Tái hiện sinh động văn hóa cồng chiêng
Tác phẩm nghệ thuật Lửa tình cao nguyên do NSND Tạ Duy Ánh viết kịch bản, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh làm đạo diễn. Đây là tác phẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Xuyên suốt hơn 70 phút của buổi biểu diễn, khán giả sẽ choáng ngợp và ấn tượng bởi không gian sân khấu rộng nhiều tầng lớp.
Từ sân khấu trên cao, bên góc phải hay trên sân khấu tròn... đều có sự xuất hiện của các nghệ sĩ với tổ hợp tiết mục đặc sắc như nhào lộn, tung hứng, đu trên cao... Cùng với trang phục, đạo cụ và ngôn ngữ thể hiện của xiếc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật ca, múa, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt.
Không gian Tây Nguyên được tái hiện trên sân khấu tròn. |
Chị Hồng Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi xem xong vở diễn cùng cậu con trai 12 tuổi, đã thốt lên: “Vô cùng hoành tráng! Tôi cảm thấy như được sống trong không gian văn hóa của Tây Nguyên. Thú vị hơn là những sinh hoạt văn hóa đó lại được thể hiện dưới dạng các tiết mục xiếc như nhào lộn, đu dây trên cao, đế kiếm, tung hứng, thăng bằng, xiếc thú, ảo thuật... Cả tôi và con trai đều rất thích”.
Là đạo diễn của chương trình, nghệ sĩ Ngọc Anh cho biết mục tiêu ê-kíp không chỉ khai thác những nét văn hóa truyền thống vào nghệ thuật mà còn phải khoe được nhiều thể loại xiếc đa dạng, phong phú.
“Đưa nội dung văn hóa lễ hội vùng Tây Nguyên vào xiếc, ê-kíp sáng tạo mong muốn tác phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng từ những khán giả nhí nhỏ tuổi cho tới các học sinh cấp 2, cấp 3. Các em có thêm những trải nghiệm mới lạ về một vùng miền mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Chúng tôi cũng hướng tới phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, trong đó có cả khán giả nước ngoài”, đạo diễn Ngọc Anh cho hay.
NSND Tạ Duy Ánh, tác giả kịch bản cho biết 15 năm trở lại đây, ngoài việc xây dựng các tiết mục xiếc truyền thống, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay dàn dựng những vở xiếc mới, mang đậm bản sắc văn hóa Việt để giới thiệu với khán giả trong nước, quốc tế. Điển hình là vở xiếc Làng tôi với hình ảnh tre Việt Nam đã biểu diễn 4 năm liên tiếp ở châu Âu, được khán giả quốc tế yêu thích, hay như vở Sông trăng được biểu diễn 16 tháng liên tiếp ở Đức rất thành công.
Từ kinh nghiệm ấy, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc nhận thấy các tác phẩm nghệ thuật có khai thác chất liệu văn hóa dân tộc được khán giả quốc tế thích thú. Cũng vì đó mà Lửa tình cao nguyên ra đời.
Bếp lửa thật được dựng lên chính là một trong những điểm nhấn của vở diễn. |
Nghệ sĩ diễn như “lên đồng”
Đạo diễn Ngọc Anh cho biết trong suốt hơn 3 tháng luyện tập chương trình, hơn 60 nghệ sĩ, chưa kể đội phụ tá, đều phải căng mình tập luyện, bởi hầu hết là diễn với đạo cụ mới. “Ví dụ đu dây, đu cột thì không hề xa lạ, nhưng màn diễn 3 cô gái đu trên cối giã gạo thì hoàn toàn chưa từng xuất hiện trên sân khấu xiếc nên các bạn ấy cũng phải mất hàng tháng trời để luyện tập”, chị dẫn chứng, “Hay như múa lửa trước nay cũng có, nhưng vừa đu qua vòng lửa, múa gậy lửa, phun lửa, nhào lộn quanh đống lửa thật thì đây là lần đầu”.
Bên cạnh độ hoành tráng như dựng hẳn nhà rông to giữa sân khấu, những bức tượng nhà mồ, cồng chiêng, cối giã gạo… có thể nói, chưa một chương trình xiếc Việt nào sử dụng nhiều lửa như Lửa tình cao nguyên.
Để mang đúng hơi thở của bếp lửa Tây Nguyên, thay vì dùng hình ảnh kỹ xảo, ê-kíp đã dựng bếp thật, mang bình ga lớn để phun lửa trên sân khấu. “Xung quanh sân khấu cũng đặt sẵn rất nhiều bình cứu hỏa. Lần đầu làm lớn nên cũng hơi run nhưng ê-kíp đã chuẩn bị rất kỹ để không xảy ra sự cố nào. Sự tương tác, hào hứng của khán giả càng khiến các diễn viên có thêm động lực để hoàn thành vở diễn một cách xuất sắc nhất”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Chị cũng cho biết ở Lửa tình cao nguyên, các diễn viên không chỉ thể hiện kỹ thuật xiếc sở trường của mình mà còn phải học thêm về vũ đạo, múa dân gian, kịch hình thể, diễn xuất… sao cho từ ánh mắt, cử chỉ tay chân đều phải toát lên hơi thở của Tây Nguyên đại ngàn.
Để có được tiết mục đu lên cối giã gạo và lắc vòng lửa treo tóc trên không, diễn viên Thanh Hòa đã phải luyện tập miệt mài suốt mấy tháng trời.
“Trước đây tôi chỉ lắc vòng, nhưng ở vở diễn này lại có thêm lửa nên ban đầu cũng sợ lắm! Chỉ cần sơ suất là cháy tóc, sém da, cháy quần áo. Hay như phần đu, bình thường tôi chỉ đu tay lên cao, nhưng nay để tạo hiệu ứng mới mẻ nên đã quyết định tập treo tóc”, chị Hòa kể. Với chị, treo tóc là màn khó nhất, đau nhất trong sự nghiệp xiếc của mình từ trước đến nay.
Với 50 kg trọng lượng cơ thể, cộng với độ văng của vòng, tính ra mái tóc của chị phải kéo nặng hơn 60 kg. “Sau thời gian luyện tập, tôi bị chai hết da đầu, tóc rụng từng mảng. Có lần tóc bị tuột, nhưng may chưa đu lên cao nên không bị thương”, nữ diễn viên chia sẻ.
Khổ nhất là các nghệ sĩ “chơi” với lửa. Sau mỗi đêm diễn, ai nấy như chui ra từ hầm than. Đảm nhận tiết mục nằm ngửa phía dưới vòng lửa để tung hứng bằng chân nên diễn viên Lưu Hường gần như “lãnh đủ” đám muội than lên khắp mặt mũi, quần áo.
Đinh Thị Liên từng giành Huy Chương Vàng Liên hoan Xiếc quốc tế 2023 cho màn biểu diễn thăng bằng trên dây căng cao. Tuy nhiên, bình thường, Liên chỉ diễn tiết mục lẻ khoảng 10 phút, còn ở Lửa tình cao nguyên, chị phải lựa chọn những động tác “đắt” nhất để kết hợp trong một vở diễn có câu chuyện xuyên suốt hơn 70 phút.
“Việc đó đòi hỏi chúng tôi phải tập trung cao độ, bám sát mạch của cả vở diễn. Trước đây tôi chỉ tập trung kỹ thuật xiếc, nhưng bây giờ lại được học thêm về múa. Việc bị ngã, bầm dập trong lúc tập xảy ra thường xuyên. Điều khác biệt lớn nhất ở vở diễn này so với các vở khác là không gian Tây Nguyên, ánh sáng, âm nhạc… đã hòa với nhau, mang đến cho chúng tôi sự máu lửa. Ai cũng có cảm giác như được cháy hết mình trên sân khấu”, chị Liên thổ lộ.
Có lẽ, chính tinh thần ấy của các diễn viên đã thổi vào Lửa tình cao nguyên, giúp vở diễn càng thêm thăng hoa.
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cũng phải thốt lên: “Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy xiếc có một chương trình nghệ thuật mà nghệ sĩ diễn như 'lên đồng' như thế này… Họ đã sáng tạo thành công không chỉ về mặt nội dung và hình thức mà ngay cả ở các động tác kỹ thuật trong xiếc”.
NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cũng bày tỏ sự thích thú với dàn diễn viên xiếc thực hiện các động tác múa. “Xem họ biểu diễn, tôi không hề thấy có khoảng cách giữa nghệ sỹ xiếc và múa, họ mang tới một sức sống hừng hực, căng tràn, đầy nhiệt huyết”.