Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan
Học hết năm 3 ngành Nhật Bản (Khoa Đông Phương – ĐH KHXH&NV TP.HCM), tôi đăng ký học ngành QTKD chuyên ngành Kinh doanh thực phẩm ăn uống tại ĐH Kokushikan (Setagaya, Tokyo) bằng học bổng toàn phần. Sáu tháng đầu tiên, tôi ở nhà một người bản xứ. Cũng tại đây, tôi đã gặp và nhanh chóng bị chiếm hết tâm trí bởi một món ăn hết sức thú vị là cơm hộp.

> Top 10 trường sinh viên tốt nghiệp có mức lương gần 3 tỷ đồng/năm

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan ảnh 1

> Du học “nghệ thuật sống”

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan ảnh 2

Có thể nói, cơm hộp chính là chủ đề có ảnh hưởng rất nhiều đối với quyết định chọn lựa ngành học của tôi sau này. Năm thứ 3 mới học chuyên sâu về ngành QTKD. Ở Kokushikan, sinh viên được hướng theo triết lý của một doanh nhân thành đạt nào đó.

Với tôi là học về tư tưởng, đường lối kinh doanh của Matsushita Konosuke (cố chủ tịch Công ty Matsushita với các sản phẩm mang nhãn hiệu National, Panasonic), nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của nước Nhật.

Triết lý tại thời điểm mà Matsushita Konosuke đưa ra phù hợp với giai đoạn hiện nay của Việt Nam. Dựa trên những tư tưởng và đường lối đó, tôi sẽ nghiên cứu và chọn một đề tài mà tôi yêu thích để làm luận văn tốt nghiệp. Và đề tài tôi chọn là… cơm hộp.

Ở Việt Nam, nói đến cơm hộp là nghĩ đến một món ăn bình dị với cơm, canh, đồ ăn, nước chấm được gói trong một hộp nhựa trắng. Nhưng ở Nhật, cơm hộp được nâng lên thành một chuẩn mực, một văn hóa như trà đạo, kiếm đạo…

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan ảnh 3

Đối với người Nhật, từ Obento (cơm hộp) gởi đến những món cơm được trang trí hết sức cầu kỳ, bắt mắt, trang trí độc đáo và đảm bảo dinh dưỡng. Obento chỉ là cơm hộp bình thường, điểm khác biệt là nó được chăm chút kỹ về hình thức để có thể thu hút khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Đa phần nhân viên văn phòng tại Việt Nam thường ăn cơm tại canteen, các cửa hàng bán lẻ hoặc ăn cơm “bụi” tại các quán cơm ngay bên đường. Hiện chỉ có rất ít các cửa hàng chuyên bán cơm văn phòng và giao hàng tận nơi như ở Nhật Bản. Một điểm then chốt là những phần cơm hộp do các cửa hàng bán ra còn rất đơn giản về hình thức, mẫu mã và các món ăn cũng hao hao như nhau nên không kích thích được người mua.

Tôi đã gửi câu hỏi khảo sát ý kiến qua gmail về thói quen ăn uống, sở thích, giá cả, hình thức, yêu cầu.. của khách hàng đối với cơm hộp và trực tiếp khảo sát tại các cửa hàng bán cơm lẻ tại TP.HCM. Tôi nhận thấy tiềm năng cho ngành bán cơm hộp tại Việt Nam là khá lớn. Đề tài của tôi dịch sang tiếng Việt nôm na là “Khởi nghiệp và ngành Obento, khảo sát tại thị trường TP.HCM”.

Một điểm dễ nhận thấy chính là số lượng nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM là rất lớn. Mỗi ngày, lượng cơm hộp được tiêu thụ lên đến con số hàng triệu đơn vị. Trong khi nhu cầu ăn ngon ngày càng được đề cao thì số cửa hàng cung cấp lại hoàn toàn chưa tương xứng. Những nội dung chính trong luận văn của tôi xoay quanh vấn đề chi phí đầu tư, chi phí quản lý, vốn và nhân công cho việc phát triển một chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp cơm hộp cho các văn phòng.

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan ảnh 4

Chi phí chính để thực hiện dự án được bao gồm phí ban đầu (first costs) và phí vận hành (running costs). Để giảm chi phí nhân công giao hàng, kế hoạch được đưa ra là tận dụng những nguồn nhân công giá rẻ, làm việc bán thời gian như lực lượng sinh viên. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thương hiệu Obento như là một cửa hàng chuyên phục vụ cơm hộp tận nơi. Dĩ nhiên, cái chính vẫn là chất lượng và hình thức hộp cơm được thiết kế cực kỳ hấp dẫn để tương xứng với đồng tiền mà khách hàng bỏ ra.

Luận văn…cơm hộp tại Kokushikan ảnh 5

Một kế hoạch khác chính là việc phát triển các cửa hàng. Tôi chọn phát triển theo 2 mảng gồm việc mở các cửa hàng nhỏ gần sát các văn phòng và thứ hai là sử dụng các xe tải di động bán hàng tại các trung tâm đông đúc để tận dụng chi phí mặt bằng, nhân công cũng như dễ dàng thay đổi địa điểm bán hàng một cách linh hoạt, nhanh chóng.

Không phụ công sức 6 tháng mà tôi bỏ ra, bài luận văn của tôi đã được giảng viên đánh giá rất cao và chấm điểm cao nhất. Giảng viên hướng dẫn còn ngỏ ý bỏ vốn cho tôi thực hiện dự án tại Việt Nam nhưng tôi từ chối. Còn ý kiến của các khách hàng được khảo sát thì rất hoan nghênh sự xuất hiện của những cửa hàng như vậy và hứa sẽ “ủng hộ” nhiệt tình nếu cửa hàng ra mắt.

Nguyễn Mỹ Phượng – Du học sinh Đại học Kokushikan, Nhật Bản

Theo Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG