Lửa thử vàng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vượt qua nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, vững vàng khẳng định thương hiệu trên thương trường và nâng tầm sản phẩm chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.

Từng bước phục hồi

Giới thiệu sản phẩm mới là nước trái cây giải nhiệt từ nha đam, chanh dây, mật ong… ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More phấn khởi cho biết DN đang dần phục hồi sau dịch bệnh ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Công ty ký kết thêm đơn hàng với nhiều thị trường mới, ra mắt sản phẩm mới…Đây là những tín hiệu rất lạc quan để Meet More từng bước chinh phục những mục tiêu, kế hoạch còn dang dở do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trong hai năm qua.

Lạc quan nhưng không chủ quan

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM nhìn nhận, tình hình dệt may quý cuối năm vẫn còn nhiều thách thức nhưng cơ hội xuất khẩu vẫn cao. So với các thị trường khác, Việt Nam ổn định về chính trị, xã hội và an toàn về lao động, chất lượng… Vì vậy, dù khó khăn nhưng dệt may vẫn còn khả năng phát triển. Hiện nay, nhiều DN dệt may đang liên kết, hỗ trợ nhau về nguồn cung ứng.

“Để hỗ trợ DN, Hội đã đứng ra tổ chức các chuỗi cung ứng gắn kết và hỗ trợ nhau. Khi một số thị trường cung ứng bị ngừng, DN vẫn tiếp tục duy trì sản xuất bằng việc chia sẻ đơn hàng. Từ nay đến cuối năm, dệt may sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường vẫn cố gắng đạt chỉ tiêu 42-43 tỷ USD trong năm 2022” – ông Hồng cho hay.

Theo ông Luận, nếu trước đây sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thì 6 tháng cuối năm 2022, DN đẩy mạnh hơn trong việc chinh phục khách hàng ngay trên sân nhà bởi tình hình lạm phát ở nhiều nước tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên xuất khẩu của các DN chậm lại. Ngược lại, thị trường trong nước có nhiều khởi sắc từ khi dịch bệnh được kiểm soát. Du lịch hồi sinh đã giúp nhiều lĩnh vực khác tăng trưởng tốt, trong đó có ngành thực phẩm, ăn uống… Trong năm qua, sản phẩm Meet More đã có mặt ở nhiều chuỗi siêu thị TPHCM. Công ty còn đẩy nhanh mô hình đưa cà phê xuống đường phục vụ khách hàng. Đơn vị này cũng đang khôi phục lại chuỗi trà sữa…

“Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 52 nền kinh tế, mở ra cơ hội to lớn cho các DN Việt Nam. Các DN cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ xu hướng thị trường, tìm thấy các cơ hội mới để phát triển và khi có cơ hội thì phải tranh thủ tận dụng vì các nước khác cũng đang cạnh tranh với Việt Nam”.

TS Lê Đăng Doanh

“Hiện tại, công ty vẫn chưa có lợi nhuận nhưng những điểm sáng đạt được trong năm qua giúp DN tự tin về đích. Kỳ vọng trong năm 2023 doanh thu sẽ tăng trưởng như giai đoạn trước dịch” – ông Luận chia sẻ.

Đánh giá về sự phục hồi của các DN, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, các DN phụ thuộc 100% vào xuất khẩu như ngành thủy sản, da giày sẽ có nhiều khó khăn hơn do tình hình lạm phát trên thế giới. Tuy nhiên, những DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông sản lại có nhiều thuận lợi do thị trường trong nước đang phục hồi tốt.

Lửa thử vàng ảnh 1

Nhờ dự báo tình hình sau dịch, Công ty Kềm Nghĩa đã phục hồi thần tốc

Chuyên kinh doanh các sản phẩm chăm sóc móng như kềm cắt móng, giũa móng, bấm móng, Công ty Kềm Nghĩa (khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) luôn đầy ắp đơn hàng trong suốt năm 2022. Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa Trần Minh Tú cho biết hiện nay DN sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công ty đang tuyển thêm lao động, cải tiến máy móc để tăng sản lượng. Với công suất đạt 31.000 sản phẩm/ngày, sắp tới DN này sẽ tăng lên 40.000 sản phẩm/ngày.

Chia sẻ bí quyết “tăng tốc”, ông Tú nói, sau dịch bệnh COVID-19, DN bị ảnh hưởng nặng nề do việc sản xuất, kinh doanh đều ngưng trệ. Trước tình hình đó, công ty đã cải tiến lực lượng lao động, công nghệ, tài chính… Ông Tú cho biết từ đây đến cuối năm, công ty sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, đồng thời tung ra nhiều mặt hàng liên quan đến làm đẹp để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mở rộng thị trường

Trở lại đường đua bánh trung thu năm 2022 sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh COVID-19, Công ty CP Tập đoàn Kido ngay lập tức “cháy hàng” khi đưa 300 tấn bánh trung thu phục vụ khách hàng trong cả nước. Ngoài bánh, Kido còn tăng tốc ở mảng dầu ăn và kem. DN này cho biết sẽ hoàn thành việc nâng công suất nhà máy dầu ăn ở Vinh (Nghệ An) lên gấp 4 lần để phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn tại thị trường miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dầu ăn sang các nước trong khu vực, trước mắt là Lào và Campuchia.

Lửa thử vàng ảnh 2

Công ty G.C Food phục hồi thị trường xuất khẩu

Cũng có nhiều tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) chuyên chế biến nha đam và thạch dừa cho biết, các thị trường nhập khẩu đều hồi phục sau khi cả nước kiểm soát tốt dịch COVID-19. Hàng năm, G.C Food tiêu thụ khoảng trên 6 triệu lít nước dừa nguyên liệu. Với nha đam, DN sản xuất từ 12.000-15.000 tấn thành phẩm/năm, trong đó xuất khẩu chiếm 60%. Sản phẩm đã có mặt ở 20 quốc gia, số còn lại phục vụ thị trường nội địa. Dự kiến cả năm, doanh thu của G.C Food đạt khoảng 450 tỷ đồng, duy trì biên độ lợi nhuận hơn 10% trong 3 năm qua. Đơn vị này cũng đã hoàn tất các thủ tục để gia nhập thị trường chứng khoán cuối năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (nhãn hàng tương ớt lên men Chilica) lạc quan về xuất khẩu các tháng cuối năm. Theo ông Hiền, tăng trưởng quý IV có thể cao hơn ít nhất 30% so với các quý trước. Nhu cầu thực phẩm cho những ngày lễ cuối năm cao. Các khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc cũng đang tăng nhập hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Mới đây, DN này đã xin được giấy phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để chuẩn bị xuất khẩu lô đầu tiên phục vụ mùa Tết 2023.

MỚI - NÓNG