Để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở lời nói, việc hướng đến mục tiêu trung hòa Carbon là hành động hết sức bức thiết cần triển khai ngay từ bây giờ. Với sứ mệnh là doanh nghiệp Việt Nam tham gia dẫn dắt ngành vật liệu công nghệ cao toàn cầu, Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) xác định rõ chiến lược và đặt ra mục tiêu đầy tham vọng trong việc trung hòa Carbon bảo vệ khí hậu. Trồng rừng là một trong những sáng kiến trung hòa Carbon mà Công ty đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thái Nguyên đi tham quan thực tế tại diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên |
Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo |
Trung hòa Carbon là một phương thức được quốc tế công nhận để con người có trách nhiệm hơn với môi trường nói chung và lượng khí thải CO2 không thể tránh khỏi trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng. Hiểu một cách đơn giản, trung hoà Carbon nghĩa là khi một tấn khí CO2 thải ra sẽ được trung hoà bằng cách giảm cùng một lượng khí CO2 như vậy ở nơi khác. Điều này có thể thực hiện được thông qua việc tính tín chỉ Carbon để đầu tư vào các dự án giảm thiểu lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Đó là cách nhanh nhất để giảm thiểu lượng khí CO2 trong không khí và là cách duy nhất để trung hòa Carbon.
Masan High-Tech Materials chú trọng sử dụng năng lượng hiệu quả và tự tạo ra năng lượng từ các nguồn có thể tái tạo là những đòn bẩy chính giúp Công ty hiện thực hóa mục tiêu trung hòa Carbon. Căn cứ khuôn khổ chung là các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu Công ty đã có những tiếp cận bước đầu cho hành trình hướng tới trung hòa Carbon như:
Diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên |
Rà soát, tính toán và thẩm định lại kiểm kê khí nhà kính
Thực hiện rà soát, tính toán và thẩm định lại việc kiểm kê khí nhà kính từ tiêu thụ năng lượng theo hướng dẫn của chương trình khung Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (IPCC) với phạm vi trực tiếp (tiêu thụ than, xăng, dầu) và phạm vi gián tiếp (tiêu thụ điện). Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện việc kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực khác như xử lý nước thải, thải bỏ chất thải và kể cả những phát thải nhỏ khác như in ấn.
Phát triển trang trại điện mặt trời tại mỏ Núi Pháo
Điện xanh và năng lượng sạch chính là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng Carbon trung tính. Hiện tại, Công ty đã làm việc với một số đối tác để tìm kiếm cơ hội phát triển và lắp đặt trang trại điện mặt trời tại mỏ Núi Pháo. Dự án này có ý nghĩa rất lớn và khả quan để thực hiện trong chiến lược sử dụng năng lượng của Công ty trong 5 đến 10 năm tới.
Hình ảnh cây năng lượng trồng tại mỏ Núi Pháo |
Tính toán lượng Carbon hấp thụ từ hoạt động cải tạo phục hồi môi trường và diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Kể từ khi mỏ Vonfram - đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) được đưa vào khai thác, Công ty đã tiến hành trồng hàng chục ha cây Keo theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Ngoài tác dụng chính là giảm thiểu tác động của các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đây cũng là những bể hấp thụ Carbon quan trọng.
Bên cạnh đó, Công ty cũng theo dõi để tính toán thêm lượng Carbon được hấp thụ từ diện tích rừng trồng thay thế cho dự án Núi Pháo. Từ năm 2018, Công ty đã ký quỹ 1,5 tỷ đồng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thái Nguyên để trồng thay thế 26,7ha rừng đã được đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Núi Pháo. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thái Nguyên đã sử dụng số tiền này để trồng 50ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tại các xã Bảo Linh, Định Biên, Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Các loại cây được trồng và bảo vệ tại diện tích rừng này là Quế, Lim xanh, Lát hoa và các loại cây thân gỗ tái sinh… hiện đang phát triển, tạo tán tốt. Công ty đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thái Nguyên để thu thập thông tin, tính toán khả năng hấp thụ Carbon thông qua diện tích rừng đã trồng, đồng thời nghiên cứu các chương trình hợp tác đầu tư trồng rừng trong thời gian tới tại tỉnh Thái Nguyên. Theo tính toán ban đầu, lượng CO2 tích lũy từ diện tích rừng trồng theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường hàng năm và diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Định Hóa vào khoảng 5.736 tấn. Việc bù đắp Carbon từ cây xanh như là một giải pháp cầu nối cần chú trọng thực hiện để hướng đến mục tiêu trung hòa Carbon, cân bằng khí hậu.
Diện tích cây Keo trồng theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ Núi Pháo |
Trồng cây tại các sườn bãi thải phủ xanh đất mỏ |
Ý tưởng đầu tư vào trồng rừng để bán tín chỉ Carbon rừng
Tín chỉ Carbon (Carbon Credit) là giấy phép do chính phủ hoặc cơ quan quản lí khác cấp, cho phép chủ sở hữu tín chỉ được phát thải các loại khí nhà kính (được quy đổi về khí CO2). Mỗi tín chỉ Carbon bằng một tấn CO2 tương đương, tín chỉ Carbon có thể được trao đổi, mua bán giữa các bên tham gia vào thị trường Carbon. Theo đó, tín chỉ Carbon rừng được xác định bằng cách tính toán khả năng hấp thụ CO2 trong khí quyển thông qua sinh khối của rừng. Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để bán tín chỉ carbon rừng.
Ngày 22/10/2020, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Quỹ Carbon lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới. Việt Nam dự kiến sẽ bán khoảng 10,3 triệu tấn khí CO2 thông qua chương trình REDD+ (Chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) trong giai đoạn từ 2020 - 2025 tại 6 tỉnh miền Bắc Trung Bộ. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có thể bán tới 50 triệu tín chỉ Carbon rừng, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có các dự án đầu tư kinh doanh, mua bán tín chỉ Carbon rừng từ chương trình REDD+ giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Do đó, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ Carbon rừng từ chương trình REDD+, thời gian thí điểm từ 2021-2025. Việc thí điểm thành công sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Hiện nay, Masan High-Tech Materials đang theo dõi sát sao lộ trình phát triển và thời gian triển khai thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam, cũng như việc hoàn thiện khung pháp lý để định hướng cho hoạt động này, sẵn sàng đón đầu cơ hội tham gia vào thị trường tín chỉ Carbon, góp phần vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Masan High-Tech Materials là nhà cung cấp vật liệu Vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như điện tử, hóa chất, ô tô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm, với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới. Là nhà sản xuất các sản phẩm Vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, Công ty có 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đức và Việt Nam và hiện đang vận hành mỏ đa kim Núi Pháo và một nhà máy chế biến Vonfram hiện đại tại tỉnh Thái Nguyên. Masan High-Tech Materials cũng là nhà sản xuất Florit và Bismut lớn trên thế giới.