Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10–12 năm tù

Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10–12 năm tù
TPO - 14h30 ngày 20/3, đại diện VKSND TP.HCM đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án với 14 bị cáo. Theo đó, nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu bị đề nghị 10-12 năm tù cho tội nhận hối lộ, con trai ông Dâu là Mai Thanh Hải chịu mức 5-8 năm tù.
Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10–12 năm tù ảnh 1

Các bị cáo đang nghe công tố viên luận tội tại phiên tòa ngày 20/3/2007. Ảnh: Hữu Vinh.

Mức án được đề nghị như sau:

1. Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Bộ TM) từ 10-12 năm tù, cho  tội “Nhận hối lộ”.

2. Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK – Bộ TM), 14 -16 năm tù, tội “Nhận hối lộ”

3. Bùi Văn Tuấn (Giám đốc Cty TNHH Tomotake Việt Nam), 10 – 12 năm tù, tội “Môi giới nhận hối lộ”.

4. Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM), từ 8 – 10 năm tù, tội “Môi giới hối lộ”.

Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10–12 năm tù ảnh 2
Nhóm bị cáo Mai Văn Dâu , Bùi Văn Tuấn, Lai Wai Hung, Lê Văn Thắng, Nguyễn Cương, đang nghe công tố viên luận tội. Ảnh: Hữu Vinh.

5. Mai Thanh Hải (chuyên viên Vụ XNK Bộ Thương mại, con trai ông Mai Văn Dâu), từ 1 - 2 năm tù giam, tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” ; 4 – 6 năm tù, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tổng cộng mức án đề nghị từ 5 – 8 năm tù cho cả hai tội danh.

6. Lai Wai Hung (nguyên Phó Tổng giám đốc Cty TNHH Sundence Clothings VN), từ 6 – 8 năm tù, tội “Đưa hối lộ”.

7. Trần Thu Lan (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu), từ 6 – 8 năm tù, tội “Đưa hối lộ”.

8. Bùi Thị Huyền Nga, từ 2 – 3 năm tù, tội “Môi giới hối lộ”.

9. Lưu Thị Minh Hiền (giám đốc Cty TNHH Hải Minh), từ 2 – 3 năm tù, tội “Môi giới hối lộ”.

10. Trịnh Thị Hồng Điệp, từ 2 – 3 năm tù, tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

11. Phạm Anh Tuấn, từ 2 – 3 năm tù,  tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

Mai Văn Dâu bị đề nghị mức án 10–12 năm tù ảnh 3

Bị cáo Võ Thị Thanh Hằng (bên phải) cùng luật sư bào chữa - bà Trương Thị Hoa. Ảnh Hữu Vinh.

12. Phan Nghĩa Hiệp, từ 6 – 8 năm tù, tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

13. Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng XNK khu vực Hải Phòng-Bộ TM), từ 2 – 3 năm tù, tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, nhưng được đề nghị cho hưởng án treo.

14. Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Hằng, cơ quan công tố rút quyết định truy tố bị cáo này với tội danh “Làm, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” vì hành vi của bị cáo này chỉ ở mức xử lý hành chính.

Theo công tố viên, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng và tội phạm có tổ chức diễn biến phức tạp.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước thoái hoá, biến chất, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng cương vị công tác, lợi dụng ảnh hưởng của nhau để thực hiện hàng loạt những hành vi trái pháp luật…

Tình hình này đã gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng, để lại những tác hại xấu, làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của nhân dân, là vật cản của tiến trình đổi mới, của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng đã đề ra và đang chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức, thực hiện một cách quyết liệt.

Trong vụ “chạy” quota ở Bộ Thương mại, việc đưa xét xử công khai các bị cáo liên quan đến vụ án là hết sức cần thiết, phù hợp với ý chí của Đảng và nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước nói chung; Đảng bộ và chính quyền nhân dân TP.HCM nói riêng.

Về nhóm hành vi Nhận hối lộ của Lê Văn Thắng; Đưa hối lộ của Trần Thu Lan, Lưu Thị Minh Hiền; Làm môi giới hối lộ của Bùi Thị Huyền Nga:

Để có quota cho Cty,  sau khi gửi hồ sơ xin cấp xét hạn ngạch qua đường văn thư đến Bộ TM, Trần Thi Thu Lan đã photocopy  hồ sơ này, trực tiếp ra Hà Nội gặp riêng Lê Văn Thắng.

Bị cáo Lan khai, có đến 17 lần bị cáo gặp Lê Văn Thắng tại nhà riêng của quan chức này, trong đó có 9 lần Bùi Thị Huyền Nga cùng đi. Lan đã đưa tổng cộng 13 lần với 23.000 USD cho Thắng; đưa cho chuyên viên Vụ XNK Bùi Hồng Minh 6 lần tiền: 4.500 USD; đồng nghiệp của ông Minh là Nguyễn Việt Phú cũng nhận 5 lần tiền: 3.500 USD.

Song, Lê Văn Thắng chỉ khai nhận có 15.000 USD; Bùi Hồng Minh khai nhận 2 lần: 2.000 USD; Nguyễn Việt Phú phủ nhận hoàn toàn.

Từ những lời khai thực tế tại toà cho thấy,  các bị cáo Nga và Lan có thống nhất trước việc ra Hà Nội để gặp Lê Văn Thắng, trong những lần đi này, Bùi Thị Huyền Nga  đã chứng kiến việc Trần Thu Lan đưa hối lộ cho Thắng 5 lần (5.000 USD), tương đương 77.776.247 đồng.

Bị cáo Lưu Thị Minh Hiền khai, đã đưa tiền cho Trần Kim Dung (Giám đốc Chi nhánh Cty XNK dịch vụ tổng hợp Vĩnh Phú, đã bỏ trốn) 2 lần tiền: 50.000 USD, nhờ Dung làm chi phí quan hệ với các quan chức để “chạy”  quota giúp Cty QMI. Số tiền này Dung đã đưa Thắng 5 lần, tổng cộng 3.000 USD (47.116.800 đồng). Từ đây Bộ Thương mại đã xét cấp cho QMI 23.635 tá sản phẩm.

Bị cáo Lê Văn Thắng thừa nhận, từ tháng 6/2003 đến 8/2004, qua giới thiệu của Nga, Thắng đã nhận tổng cộng 11 lần tiền từ Lan đưa: 15.000 USD. Từ đây Thắng cấp cho Cty Lan 98.842 tá sản phẩm. Khi nhận quà biếu Thắng rất nhiệt tình.

Tổng cộng Lê Văn Thắng đã nhận tiền 16 lần từ Trần Thu Lan bằng nguồn của Cty May và Thương mại Á châu và của Trần Kim Dung bằng nguồn của Lưu Thị Minh Hiền, tất cả 18.000 USD (281.868.287 đồng). Số tiền này đã được gia đình bị cáo Thắng nộp lại hết, nhằm khắc phục hậu quả đã gây ra.

Việc cơ quan công tố đề nghị mức án với nhóm bị cáo nói trên là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Nhóm hành vi Nhận hối lộ của bị cáo Mai Văn Dâu; Đưa hối lộ của bị cáo Lai Wai Hung; Làm môi giới hối lộ của bị cáo Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Cương:

1. Bị cáo Mai Văn Dâu:

Thông qua sự dẫn dắt của Nguyễn Cương, bị cáo Dâu đã tiếp nhận hồ sơ, bút phê vào các công văn xin phân bổ hạn ngạch tại nhà riêng rồi giao lại cho các thương nhân: Lai Wai Hung, Chou Ming Chen, Wou Chun Te… đem đến văn phòng Bộ TM đóng dấu, sau đó đến nộp trực tiếp hay qua đường công văn đến Vụ XNK.

Tuy tại toà, ông Dâu nói không nhận bất cứ đồng nào từ Nguyễn Cương và các thương nhân, song, những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập cho thấy (từ lời khai của Nguyễn Cương, Lai Wai Hung, Lê Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Lái – Trưởng Phòng tổng hợp của Bộ TM…) hành vi bút phê của ông Dâu vào các công văn xin hạn ngạch là trái qui trình. Nếu không có động cơ tư lợi, bị cáo này sẽ không làm trái qui trình nhiều lần như thế. 

Vì vậy, công tố viên vẫn giữ nguyên quan điểm cáo trạng quy buộc ông Dâu nhận hối lộ 4 lần, tổng cộng 6.000 USD (94.023.600 đồng).

2. Bị cáo Lai Wai Hung:

Bị cáo đã có lời khai trung thực, thừa nhận hành vi việc đưa tiền 2 lần cho Nguyễn Cương 18.000 USD để hối lộ cho ông Dâu.

3. Bị cáo Bùi Văn Tuấn:

Bị cáo Tuấn đã nhận tiền các doanh nghiệp 243.921,75 USD để chạy giúp quota.

Số tiền này Tuấn đã đưa lại cho Nguyễn Cương 140.000 USD để nhờ Cương đưa cho ông Dâu. Mặc khác Tuấn cũng khai đưa cho bà Nguyễn Diên Hồng (vợ ông Dâu) 5.000 USD cùng với bộ veston 380 USD; Mai Thanh Hải là 5.000 USD. Tổng cộng 10.380 USD.

Song trước toà, bà Hồng, ông Dâu và Mai Thanh Hải, đều không thừa nhận việc nhận tiền, quà.

Vì thế, cơ quan công tố rút một phần quyết định truy tố hành vi nói trên. Chỉ buộc Tuấn tội làm môi giới hối lộ 110.000 USD, số tiền còn lại 103.541,75 USD, Tuấn không chứng minh được đã đưa cho ai nên buộc bị cáo này nộp lại để sung vào công quỹ Nhà nước. 

4. Bị cáo Nguyễn Cương:

Qua lời khai của bị cáo này cùng với số bị cáo liên quan, không có cơ sở buộc bị cáo này làm môi giới hối lộ 66.000 USD.

Vì thế, cơ quan công tố xin rút một phần quyết định truy tố đối với Nguyễn Cương và chỉ truy tố ở hành vi này với số tiền 6.000 USD (94.023.600 đồng).

Gia đình bị cáo đã nộp 2,330 tỉ đồng (149.000 USD) cho cơ quan điều tra nên cơ quan điều tra không khởi tố bị cáo tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có công vụ, quyền hạn để trục lợi" là có căn cứ.

Những bị cáo còn lại, cơ quan công tố đều giữ quan điểm truy tố như ban đầu mà cáo trạng cáo buộc đối với bị cáo.

Tuy nhiên, cũng có những bị cáo thở phào nhẹ nhõm khi nghe xong bản luận tội của công tố viên, đó là Trần Văn SửuVõ Thị Thanh Hằng.

Đối với bị cáo Sửu, hành vi của bị cáo này được xem là nghiêm trọng, song xét thấy đã có thái độ khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, đã nộp tiền khắc phục hậu quả, nên cơ quan công tố đề nghị HĐXX không cần thiết tiếp tục cách ly bị cáo này khỏi xã hội và giao bị cáo này về cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục là đủ.

Còn bị cáo Võ Thị Thanh Hằng, tuy đã là gian dối, vi phạm pháp luật khi dùng giấy tờ được sử dụng trong hồ sơ xin cấp quota đợt 1 để xin tiếp quota đợt 3, nhưng hành vi của bị cáo chỉ vi phạm trình tự thủ tục hành chính, không phạm tội “Làm, tàng trữ, lưu hành những giấy tờ có giá giả khác”. Vì vậy, cơ quan công tố rút quyết định truy tố với bị cáo Hằng về tội danh nêu trên.

Mặt khác, cơ quan công tố đề nghị Toà buộc các bị cáo và đương sự nộp lại số tiền sung vào công quỹ Nhà nước như sau: Bùi Văn Tuấn phải nộp 103.541,75 USD; Lâm Chí Phát 5.000 USD; Đặng Văn Minh và Nguyễn Quốc Sử liên đới nộp lại 1.000 USD.

Tịch thu: 94.023.600 đồng, tiền của Mai Văn Dâu đã nộp; Trần Văn Sửu (31.228.220 đồng); Lê Văn Thắng (281.868.287 đồng); Nguyễn Cương (2,330 tỉ đồng); Phan Nghĩa Hiệp (452.590.722 đồng); Phạm Anh Tuấn (322.781.347 đồng); Trịnh Thị Hồng Điệp (2.900 USD).

Trả lại cho Mai Thanh Hải 104 triệu đồng, tiền đã nộp thừa.

Phiên toà tạm thời kết thúc sau phần bào chữa của luật sư Hoàng Mỹ Đức cho thân chủ là Lê Văn Thắng; luật sư Phan Trung Hoài cho bị cáo Mai Văn Dâu.

Đầu giờ sáng mai (21/3), HĐXX tiếp tục làm việc lại với phần bào chữa của các luật sư khác cho các thân chủ của mình.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.