Make in Viet Nam – con đường để Việt Nam tiến ra thế giới

“Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sáng nay (23/12).

Một năm 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự ra đời của chương trình Make in Viet Nam, của tinh thần Make in Viet Nam là thể hiện khát vọng và tự hào Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, thay vì gia công, lắp ráp.

Make in Viet Nam – con đường để Việt Nam tiến ra thế giới ảnh 1

Gần 30 địa phương trên cả nước đang triển khai Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC) phục vụ chỉ đạo, điều hành – một sản phẩm Make in Viet Nam sử dụng các công nghệ hiện đại nhất của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Bigdata.

“Chúng ta đã nghe nhiều, kể nhiều, có thể là hơi quá nhiều, các câu chuyện nước ngoài cho người Việt Nam nghe. Có lẽ đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam. Make in Viet Nam là kể câu chuyện Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, Chỉ thị đầu tiên năm 2020 - Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ là Chỉ thị về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây, chúng ta đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp, một con số kỷ lục.

 “Ngày ấy, chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Vậy mà, ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời. Những nhà quản lý như chúng ta đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được dương cao”, Bộ trưởng nói.

Ông chia sẻ, thời kỳ COVID-19 đã cho thấy khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

“Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam”, Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp Việt giải quyết bài toán Việt

Theo ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghệ Thông tin VNPT, dự thảo Quyết định Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn như đầu tư nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, xây dựng nền tảng công nghệ số dùng chung, phát triển hệ sinh thái số cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm.

Ông Hy chia sẻ, thực tế những năm qua, VNPT đã tích cực phát triển các sản phẩm Make in Viet Nam phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trở thành doanh nghiệp tiên phong, có vai trò dẫn dắt chuyển đổi số. Một số sản phẩm có thể kể đến như giải pháp định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC. Tại cuộc thi Asia Communication Awards, ứng dụng này giúp VNPT vinh dự nhận giải thưởng “Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á”. Giải pháp Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 với hơn 20 sản phẩm, được triển khai trên 63/63 tỉnh/thành phố với hơn 29.000 trường học, 800.000 giáo viên sử dụng và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh. VNPT Pay giúp thanh toán các nhu cầu thiết yếu và giải trí hàng ngày, đặc biệt cung cấp giải pháp thanh toán cho hơn 2.000 dịch vụ công trực tuyến.

Make in Viet Nam – con đường để Việt Nam tiến ra thế giới ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trao giải Nhất sản phẩm Make in Viet Nam trong hạng mục Thu hẹp khoảng cách số

Giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC) (Intelligent Operation Center - IOC) của VNPT được coi là bộ não số giúp trong chỉ đạo, điều hành của các địa phương với gần 30 tỉnh, thành phố đang triển khai. Hệ thống Quản lý phản ánh và tương tác trực tuyến VNPT ORIMX là giải pháp trong tổng thể thành phố thông minh, giúp chính quyền và lực lượng chức năng tiếp nhận giải quyết kịp thời các phản ánh kiến nghị của người dân trên địa bàn liên quan.

Ông Hy chia sẻ, chỉ có công nghệ Việt mới giải quyết được bài toán Việt. Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết bằng công nghệ số như an sinh xã hội, quản lý – giám sát dịch bệnh, ách tắc giao thông, hiện đại hóa nông nghiệp, quản lý tài nguyên đất đai. Đây là các lĩnh vực đặc thù của Việt, chỉ có công nghệ Việt mới giải quyết được.

Ông Hy kiến nghị, để thúc đẩy Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể triển khai các dự án theo mô hình đối tác công tư PPP trong Công nghệ số. Tháo gỡ các khó khăn cho việc cung cấp onetime CA để đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số của cá nhân trong giao dịch điện tử.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), để thúc đẩy Make in Viet Nam, VINASA đang có  nhiều chương trình thúc đẩy các sản phẩm số mới của Việt Nam như Sao Khuê, TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin, Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam. Ông Bình cho rằng, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải đóng vai trò dẫn dắt cộng đồng, cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng các dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân.

Tại Diễn đàn sáng nay cũng diễn ra lễ trao giải Giải thưởng sản phẩm số Make in Viet Nam. Giải thưởng gồm 5 hạng mục Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số, và Sản phẩm số tiềm năng. 14 sản phẩm xuất sắc nhất được vinh danh đã thể hiện trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.