Lớp học Hoa hậu

Các thí sinh trong một buổi tập
Các thí sinh trong một buổi tập
TP - Ứng với nhận xét mặt bằng nhan sắc và học vấn của thí sinh Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2020 “cao rõ rệt” của trưởng BTC Lê Xuân Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn, các cô gái đã chứng tỏ bản lĩnh của mình sau khi “đạt chuẩn” hầu hết các khóa học “mới và khó” như học catwalk, học vũ đạo, học thuyết trình, phản ứng nhanh trước những cái bẫy tư duy và ngôn ngữ...

Phá bỏ định kiến

Tôi mang theo tâm lý “sẽ rất dài” tham dự một lớp học của Hoa hậu. Không ngờ, chỉ sau mười phút, cả khán phòng (bao gồm 35 học sinh và các thành viên “dự thính” giống như tôi) đều quên mất thời gian, và ngoài dự kiến, mọi người đều có những thu hoạch đáng giá.

Nếu nói lớp học này có gì đặc biệt, tôi sẽ nghĩ ngay đến thời gian ôn thi DELF B1 (bằng chứng nhận khả năng sử dụng tiếng Pháp). Có ngày chúng tôi học sáu tiếng liền (không nghỉ) song không ai ngủ gật. Là vì mọi người liên tục phải đối mặt với rất nhiều tình huống giáo viên đưa ra, thậm chí không ai có đủ thời gian quan tâm tình huống này có gần với yêu cầu thi không, học kiểu này thì sẽ được gì? Sự “được gì” ấy sau này tôi mới biết, chính là kỹ năng xử lý tình huống, cho dù nó là một cái bẫy hay thậm chí khi tôi không đủ vốn từ để đọc hiểu toàn bộ câu hỏi.

Chung cảm nhận với tôi, nhiều thí sinh cho biết, họ không ngờ những bài học lại sát sườn và thú vị như vậy. “Học sinh giỏi” Lê Nguyễn Bảo Ngọc nhận ra ngay thiếu sót của bản thân: Có thể phân tích đúng vấn đề nhưng khi nói ra thường không cảm thấy hay, hóa ra là vì mình chưa biết cách sử dụng ngôn ngữ uyển chuyển.

Là một trong những thí sinh rất tích cực xung phong phản biện, Bảo Ngọc chia sẻ, cô không thích định kiến “người đẹp thì trống rỗng”, rằng nó xưa rồi, và không đúng với tất cả. Thực ra, với thành tích học tập của mình (hiện Ngọc là sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM) và khả năng tư duy logic, Ngọc đã không cần ai “tha thứ cho nàng vì nàng đẹp”. Nhắc lại là rất nhiều thí sinh của HHVN 2020 sở hữu thành tích học tập đáng mơ ước, trong đó có người như Phù Bảo Nghi, đỗ 3 trường ĐH của Mỹ.

“Cách học khác với thói quen ở trường là nghe cô giảng bài và ghi chép, ở đây, bọn em phải tự nghĩ và đưa ra ý kiến, còn phải phản biện lẫn nhau. Em học được một bài học quý: Một vấn đề có thể nhìn nhận ở nhiều chiều, nhiều khía cạnh, và không phải lúc nào đám đông cũng có lý. Em nghĩ kể cả khi không trở thành Hoa hậu thì những bài học này vẫn rất có ích với cuộc sống của em”, em út của HHVN 2020 Nguyễn Thị Cẩm Đan chia sẻ.

Bởi đặc thù về tính cách, một số thí sinh rất tích cực, trong khi một số khác trầm lặng hơn, song khi trả bài, các cô gái sẽ thay nhau trình bày đáp án, thay vì ủy thác cho nhóm trưởng hoặc người hoạt ngôn nhất. “Bọn em muốn tạo ra các cơ hội tập nói trước đám đông cho tất cả mọi người. Ai cũng phải (được) nói và như thế chúng em học được của nhau nhiều hơn”, Doãn Hải My, sinh viên ĐH Luật, 7.0 IELTS và giao tiếp tiếng Trung thành thạo cho biết. Ý thức đoàn kết và khả năng làm việc nhóm của thí sinh cũng được BGK đánh giá cao. Nó chính là những điểm tích lũy sẽ theo thí sinh trong suốt hành trình đi đến đêm chung kết.

