Mới đây, nam diễn viên gạo cội Mã Đức Hoa cho ra mắt cuốn tự truyện mang tên “Ngộ Năng”, chủ yếu xoay quanh câu chuyện về vai diễn làm nên tên tuổi ông – Trư Bát Giới trong “Tây du ký” bản 1986.
Điều này khiến không ít người ngạc nhiên. Mọi người đều thắc mắc vì sao Mã Đức Hoa phải chờ lâu như vậy mới ra mắt tự truyện.
Đáp lại, nam diễn viên 74 tuổi cho biết, từng nhiều tác giả đến tìm ông vào thời điểm “Tây du ký” được yêu thích nhất, nhưng ông từ chối với lý do “quá sớm”, chưa đủ trải nghiệm cuộc đời để có thể cho ra một sản phẩm hồi ký đủ sức “dạy người”.
Không tiếc nếu cả đời chỉ diễn Trư Bát Giới
Như tên gọi, nội dung trọng tâm của cuốn tự truyện là về vai diễn “để đời” của Mã Đức Hoa – Trư Bát Giới. Mã Đức Hoa thừa nhận, thành danh nhờ “Trư Bát Giới” và không hề cảm thấy tiếc nuối nếu cả đời chỉ diễn nhân vật đình đám này.
Nam nghệ sĩ nhận xét, Trư Bát Giới là nhân vật gây cười, thích tỏ ra thông minh, lười nhác, tạo cảm giác đần độn và háo sắc. Tuy nhiên, bản chất nhân vật này biết yêu thương gia đình, không để bụng. “Nhân vật này rất có cá tính, cũng là nhân vật giống người bình thường nhất”, ông chia sẻ.
Mã Đức Hoa rất tâm đắc với nhân vật Trư Bát Giới. Theo tự truyện, khi đến casting cho phim “Tây du ký” vào năm 1982 và được đạo diễn Dương Khiết hỏi muốn diễn vai nào, Mã Đức Hoa không hề suy nghĩ trả lời: “Tôi đến đây vì Trư Bát Giới”. Cuối cùng, ông vượt qua ba đối thủ thử vai trước đó, mà theo đạo diễn Dương Khiết đánh giá là “không tồi”, để giành lấy cơ hội thành danh chỉ sau một đêm.
"Khóc ròng" vì hóa trang
Dĩ nhiên, thành công đi đôi với mồ hôi, nước mắt. Mã Đức Hoa đã trải qua không ít khổ cực mới tạo ra hình tượng Trư Bát Giới kinh điển nhất.
Mã Đức Hoa tiết lộ trong “Ngộ Năng”, ông và Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) gặp không ít tình huống “dở khóc, dở cười” trong khâu hóa trang.
Đầu tiên, hai nam diễn viên phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để hóa trang. Công đoạn này mất ít nhất vài tiếng. Sau khi hoàn thành, ông chuyển qua giai đoạn “chịu đựng” lớp mặt nạ dày bằng thạch cao.
“Mặt nạ gắn chặt vào mặt trong khi thời tiết nóng bức. Mồ hôi của tôi chảy ròng, nhưng không thoát ra được nên chảy luôn vào miệng. Đáng sợ nhất là bọ chui vào mặt nạn. Tôi bị cắn rất đau và ngứa nhưng không thể gỡ lớp mặt nạ được gắn keo”, trích lời kể của Mã Đức Hoa.
Ông còn gặp sự cố bị keo dán lông mi dính vào mắt, đến mức mở mắt cũng khó khăn, mà cũng không dám nháy mắt.
Chưa hết, lớp mặt nạ dày còn cản trở nam diễn viên (khi đó 37 tuổi) trong việc ăn uống. Ông chỉ có thể nhìn mọi người ăn. Khi nào quá đói, ông dùng thìa múc từng miếng cơm nhỏ rồi ngửa cổ lên trời để dốc thức ăn vào miệng. Uống nước cũng phải có ống hút.
Thoát nạn nhờ bụng bự
Cuốn tự truyện cũng nhắc đến sự nghèo nàn, thô sơ về kỹ xảo, đạo cụ của đoàn làm phim vào những năm 1980.
Theo Mã Đức Hoa, làm khó đoàn làm phim nhất ở giai đoạn đó là các phân cảnh “đi mây về gió” của các nhân vật. Ê kíp phim từng có ý định sang Hong Kong (Trung Quốc) học cách áp dụng kỹ thuật treo người trên dây cáp, thường sử dụng nhiều trong các bộ phim võ thuật. Tuy nhiên, kế hoạch bị phá sản vì các nhà làm phim Hong Kong không chịu chia sẻ kinh nghiệm, chỉ đồng ý cho đứng từ xa nhìn.
“Cái khó, ló cái khôn”, đoàn làm phim tự chế dây thép treo người. Nó giúp giải quyết bài đoán kỹ xảo. Nhưng trong quá trình treo người trên không, dàn diễn viên chính không tránh khỏi các sự cố gây thương tích.
Mã Đức Hoa kể, từng ngã từ độ cao 3m xuống đất, may có chiếc bụng bự hóa trang của nhân vật Trư Bát Giới và lớp nệm trải dưới đất nên không gây chấn thương nghiêm trọng. “Tôi chỉ phải vào viện nằm tĩnh dưỡng cho đên khi khỏe lại”, nam diễn viên nói.