Lưu ý gì cho người lao động khi giao kết hợp đồng với các công ty môi giới xuất khẩu lao động?

0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, chỉ trong 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, đạt 101,37% kế hoạch cả năm. 

Đây là một dấu hiệu khả quan, nhất là khi lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước; đồng thời, tăng tích lũy và cải thiện đời sống của chính người lao động. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số mặt trái trong công tác xuất khẩu lao động.

Thực tế, không ít đơn thư kiến nại của người lao động đã được gửi tới các cơ quan chức năng. Nguyên nhân có thể do người lao động gặp phải những công ty môi giới không uy tín hoặc không đạt được những nguyện vọng như thỏa thuận ban đầu khi đi xuất khẩu lao động. Những phân tích, chia sẻ của LS Phạm Thị Bích Hảo, Giám Đốc Công ty Luật TNHH Đức An đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

PV: Thưa bà, hiện nay, hầu hết những người lao động đi xuất khẩu đều thông qua một khâu trung gian là công ty môi giới. Tuy nhiên, thực tế, đã từng có không ít trường hợp người lao động gặp rủi ro khi gặp phải những công ty môi giới xuất khẩu lao động không uy tín. Vậy trước thực trạng này, bà có thể đưa ra những lưu ý gì cho người lao động trong việc tìm kiếm cũng như kiểm chứng thông tin về doanh nghiệp đủ điều kiện cung ứng lao động ra nước ngoài, thưa bà?

LS Phạm Thị Bích Hảo:

Người lao động có thể truy cập vào trang chủ của Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo địa chỉ http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx.Tại trang web này, người lao động có thể thấy danh sách doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động được cấp phép hoặc doanh nghiệp đang bị đình chỉ hoạt động; đồng thời, tìm kiếm các thông tin về những hợp đồng xuất khẩu lao động đã được đăng ký.

Lưu ý gì cho người lao động khi giao kết hợp đồng với các công ty môi giới xuất khẩu lao động? ảnh 1

Ngoài ra, người lao động có thể tìm hiểu thêm các trang web của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động, tra cứu các thông tin của doanh nghiệp đăng lên trang web. Người lao động cũng nên yêu cầu doanh nghiệp xuất trình những hợp đồng cung ứng lao động với doanh nghiệp nước ngoài, các văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đối với các hợp đồng xuất khẩu lao động để có thể chọn được doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín.

Sau khi chọn được doanh nghiệp uy tín, người lao động nên đọc kỹ hợp đồng, nếu có thể, người lao động có thể tham khảo ý kiến của luật sư trước khi kí kết hợp đồng.

PV: Thưa bà, vậy sau khi tìm được những doanh nghiệp uy tín, chất lượng, trong quá trình đàm phán ký hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động, người lao động có cần những lưu ý cụ thể gì, thưa bà?

LS Phạm Thị Bích Hảo:

Khi đàm phán, ký hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động, người lao động cần chú ý đến các điều khoản về tiền đặt cọc, tiền ký quỹ. Đặc biệt, là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Người lao động cần đọc thật kĩ các quy định này vì ngoài các điều khoản về quyền và nghĩa vụ thì còn có các điều khoản phạt.

Lưu ý gì cho người lao động khi giao kết hợp đồng với các công ty môi giới xuất khẩu lao động? ảnh 2

Bên cạnh đó, người lao động còn phải tuân thủ nội quy, quy chế, sự giám sát và sự quản lý của doanh nghiệp nơi người lao động làm việc. Ngoài ra, người lao động còn phải tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại. Nếu người lao động không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của nước sở tại.

Thông thường, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ môi giới cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài cũng thường xuyên có các buổi đào tạo, định hướng, người lao động nên tham gia đầy đủ để có cho mình những kiến thức và thông tin cần thiết.

PV: Thưa bà, thực tế cũng có trường hợp khi đi xuất khẩu lao động, người lao động không đạt được những nguyện vọng như thỏa thuận ban đầu với công ty môi giới xuất khẩu (như mức lương được trả không như kỳ vọng, hứa hẹn lúc ban đầu; điều kiện làm việc, công việc được giao không đúng chuyên môn…..) Vậy trong những trường hợp này, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa bà?

LS Phạm Thị Bích Hảo:

Theo quy định của pháp luật, nếu doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động không thực hiện cam kết như hợp đồng kí kết với người lao động khi đưa họ ra nước ngoài làm việc, tùy từng trường hợp, doanh nghiệp có thể bị xem là vi phạm Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020. Cụ thể, điều luật này có quy định như sau:

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

1. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật.”

Bên cạnh đó, Điều 46 Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài năm 2020 cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp dịch vụ đưa đi làm việc ở nước ngoài như sau:

3.Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

4. Được chấm dứt hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp dịch vụ khi doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

Theo quy định trên, người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng nếu không đạt được những kì vọng như thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng.

PV: Thưa bà, còn trong trường hợp người lao động đã nộp phí và làm đầy đủ các thủ tục mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện nghĩa vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thì người lao động cần phải những gì, thưa bà?

LS Phạm Thị Bích Hảo:

Theo Điểm đ Điều 26 Luật Người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài năm 2020, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ được quy định như sau: Cam kết bằng văn bản về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày người lao động trúng tuyển; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà người lao động đã chi trả trừ trường hợp bất khả kháng;”

Vì vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp phải có văn bản cam kết thời gian chờ xuất cảnh sau khi lao động trúng tuyển, và thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày trúng tuyển. Nếu đã quá thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện được thì người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại và hoàn trả các chi phí.

Xin cảm ơn bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website:

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.