Những bài học ở trường không dạy

Nguyễn Thị Bích Thùy, thí sinh từng có kinh nghiệm thi Miss World Vietnam và từng lọt top 10 cho biết, ở sân chơi HHVN 2020 cô học được rất nhiều kinh nghiệm mới, về trình độ catwalk, vũ đạo và cả kinh nghiệm nói năng, thuyết trình. “Em nghĩ, kể cả không vì vương miện, thì đi thi Hoa hậu cũng học được bao nhiêu điều, lời quá rồi”. Cô gái nhà nghèo đến từ Đăk Nông hồn nhiên nhận xét.

Đậu Hải Minh Anh lại phản ứng khá gắt khi có người nhận xét: Hoa hậu là cuộc thi tốn kém, không cần thiết. Cô cho biết: Ở đây, chúng em học được rất nhiều kỹ năng mềm mà ở trường không dạy. Hoa hậu không phải là một danh hiệu “cho vui”, các Hoa hậu đàn chị đã làm được rất nhiều điều cho xã hội, lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp và tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là với các bạn trẻ.

Một số thí sinh trước khi tham gia HHVN 2020 đã từng học qua các khóa thuyết trình, không chỉ bằng tiếng mẹ đẻ, nhiều người còn thuyết trình tốt bằng tiếng Anh, tiếng Pháp... Song, sau khi trải qua những bài tập tình huống ở “lớp học Hoa hậu”, họ vẫn bị bất ngờ.

“Nói vào điểm chính, khi nói phải thể hiện sự duyên dáng (điều này không lớp thuyết trình nào dạy) và tốt nhất là đưa ra ý kiến cá nhân chứ đừng học thuộc ở đâu đó” là những bài học “phải nhớ” của Trần Hoàng Ái Nhi, một trong những thí sinh có khả năng thuyết trình tiếng Anh tốt tại cuộc thi HHVN 2020.

“Mặc dù nhiều người trong bọn em trả lời đúng câu hỏi nhưng khi được chú Sơn (Trưởng BTC Lê Xuân Sơn) giải đáp em mới nhận ra mình phải nỗ lực hơn nữa để nâng tầm hiểu biết của bản thân. Có thể nói, những buổi học như thế này truyền cảm hứng học tập mạnh mẽ cho em”, Đỗ Thị Hà (ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ.

Hướng về miền Trung

Khi được hỏi quan điểm về việc nên ủng hộ nhân dân miền Trung “cần câu” hay “xâu cá”, nhiều thí sinh khẳng định, trong tình huống hiện tại, họ chọn cần câu.

Ngô Thị Thu Hương bày tỏ: Tùy từng thời điểm, trường hợp mà áp dụng các cách giúp đỡ khác nhau. Khi thiên tai xảy ra cấp bách, thì phải cứu cấp, “cần câu” là câu chuyện của sau này.

Vũ  Quỳnh Trang  và Lê Trúc Linh dí dỏm cho biết: ở thời điểm này, mưa lũ trôi hết cá rồi, có cho cần cũng không câu được.

Đặng Vân Ly bày tỏ sự đồng tình bằng gợi ý: lúc này cần cái đầu lạnh để cứu trợ khẩn cấp.

Không chỉ bày tỏ quan điểm, nhiều thí sinh HHVN 2020 đã trực tiếp hành động. Ngay sau khi tình hình mưa bão ở miền Trung diễn biến nghiêm trọng, 35 thí sinh đã cùng BTC hưởng ứng chiến dịch kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ người dân miền Trung. Và mỗi người trong số họ lại có cách ủng hộ riêng của mình.

Nguyễn Thị Trân Châu (đến từ Quảng Nam) kêu gọi quyên góp được hơn 1 tấn gạo để ủng hộ những người dân quê nhà bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Phù Bảo Nghi muốn kêu gọi ngăn chặn nạn chặt phá rừng làm ảnh hưởng và biến đổi khí hậu, gây cản trở dòng chảy khi lũ giảm và làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn. Cô cũng chia sẻ: “Xuất phát từ tình nghĩa đồng bào, tôi rất vui và hạnh phúc khi góp một phần nhỏ kêu gọi, ủng hộ cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đỗ Thị Hà kêu gọi các bạn trẻ, bằng hành động thiết thực của mình như: bớt uống cà phê, quà vặt, mua quần áo mới… để dành những đồng tiền ấy hỗ trợ bà còn miền Trung sớm vượt qua khó khăn. Cô cũng là người kết nối với bà con ở quê nhà (xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) khuyến khích mọi người ủng hộ nhu yếu phẩm, quần áo… để gửi đến miền Trung. Hàng cứu trợ theo lời kêu gọi của Hà đã được chuyển đến người dân ở các xã Linh Trường, Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - những xã chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ vừa qua.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.