Mật cá trắm: Thần dược hay độc dược?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 Cùng với những lời đồn thổi về lợi ích của mật cá trắm là sự gia tăng các ca cấp cứu vì ngộ độc tại các bệnh viện hàng năm. Vậy, có hay không tác dụng chữa bệnh từ mật cá trắm?

Khi lợi ích bị thổi phồng

Không biết từ đâu, mật cá trắm bỗng dưng được xem như một loại thần dược có thể chữa được các chứng đau bụng, đau lưng, chữa dạ dày, hen suyễn, ho kinh niên, suy nhược cơ thể... Thậm chí, nhiều người còn rỉ tai nhau, mật cá trắm có thể ví như loại viagra tự nhiên cải thiện sức mạnh cho nam giới và có giá trị không kém các liệu pháp làm đẹp giúp trơn tóc, trắng da.

Và hậu quả của những bài thuốc truyền miệng này là số ca ngộ độc mật cá trắm có xu hướng tăng lên. Riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) mỗi năm cũng tiếp nhận trên 10 ca ngộ độc mật cá trắm, phần đông là nam giới và đã có những ca tử vong do nhập viện quá muộn.

Anh N.Đ.N. (29 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) đã từng bị ngộ độc và phải vào điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai là lời cảnh tỉnh cho những ai đang nuôi hy vọng tăng cường sức khỏe, phục hồi sinh lực bằng mật cá trắm. Chỉ vài giờ sau khi nuốt trọn chiếc mật của con cá trắm nặng hơn 3,5kg, anh N. bỗng nhiên nôn thốc nôn tháo nhiều lần.

Anh N. được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng viêm dạ dày, viêm tắc ống thận và tổn thương gan nặng. Sau 2-3 tuần điều trị tích cực, cơ thể anh mới có thể phục hồi các chức năng gan, thận.

Bác sĩ điều trị cho biết, chỉ cần chậm trễ một chút nữa, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhẹ nhất cũng tắc ống thận, gây suy thận, suy gan, phải lọc máu liên tục, kéo dài hàng tháng, rất tốn kém.

Hiểu để dùng đúng

Xét một cách công bằng, không phải ngẫu nhiên mà những lời đồn thổi về lợi ích của mật cá trắm vẫn được nhiều người truyền miệng và làm theo.

Thực tế, nhiều tài liệu Y học cổ truyền có ghi lại tác dụng của mật cá trắm (thanh như đởm) trong một số bài thuốc chữa bệnh. Sách “Dược tính chỉ nam” ghi: “Mật cá trắm chủ trị những chứng ác sang, hòa nó với vôi mà bôi vào chỗ lở. Người đau cổ họng hoặc sưng tấy, hoà nó với bột bạch phấn phơi chỗ bóng mát, dùng một chút thổi vào là khỏi”.

Sách “Bản thảo cương mục” viết: Mật cá trắm có công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, dùng để chữa mắt sưng đỏ đau, có màng, đau họng, lở loét do nhiệt.

Cuốn “Tứ xuyên trung dược chí” ghi lại kinh nghiệm chữa mụn nhọt lở loét bằng cách lấy mật cá trắm, hạt gấc và thổ đại hoàng sấy khô, tán mịn, trộn đều rồi bôi vào vết loét... Tuy nhiên, không hề có y thư nào nói đến việc dùng mật cá trắm để làm đẹp, tráng dương, chống suy nhược cơ thể và lợi ích khác như lời đồn.

Một số tài liệu còn ghi rõ mật cá trắm có tính độc. Thêm một điều khác biệt nữa là y học cổ truyền chủ yếu dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) và mật đã được sấy khô và thường được kết hợp với nhiều thành phần khác. Trong khi, đa phần các trường hợp ngộ độc thường do uống mật cá trắm tươi hoặc hòa với rượu.

Đối với y học hiện đại, BS. Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong mật cá trắm có chất độc gây suy gan, suy thận cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hoá nên những ai đã uống mật cá trắm mà “chưa” có biểu hiện ngộ độc ngay cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG