Trong một lần đến mái ấm Thiện Tâm (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà), chúng tôi chứng kiến một lớp học tiếng Anh miễn phí do một nhóm bạn trẻ sinh viên trường Đại học Nha Trang cùng một số học sinh của các trường THPT tại Khánh Hoà tổ chức dạy cho các em nhỏ tại đây. Lớp học đặc biệt này được triển khai từ tháng 10/2021 lúc dịch bệnh COVID - 19 đang phức tạp, nên tất cả các hoạt động dạy và học đều được thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Sau nhiều tháng “gặp gỡ” qua màn hình, các em nhỏ có cơ hội gặp mặt trực tiếp các tình nguyện viên đã dạy mình trong thời gian học trực tuyến.
Các em nhỏ mái ấm Thiện Tâm trong giờ học trực tiếp với các tình nguyện viên |
“Ngoài những giờ học trên lớp, đây là lần đầu tiên em được có cơ hội tham gia những lớp học thêm tiếng Anh”, em Nguyễn Đình Nhật Trường (ở mái ấm Thiện Tâm, đang học lớp 8 trường THCS Lam Sơn) chia sẻ. Trường cho biết trước đây bản thân rất tự ti vì điểm số môn tiếng Anh ở trường không cao và kỹ năng nói còn rất yếu, nhưng sau khi được học ở lớp học của các anh chị tình nguyện viên, Trường đã tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ này.
Cô Võ Nguyễn Hồng Lam (Quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Nha Trang, Giám đốc dự án) cho biết: Trước đây, khoa Ngoại ngữ cùng các sinh viên trường thường tổ chức vui chơi, thiện nguyện và tặng quà cho các em nhỏ ở mái ấm. Nhận thấy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại khao khát được học ngoại ngữ, khoa muốn làm một điều ý nghĩa hơn việc tặng quà. Vì vậy, dự án “Phát triển cộng đồng Anh ngữ” cho học sinh nghèo, trẻ em mồ côi đã ra đời.
Không giấu được niềm vui khi các em bé ở mái ấm Thiện Tâm được học tiếng Anh, bà Nguyễn Thị Kim Liên (người nhận nuôi dưỡng các em từ khi mới lọt lòng và được các em trìu mến gọi bằng bà ngoại), bày tỏ: Dù rất muốn cải thiện tiếng Anh, nhưng hiểu được hoàn cảnh của mình nên chưa bao giờ các cháu dám ngỏ lời với bà ngoại xin đi học thêm. “Khi các bạn sinh viên, học sinh liên hệ mái ấm ngỏ lời dạy cho các bé tại mái ấm, tôi rất mừng và biết ơn lắm. Nhờ lớp học mà các cháu ở mái ấm đã được tiếp cận, cải thiện được kết quả học tập môn học này. Lớp học cũng giúp cho các cháu tự tin hơn khi giao tiếp, có được môi trường vui chơi bổ ích”, bà Liên chia sẻ.
“Cần có một tấm lòng”
Hoạt động dạy tiếng Anh cho trẻ em kém may mắn nằm trong dự án “Phát triển cộng đồng Anh ngữ” do khoa Ngoại ngữ trường Đại học Nha Trang tổ chức. Dự án đang triển khai đồng thời 3 hoạt động chính gồm: Thư viện trực tuyến, thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh THPT toàn tỉnh và dạy tiếng Anh tại các mái ấm tình thương, trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa.
Từ tháng 10/2021 đến nay, sinh viên của khoa cùng các bạn học sinh các trường THPT trong toàn tỉnh đã tình nguyện đăng ký đang tham gia giảng dạy tiếng Anh cho khoảng 200 học sinh của trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh và gần 30 trẻ mồ côi từ 6 -16 tuổi đến từ các mái ấm tình thương ngoài công lập tại thành phố Nha Trang gồm: mái ấm Thiện Tâm, mái ấm Phước Phúc và mái ấm chùa Phước Tường.
Bạn Trịnh Yến Vy (tình nguyện viên của dự án,học sinh lớp 11 trường Hội nhập Quốc tế Ischool Nha Trang) cho biết: “Em luôn sống với quan niệm “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Bản thân em lớn lên trong một gia đình trọn vẹn, được sống học tập trong một môi trường đầy đủ nên em rất biết ơn vì điều đó và mong muốn có thể giúp đỡ các bạn nhỏ kém may mắn hơn mình”.
Tất cả 29 giảng viên, 100 sinh viên và 200 học sinh từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà tham gia dự án xuất phát từ lòng yêu thương các em nhỏ vô bờ bến. Không chỉ bỏ thời gian để soạn giáo án, phân công lịch trình dạy, các thành viên còn phải dịch tài liệu văn bản gửi các tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, họ còn đăng tin về dự án trên các trang mạng xã hội để xin nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, khảo sát những gia đình khó khăn có con là học sinh hoặc đã bỏ học đi làm giới thiệu khóa học miễn phí, chuẩn bị sách vở, dụng cụ và khuyến khích gia đình tạo điều kiện để các em được đi học.
Cô Nguyễn Thị Thiên Lý (Giảng viên khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Nha Trang, Phó Giám đốc dự án này), cho biết: Các buổi học thường được tổ chức cuối tuần, mỗi lớp học được bố trí hai giáo viên, một giáo viên chính và một giáo viên hỗ trợ. Các bạn trẻ đến với dự án bằng tinh thần tự nguyện nên lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết.