> Lũ uy hiếp Quảng Ninh sau siêu bão Hanyan
> Quảng Ninh: Bão làm 4 người mất tích, thiệt hại 200 tỷ đồng
Hàng chục tàu thuyền, nhà bè... ở Vân Đồn bị đắm khi cơn bão Haiyan chuyển hướng đổ bộ vào Quảng Ninh. Ảnh: Phan Dương. |
Đêm 10/11, cơn bão Haiyan đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh. Khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên. Tại cảng Vân Đồn, thay vào cảnh hào hứng kéo những mẻ hải sản tươi rói thường ngày lại là cảnh người dân bơ phờ, mệt mỏi. Ai cũng đang cố tìm mọi cách để cứu vớt những gì còn sót lại.
Ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi) buồn bã cho biết 13 người trong gia đình ông cộng với 10 thủy thủ thuê thêm ra sức giằng kéo, chống chọi với cơn bão để giữ 13 tàu cao tốc chở khách du lịch không bị tàn phá. Tuy những con tàu không sao nhưng toàn bộ lồng cá song chuẩn bị đến ngày thu hoạch và 2 nhà bè đều bị bão phá tan. Chỉ riêng giá trị 12 lồng cá đã hơn 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ sà lan bị chìm sau cơn bão, không thể nở nụ cười trong những ngày qua. Chỉ trong một đêm, chiếc sà lan cùng 460 tấn hàng bị chìm sâu xuống biển. “Trong tình huống này chỉ mong cứu được phương tiện thôi, hàng hóa còn chút nào hay chút đó”, khuôn mặt anh không khỏi xót xa.
“Sà lan của chúng tôi cập cảng Cái Rồng hai ngày trước lúc cơn bão đổ bộ vào Việt Nam. Đầu giờ tối 10/11, tôi đã nghe bão sẽ vào Quảng Ninh nhưng không ngờ lại mạnh đến thế”, anh Mạnh bộc bạch.
Theo chủ sà lan này, thông thường khi có những cơn bão cấp 7, cấp 8, nếu tàu thuyền về cập bến sớm đều không chịu thiệt hại gì. Trái lại, cơn bão Haiyan - tuy đã suy yếu so với sức tàn phá ở Philippines - đổ bộ vào vùng biển Vân Đồn với cường độ mạnh và dai dẳng, khiến tàu bè không còn sức chống đỡ. Toàn bộ bột mỳ, bột sắn của anh Mạnh bị chìm xuống biển. Anh phải chi 30 triệu đồng để thuê đội thủy thủ cứu tàu.
Cả đêm 11/11, 24 thủy thủ cùng chủ hàng thức trắng, huy động tới 3 máy bơm cật lực để tàu nổi lên. Sáng 12/11, anh Mạnh thuê thêm 40 công nhân nữa đến bốc 460 tấn bột sắn, bột mỳ bị ngấm nước chuyển sang tàu khác. Sau đó, anh Mạnh phải thuê máy kéo sà lan vào bến để sửa chữa.
Cảnh tan hoang trong khu chế tác ngọc trai. Ảnh: Phan Dương. |
Các cá nhân, doanh nghiệp nỗ lực chống chọi với cơn bão dữ nhưng khi nó qua đi, gần như tất cả tài sản bị mất sạch. Tại đảo Như Tân (Vân Đồn), toàn bộ cơ sở vật chất khu nuôi ngọc trai của Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam bị phá hủy. Khoảng 200.000 con trai đang chuẩn bị thu hoạch bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại lên tới 11 tỷ đồng.
“Trước đó, nghe tin bão đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh chúng tôi đã lên phương án bảo vệ tài sản. Toàn bộ khu nuôi cấy, nhà ăn và nhà bè đều được chăng lưới, buộc dây cẩn thận. Như mọi đêm, chúng tôi yên tâm về đất liền. Không ngờ lúc bão đổ bộ, nước dâng cao cả chục mét, các nhà bè bị phá hủy. Lúc hai bác bảo vệ gọi điện về, chúng tôi chỉ có thể gào lên cố gắng giữ lấy tính mạng”, anh Nguyễn Văn Cường, Quản đốc công ty ngọc trai Taiheiyo Shinju, cho biết.
Theo anh Cường, những ngày tới, một số công nhân sẽ được huy động để trục vớt máy móc đang bị chìm dưới biển. Hơn 100 công nhân phải nghỉ việc khoảng một tháng chờ khắc phục hậu quả.
Ông Đinh Văn Bảng 62 tuổi, bảo vệ ở đây, cho biết hôm có bão, ông cùng một người nữa ở lại trên đảo. Khoảng 21h, gió bắt đầu thổi mạnh, đến nửa đêm thì gió rít từng hồi, mưa to và biển động dữ dội. Căn nhà sàn lắc lư một lúc thì bắt đầu nghiêng hẳn sang một bên. Ông Bảng chỉ kịp hét người đồng nghiệp chạy xuống xưởng sản xuất để tránh. Khi gió giật tung các tấm tôn xuống biển thì hai người chạy vào nhà tắm và ngồi trong đó đến sáng, không dám chợp mắt.
Sáng sớm hôm sau, người bảo vệ già chỉ thấy trước mắt là cảnh tan hoang. Khu xưởng sản xuất tốc mái, 11 tàu làm việc bị chìm gần hết. Nước biển dâng cao 3m và sóng đánh sập toàn bộ cầu bắc từ các thuyền của công nhân vào trong xưởng sản xuất.
Lồng ngọc trai bị trôi đi hết, số còn lại thu vớt được cũng bị há miệng. Ảnh: Phan Dương. |
Cơn bão đã làm những lồng nuôi trai lấy ngọc bị đứt dây, trôi đi gần hết. Lứa trai nuôi gần một năm, chuẩn bị đến ngày thu hoạch giờ không biết đang ở đâu dưới đáy biển. “Tôi đã chứng kiến nhiều cơn bão cấp 12 nhưng chưa bao giờ thấy bão lớn với gió mạnh đến thế ”, người bảo vệ già cho hay.
Theo số liệu của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), trong bão Haiyan có một ngư dân thiệt mạng (thuộc thị xã Quảng Yên), 8 ngư dân trôi dạt trên tàu bè đã được cứu kịp thời. Hơn 800 nhà dân bị tốc mái, 8 nhà sập hoàn toàn, 47 tàu xuồng đắm, 80 nhà bè, tàu neo đậu bị trôi dạt; gần 100 lồng cá, 10 tấn ốc hương... bị thiệt hại. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vân Đồn, đánh giá: “Thiệt hại của ngư dân sau cơn bão Haiyan là quá lớn, nặng nề. Người dân đang cố gắng khắc phục thiệt hại”.
Theo VnExpress