Mánh 'rửa tiền' của tội phạm tại Việt Nam

Mánh 'rửa tiền' của tội phạm tại Việt Nam
Việt Nam dễ thành mục tiêu cho các tổ chức tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.

>Kẽ hở chuyển tiền ra nước ngoài
>Theo dấu 'người đưa đường' ở Việt Nam - tiếp

Tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.

Sơ đồ quy trình rửa tiền
Sơ đồ quy trình rửa tiền.

Nếu việc rửa tiền thành công thì tội phạm làm sinh lợi từ số tài sản phạm tội mà có, trở thành nơi ẩn náu an toàn cho số tài sản có nguồn gốc phi pháp, không minh bạch, làm gia tăng nhiều tội phạm khác và nạn tham nhũng. Việt Nam dễ thành mục tiêu cho các tổ chức tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. Nhưng đến năm 2009, tội danh rửa tiền mới xuất hiện trong Bộ luật Dân sự, chế tài xử phạt đến ngày 7/2/2012 mới bắt đầu có hiệu lực.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là 51.000 tin, trong đó Ngân hàng nhà nước đã báo cáo chuyển sang công an 160 vụ. Tổng số tiền giao dịch khả nghi hơn 50.900 tỷ đồng.

Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài về để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền “sạch”.

Đồng thời, một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy... “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”. Việc rửa tiền không chỉ được tiến hành qua ngân hàng, mà qua rất nhiều kênh như chứng khoán, bất động sản, đánh bạc ở casino... Trên thực tế, các chiêu thức rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (Cục trưởng Phòng, chống rửa tiền, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng) cho biết, từng phát hiện 2 nghi can sử dụng thẻ Visa Debit để tuồn tiền “bẩn” từ Việt Nam ra nước ngoài, sau đó lại chuyển “tiền sạch” vào Việt Nam. Chúng dùng thủ đoạn thuê 10 người mở thẻ Visa Debit, sau đó mang số thẻ này sang Campuchia vì Campuchia cho phép các trụ ATM nhả nội tệ và USD. Sau khi mang thẻ sang Campuchia, đồng bọn ở Việt Nam liên tục chuyển tiền vào 10 thẻ Visa Debit trên, còn các nghi can tại Campuchia cũng liên tục rút tiền tại Campuchia.

Số tiền sau khi rút ra được chúng mua vàng chuyển về Việt Nam và từng bước hợp thức hóa. Đây chỉ là những chiêu thức rửa tiền mới phát hiện. Thói quen sử dụng tiền mặt, không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền cộng với tình trạng sở hữu chéo chằng chịt trong các doanh nghiệp, ngân hàng tại Việt Nam cũng khiến việc phát hiện tội phạm rửa tiền thêm khó khăn.

Theo thống kê của ngành Hải quan, từ đầu năm đến 15/11, các đơn vị Hải quan đã bắt giữ, xử lý 10 vụ mang ngoại tệ, vàng vượt định mức không khai báo với số tiền vi phạm hơn 57.000 USD, 880 triệu đồng và 105 lượng vàng.

Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) từng phát hiện Trần Phi Toàn (29 tuổi, ngụ TP Châu Đốc, An Giang) chở 92kg vàng thỏi từ biên giới chuyển lên TP HCM bán cho các tiệm vàng ở quận 5.

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP HCM đề nghị truy tố thuyền trưởng tàu Biển Đông Star Nguyễn Viết Bẩy (35 tuổi, quê Hải Phòng) về tội danh Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Theo nhà chức trách, khi tàu từ Hồng Kông cập cảng Cát Lái neo đậu, Bẩy xin đi nhờ ca-nô của hoa tiêu khu vực 1 (hoa tiêu dẫn tàu) vào bờ, mang theo 12 gói nữ trang (13kg vàng) về quận 7 cất giữ. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, lô hàng nữ trang thu giữ trị giá hơn 4,7 tỷ đồng.

Theo Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG