> Nơi con trẻ không có Tết Trung thu
Sáng ngày 11-9, nhóm phóng viên báo Tiền Phong mang theo gần 100 phần quà gồm bánh Trung thu, sữa trở lại hồ Dầu Tiếng. Đến xóm đảo Tha La (xã Định Thành, huyền Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) lúc giữa buổi sáng, cả xóm vắng hoe, chỉ có vài em nhỏ.
“Trẻ con trong xóm đi hết cả rồi. Những đứa nghỉ học thì vào rừng bẻ măng. Hôm nay người ta đi lễ chùa đông nên tụi nhỏ tranh thủ bán măng, bán nhang kiếm thêm ít tiền”- ông Mai Văn Hương, trưởng xóm đảo Tha La giải thích.
Nói rồi, ông xóm trưởng vội vàng khoác chiếc áo chạy đi kêu tụi nhỏ về nhận quà. Chừng nửa tiếng sau, lác đác những đứa trẻ được bố mẹ đưa đến, gương mặt đứa nào cũng ngơ ngác vì lần đầu tiên nghe có người đến tận nơi tặng quà bánh Trung thu, chúng rụt rè, đứng túm tụm bên nhau. Các em lớn hơn thì đổ xuống từ các triền núi.
Trần Văn Thái, 13 tuổi ở trần trùng trục, có mái tóc như bờm ngựa nói: “Em đang hái măng, nghe báo về nhận quà Trung thu, em vội chạy về. Hồi trước ở xã cũng tổ chức phát bánh kẹo nhưng xa quá, gần chục cây số nên tụi em không đi được”.
Trao quà Trung thu ngay giữa lòng hồ . |
Từ ngày mảnh đất ven rìa bờ hồ Dầu Tiếng được khai phá, đến nay đã gần 30 năm nhưng cuộc sống người dân vẫn còn rất khó khăn. Sau một lần di cư, giờ đây họ phải cất nhà sống tạm bợ dọc theo chân núi. Gần 30 năm nay lũ trẻ nghèo ở đây chẳng biết mùi vị chiếc bánh Trung thu là thế nào, chưa nói đến những điều “xa xỉ” như múa lân, đèn lồng…
Đến gần trưa mới tập hợp được lũ trẻ đang tản mác khắp nơi trên núi, trong chùa trở về xóm. Nhiều em vẫn tỏ ra ngượng ngập khi tiếp xúc với người lạ. Những bài hát thiếu nhi được cất lên trong ngôi nhà lụp xụp ven lòng hồ Dầu Tiếng. Các em biết ít bài hát, thậm chí chẳng thuộc bài nào, cứ ấp a ấp úng, ngọng nghịu mãi.
Sau cuộc vui với lũ trẻ ở ấp Tha La, nhóm phóng viên Tiền Phong tiếp tục ngược lên phía Tây khoảng 20 km đến với ấp Nhà Bè nằm ở một hướng khác bên bờ hồ Dầu Tiếng (thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng). Đừng đến xóm 7 thật khó khăn, nhiều đoạn sình lầy xe không vào được nên anh em phải mang vác quà đi bộ hơn 2 km để vào xóm. Xóm có chừng 25 gia đình, và hầu hết mọi nhà đều đông con trẻ.