Theo luật sư (Ls) thạc sĩ Huỳnh Công Thư (Đoàn Ls tỉnh Long An), trong vụ án xe container tông chết người hàng loạt tại Bến Lức, Long An, thoạt đầu cứ tưởng đây là vụ tai nạn giao thông thông thường, làm chết nhiều người do vô ý, do tài xế say xỉn và phê ma túy.
“Khi xem kỹ lại clip tai nạn thấy chiếc xe lao lên đám đông mà không có một lực thắng nào, mặt đường rộng có thể cho tài xế lựa chọn cách đánh lái vào bên đường trống hoặc lao vào đuôi xe tải đậu chờ đèn đỏ, gây ra vụ thảm sát kinh hoàng. Như vậy, đây là một vụ giết người với lỗi cố ý vì tài xế” – Ls Huỳnh Công Thư nói.
Cũng theo ông Thư thì tài xế đã cố ý đẩy mình vào trạng thái say xỉn và phê ma túy, nhận thức rõ hành vi say rượu và phê ma túy mà leo lên điều khiển một nguồn nguy hiểm cao độ như vậy là có thể gây chết người, thấy trước hậu quả chết người hàng loạt có thể xảy ra, tuy tài xế không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra.
“Do vậy, phải khởi tố hành vi của tài xế tội giết người theo Khoản 1 Điểm l Điều 123 BLHS năm 2015 với tình tiết tăng nặng là sử dụng phương tiện nguy hiểm có khả năng làm chết nhiều người theo Điểm m Khoản 1 Điều 48 BLHS mới thỏa đáng và có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung” – Ls Huỳnh Công Thư nêu quan điểm.
Trái với ý kiến ông Thư, Ls Nguyễn Tấn Thi (Hãng luật Hoa Sen, Đoàn Ls TPHCM) cho rằng: Giết người cơ bản là phải xác định được động cơ và mục đích.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Giết người phải làm rõ động cơ, mục đích.
Ls Trần Bá Học (Đoàn Ls TPHCM) thì cho rằng đây là lỗi vô ý vì quá tự tin khi điều khiển dù có sử dụng rượu bia hay chất kích thích khác nên không thể truy cứu tài xế vào tội giết người. “Nếu nói như một số Ls là truy cứu tội giết người thì có một thực tế, cứ cầm xe chạy ra đường thì đâm chết là tội giết thì cam đoan một điều tất cả sẽ đi bộ chứ không ai dám đi phương tiện ô tô, xe máy…” – Ls Trần Bá Học ‘ví von’.
Ls Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Ls Gia Đình, Đoàn Ls TPHCM) đồng tình với quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Long An về “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điều 260 Bộ luật hình sự. Ls Hùng nói không thỏa mãn yếu tố tội giết người thì truy cứu trheo Điều 260 đúng. “Trong Điều 260 có định khung tăng nặng khi gây hậu quả chết người rồi” – Ls Trần Minh Hùng nêu.
Như Tiền Phong đã đưa tin, 15h ngày 2/1, tài xế Phạm Thành Hiếu (SN 1987, quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An), lái xe đầu kéo mang biển số Long An 62C-043.48, lưu thông theo hướng từ Long An về TPHCM thì xe lao tới lùa 21 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhật (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Hậu quả là 3 người thiệt mạng ngay tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 17 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu.
Tài xế Phạm Thành Hiếu đã rời khỏi hiện trường sau khi vụ tai nạn và khuya cùng ngày đã ra đầu thú với cơ quan chức năng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về “Vi phạm quy định về tham gia giao thông”, bắt tạm giam tài xế Phạm Thành Hiếu.
-------------------------
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.