Lớp học đặc biệt giữa sông Hậu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đều đặn vào tối thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, lớp học tiếng Anh miễn phí trên sông Hậu lại rôm rả tiếng nói cười. Lớp học có đủ độ tuổi tham gia, học sinh nhỏ nhất 9 tuổi, cao nhất 63 tuổi.

Lớp học diễn ra lúc 18h30 phút thứ 3, 5 hằng tuần tại nhà chị Lê Thị Bé Bảy (“má Bảy” các em tình nguyện viên thường gọi). Hơn 17h, 2 học sinh nhỏ tuổi nhất là em Phan Bình Minh 9 tuổi và Thanh Khiết 11 tuổi được gia đình chở bằng ghe đến lớp. Tiếp đến ông Bảy Bon (Lý Văn Bon, 63 tuổi) chạy ghe từ bè cá vào lớp học. Nguyễn Ngọc Tường Vy, tình nguyện viên cũng là giáo viên của lớp, bảo: “Đây là 3 học trò đặc biệt của lớp, vì nhỏ tuổi nhất và lớn tuổi nhất luôn tới học đều và đến lớp sớm nhất”. Bình Minh cho biết, năm nay học lớp 4, gia đình có vườn nhãn phục vụ khách du lịch nên muốn học tiếng Anh để giao tiếp khách nước ngoài.

Lớp học đặc biệt giữa sông Hậu ảnh 1

Bà con Cồn Sơn học bài

Lớp học hơn chục người, chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm ngoài giáo viên dạy chính còn có tình nguyện viên chia nhau hỗ trợ. Bùi Thị Cẩm Tú là sinh viên. Bạn tình nguyện sang Cồn Sơn dạy tiếng Anh miễn phí cho bà con gần 2 tháng. Tú cho biết, nội dung buổi học ngày hôm nay là các từ vựng về món ăn phục vụ khách hằng ngày của bà con. Những câu chào hỏi đơn giản cùng với trò chơi vui nhộn.

Các học viên gọi tình nguyện viên dạy là thầy, cô, còn các bạn xưng “ba” hay “má” với học viên, cứ như thế, buổi học sôi nổi và đầy ắp tiếng cười cho đến kết thúc.

Giữa cơn mưa tầm tã, nghe tiếng đò máy tấp vào bờ, một bạn tình nguyện viên quốc tế là Kamiji Shota, hiện làm việc cho tổ chức JICA (Nhật Bản) công tác tại thành phố Cần Thơ mặc áo mưa bước vào lớp trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Shota cúi đầu chào và xin lỗi mọi người do mưa và chờ đò nên đến trễ. Sau đó, Shota hòa vào công việc hỗ trợ lớp học như các bạn trong nhóm. Shota vui vẻ, hòa đồng, sống ở Cần Thơ hơn 1 năm nên nghe và nói tiếng Việt khá thành thạo. “Người dân ở cồn rất thân thiện, nhiệt tình, những kiến thức cơ bản bằng tiếng Anh như lời chào, giới thiệu tên, nghề nghiệp, nơi sống… được mình và các thành viên trong nhóm dạy được bà con tiếp thu, nắm bắt nhanh chóng”, Shota chia sẻ.

Ông Bảy Bon là học viên lớn tuổi nhất lớp nhưng không e dè hay ngại mà luôn học đầy đủ. Ông là thành viên của HTX dịch vụ du lịch Cồn Sơn, gia đình ông sống ở cồn hơn 30 năm, với nghề nuôi cá và phục vụ khách tham quan du lịch. Ông nuôi mấy chục loài cá nước ngọt, đặc biệt nhiều loài cá quý hiếm của sông Mekong. “Khi khách nước ngoài đến bè muốn chia sẻ, giới thiệu cho họ biết bằng tiếng Anh, vì thế tôi tham gia lớp học này”, ông Bảy Bon nói.

Bạn Bùi Thị Cẩm Tú (quê Long An) sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Cần Thơ tranh thủ thời gian nghỉ hè, tham gia dạy tiếng Anh miễn phí cho bà con Cồn Sơn. Cẩm Tú cho biết, trước khi biết đến Cồn Sơn, em chưa từng nghĩ sẽ đảm nhiệm vai trò của một người dạy học, nhưng rồi mọi thứ đã dần thay đổi khi em đến đây. “Mỗi tối 2 buổi, cả nhà (người dân trên cồn - PV) đã đem đến cho em những nguồn năng lượng đầy tích cực, cho em những cảm hứng và yêu thương chân thành”, Tú bộc bạch.

Cẩm Tú ấn tượng với hình ảnh chị Bé Bảy đã động viên cả nhà đến với lớp học, chia sẻ câu chuyện của tình nguyện viên. Tú nhớ ông Tám đạp xe đến lớp học mỗi tối, mang theo một nguồn năng lượng dồi dào. Và cứ mỗi lần gặp chú đang lái đò, chú lại nói tiếng Anh với con, dù chỉ là câu chào đơn giản.

Với Cẩm Tú, không biết từ lúc nào, bản thân đã xem Cồn Sơn là ngôi nhà thứ hai của mình, và bà con chính là gia đình.

MỚI - NÓNG