lịch sử ghi lại: Từ năm 1964 đến năm 1968, không lực Hoa Kỳ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc - két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4 nghìn quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn; mỗi ha đất chịu 22,6 tấn bom đạn. 
Trong lúc đó, để đảm bảo đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ chiến sỹ trên đảo, tất cả nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược đều phải được tiếp tế từ đất liền. “Vấn đề khó khăn nhất ở các đảo nhỏ giữa biển luôn là nước ngọt. Có thời điểm bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Quả thật là nếu không có tình cảm và những hy sinh lớn lao của quân và dân Vĩnh Linh thì chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. 200 người hy sinh và mất tích trên biển để có những chuyến tiếp tế cho chúng tôi. Nhiều bữa ăn cơm chan nước mắt vì xót thương đồng đội, đồng bào. Những trận đánh của chúng tôi vì thế mà càng quyết liệt hơn!” - ông Trạc nhớ lại.

Đáp trả sự điên cuồng của không quân, hải quân Mỹ, cán bộ chiến sỹ đảo Cồn Cỏ đã dũng cảm chiến đấu 841 trận và ghi nhiều chiến công vang dội: Bắn rơi 48 máy bay các loại, bắn cháy và đánh chìm 17 tàu chiến... góp phần buộc Đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom phá hoại miền Bắc. Đảo nhỏ Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng; 3 đồng đội của Lê Hữu Trạc đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, cán bộ chiến sỹ chiến đấu bảo vệ đảo được Bác Hồ gửi thư khen và tặng hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. 

“Tôi đã rời xa Cồn Cỏ tròn 50 năm vậy mà chưa bao giờ nguôi quên những kỷ niệm về đảo. Tôi vẫn nhớ rất rõ từng đồng đội đã chiến đấu cùng. Họ vô cùng anh dũng và sẵn sàng xả thân mà không tơ hào chút quyền lợi chi. Họ mãi mãi là tấm gương sáng để tôi phấn đấu. Đó là người thủ trưởng tôi luôn luôn kính trọng: Đại tá Trần Văn Thà - Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ. 

Ông Thà đã chỉ huy chúng tôi đánh hàng trăm trận, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động phục vụ chiến đấu trên đảo vô cùng có hiệu quả. Thời kỳ đó, bom Mỹ gần như phát quang đảo, chúng tôi thân trơ mình trụi trên mặt đất. Nếu không có sáng kiến đào địa đạo của ông Thà thì có lẽ tất cả sẽ làm mồi cho máy bay Mỹ. Vậy nhưng, thành tích hay danh hiệu anh hùng ông dành hết cho chiến sỹ. Anh Thái Văn A dù bị thương vẫn không chịu rời chòi quan sát. Anh đã chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu hàng trăm trận, góp phần bắn rơi 20 máy bay Mỹ. Anh Nguyễn Văn Mật - Khẩu đội trưởng súng cao xạ 14,5 ly , tham gia chiến đấu trên 100 trận chống máy bay và tàu chiến Mỹ... Cả 2  anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND  vào năm 1967. Cồn Cỏ tự hào nhưng tôi còn có một niềm tự hào riêng: Anh Thái Văn A và Nguyễn Văn Mật đều là người Quảng Bình quê hương tôi” - người cựu binh mù rưng rưng nhớ về đồng đội.

Chặn đứng đường tiếp viện chiến trường Khe Sanh

Năm 1968, Đế quốc Mỹ bắt đầu xuống thang đánh phá miền Bắc, ông Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền. Ông được cấp trên gọi đến giao làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Là một người lính chân ướt chân ráo từ đảo vào đất liền, ông sợ mình không kham nổi trọng trách, nên xin cấp trên được làm Đại đội phó 1. Cấp trên đồng ý với ông nhưng với chỉ thị: Đại đội Lê Hồng Phong không có đại đội trưởng.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã triển khai lực lượng đánh sập cầu Bến Ngự, chỉ cách đồn địch 100m, cắt đứt việc chi viện bằng đường bộ từ cảng cửa Việt lên chiến trường đường 9 - Khe Sanh. Mất tuyến đường chi viện trên bộ, địch ào ạt chi viện bằng đường sông, tàu vận tải của địch được thiết kế chống đạn B40, mà đơn vị của ông không có loại khí tài nào mạnh hơn B40.
Loay hoay nghĩ cách, ông đề xuất với Bộ tư lệnh Vĩnh Linh được điều động dân quân các xã dùng DKZ bắn thử. Và may mắn, hỏa lực từ DKZ có thể tiêu diệt được tàu địch. Toàn bộ hỏa lực của dân quân các xã được kéo về bố trí bên bờ sông, hàng chục tàu tiếp tế của địch bị bắn cháy, bắn chìm. Có thời điểm cả tuần liền không một chiếc tàu nào lọt qua lưới hỏa lực của ta để tiếp tế cho chiến trường đường 9 - Khe Sanh.

Vẫn vẹn nguyên khí thế chiến đấu mang về từ Cồn Cỏ, ông tiếp tục xây dựng Đại đội Lê Hồng Phong trở thành Đại đội Anh hùng. Một thời gian sau ông được giao trọng trách là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV. Trong một chuyến đi khảo sát địa hình, chống địch đổ bộ bằng đường không ở phía tây Vĩnh Linh, ông và đồng đội không may vướng bom Mỹ. Một chiến sỹ hy sinh, thi thể không còn nguyên vẹn. Ông bị bom hất tung và mù hai mắt.  

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 26 tháng 4 năm 2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Lê Hữu Trạc vì đã có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

MỚI - NÓNG