Luật sư dỏm hết đất kiếm ăn

Luật sư dỏm hết đất kiếm ăn
TP - Không có chứng chỉ hành nghề luật sư, không phải tư vấn viên pháp luật, song ông Lê Văn Tình ở Nha Trang vẫn ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với một số người. Hợp đồng đổ bể, ông này kiện khách ra tòa đòi tiền thù lao, song đều bị tòa bác đơn.

> Luật sư dởm 'bóc lịch' 13 năm
> 'Bó tay' với luật sư rởm?

Vụ trước xử xuôi

Theo lời mách về “luật sư” Lê Văn Tình (ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa), chị Ph. Th. ký hợp đồng dịch vụ pháp lý (DVPL) với ông Tình, ủy quyền cho ông tham gia tố tụng vụ kiện về tranh chấp hợp đồng đặt cọc sang nhượng đất. Sau đó, chị Th. thấy ông Tình hay viết sai chính tả, thiếu hiểu biết…, nên nghi ngờ ông không phải là luật sư, rút ủy quyền đối với ông Tình. Ông Tình khởi kiện chị Th., đòi chị phải bồi thường 27,54 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Nha Trang, ông Tình thừa nhận chưa được đào tạo nghề luật, không có chứng chỉ hành nghề luật sư, không phải là tư vấn viên pháp luật. Theo TAND Nha Trang, ông Tình chưa đủ điều kiện để được ký hợp đồng DVPL, nên Tòa tuyên hợp đồng DVPL giữa ông Tình và chị Th. vô hiệu, bác yêu cầu khởi kiện của “luật sư” Tình. Vụ này, Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Bó tay với luật sư dởm”, số ra ngày 21/5/2012.

Vụ sau xử ngược

Ngay trong tháng 5/2012, ông Lê Văn Tình lại khởi kiện bà Nguyễn Thị Hượt (89 tuổi, ở phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) vi phạm hợp đồng DVPL. Theo ông Tình, tháng 6/2008 ông ký hợp đồng dịch vụ với bà Hượt, được ủy quyền tham gia trong một vụ án “tranh chấp tài sản chung”, phí dịch vụ là 10% giá trị tài sản bà Hượt được nhận.

 TAND Nha Trang chấp nhận việc ông Tình ký hợp đồng DVPL là tạo nên một tiền lệ xấu. Nhưng đáng buồn hơn là có một luật sư, hiểu rõ hơn ai hết điều kiện để được ký hợp đồng DVPL, lại ra tòa bảo vệ ông Tình, bảo vệ một người ký hợp đồng DVPL trái luật 

Một luật sư, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Theo phán quyết của tòa, bà Hượt được quyền sử dụng 257,9m2 đất thổ cư và 4.199,6m2 đất vườn, giá trị thành tiền là 11,724 tỷ đồng. Sau đó, bà Hượt nhờ ông Tình làm hợp đồng tặng toàn bộ tài sản cho con gái bà Hượt là bà Nguyễn Thị Chín và làm thủ tục chỉnh lý 2 sổ đỏ. Tháng 4/2012, sau khi 2 sổ đỏ đã được chỉnh lý từ người đứng tên là bà Hượt sang tên bà Chín, ông Tình đòi bà Hượt trả ông 1,172 tỷ đồng thì ông mới giao sổ đỏ cho bà Chín.

Trái với vụ chị Th., TAND Nha Trang lại công nhận hợp đồng DVPL ông Tình ký với bà Hượt là hợp lệ. Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” ngày 4/7/2013, TAND Nha Trang tuyên buộc bà Hượt phải trả ông Tình 1,172 tỷ đồng.

Ngăn tiền lệ xấu

Ngày 27/11/2013, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ án. Bà Hượt khai, bà không biết chữ, không nhớ có ký hợp đồng DVPL với ông Tình hay không, nhưng 2 người có giao kết bằng miệng về việc, nếu bà Hượt thắng trong vụ “tranh chấp tài sản chung” thì bà sẽ đưa cho ông Hượt 10 triệu đồng. Bà không đồng ý việc ông Tình đòi 10% giá trị tài sản…

TAND tỉnh Khánh Hòa nhận xét, hợp đồng DVPL giữa ông Tình và bà Hượt không ghi ngày xác lập, không được công chứng, chứng thực. Trong hợp đồng chỉ ghi, “phí dịch vụ thanh toán là 10% theo thỏa thuận khi có bản án, bên B (ông Tình) được hưởng 10% như thỏa thuận trên diện tích bản án của tòa”. Như vậy, nội dung hợp đồng không rõ ràng, không có điều khoản nào quy định bà Hượt phải thanh toán 10% giá trị tài sản cho ông Tình.

Toà nhận định, DVPL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc ông Tình không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề nhưng lại ký hợp đồng DVPL là vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên hợp đồng DVPL giữa ông Tình với bà Hượt là vô hiệu, bác yêu cầu của ông Tình về việc buộc bà Hượt phải trả 1,172 tỷ đồng, buộc ông Tình phải trả 2 sổ đỏ cho bà Chín.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG