Nguyên nhân chính khiến các khu đô thị bị bỏ hoang hiện nay là do dự án thiếu hạ tầng xã hội và hệ thống dịch vụ. |
Khó khăn vì thị trường mất thanh khoản kéo dài, nhiều doanh nghiệp bất động sản thời gian qua phải rao bán dự án để thu hồi vốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại coi việc cơ cấu lại nguồn hàng, thực hiện tốt các dự án đang triển khai hoặc trở lại hoàn thiện dự án đã bán như một lối thoát lâu dài.
Khoảng một năm trước đây, khi giới chuyên gia BĐS đưa ra nhận định về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án BĐS sẽ gia tăng, nhiều doanh nghiệp dù rất khó khăn, nhưng không mấy ai nghĩ đến việc phải bán dự án.
Đến thời điểm hiện tại, do quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải công khai hoặc ngấm ngầm rao bán dự án. Tuy nhiên, những thương vụ M&A thành công thời gian qua không nhiều, do nhiều chủ dự án đưa ra giá chào bán quá cao.
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển nhà Constrexim (Constrexim-Hod) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, việc bán dự án cũng là một lối thoát. Thế nhưng, với những doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài trong lĩnh vực BĐS, càng trong lúc khó khăn, họ càng phải thực hiện tốt dự án đang triển khai. Thậm chí, doanh nghiệp phải chấp nhận chịu thiệt để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, bởi nhu cầu về chỗ ở vẫn có. Vì thế, nếu làm tốt dự án trong lúc này, khách hàng sẽ tin tưởng và doanh nghiệp sẽ thu được hiệu quả tại những dự án tiếp theo.
Cũng theo ông Cây, bản thân Constrexim-Hod thời gian qua cũng rất khó khăn, nhưng Công ty vẫn quyết tâm đẩy mạnh Dự án Green Park Tower (Cầu Giấy, Hà Nội) và sẽ bàn giao nhà hoàn thiện cho khách hàng sớm hơn từ 3 - 5 tháng so với dự kiến. Quyết tâm này thể hiện Constrexim-Hod muốn đi đường dài trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm cho rằng, từ nay đến năm 2013, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp BĐS biến mất trên thị trường. Thực trạng này là hậu quả của thời kỳ doanh nghiệp đua nhau làm BĐS. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp có lượng vốn chỉ từ 5 - 20 tỷ đồng cũng đầu tư dự án BĐS. Trong bối cảnh thị trường mất thanh khoản kéo dài, việc huy động vốn trên giấy trong thời điểm này là bất khả thi, vì thế, nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ còn nước bán dự án.
Cũng theo ông Kha, trong khi phần lớn doanh nghiệp BĐS đều gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài trong lĩnh vực BĐS đã phải cơ cấu lại sản phẩm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp BĐS muốn xây dựng uy tín và muốn bán được hàng tại các dự án đang triển khai có xu hướng trở lại hoàn thiện dự án mình đã làm, đã bàn giao cho khách hàng trước đó. Thậm chí, một số chủ đầu tư có dự án đã hoàn thiện nhưng ít cư dân chuyển đến sinh sống phải tìm nhiều cách khác nhau để thu hút khách hàng chuyển về sinh sống như một cách làm thương hiệu để bán hàng trong các dự án doanh nghiệp đang triển khai.
Dự án Khu đô thị Văn Phú do CTCP Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) làm chủ đầu tư, sau hơn 2 năm bàn giao nhà, nhưng phần lớn dự án vẫn bị bỏ hoang, khiến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì thế mới đây, Văn Phú Invest đã phải đẩy mạnh hoàn thiện và bàn giao hệ thống các trường học công lập, hệ thống công viên, sân chơi thể thao trong Khu đô thị. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội hoàn thiện, khu đô thị này đã thu hút được nhiều khách hàng đến sinh sống.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nguyên nhân chính khiến các khu đô thị bị bỏ hoang hiện nay là do dự án thiếu hạ tầng xã hội và hệ thống dịch vụ. Thực trạng dự án bị bỏ hoang, đã làm mất uy tín nghiêm trọng chủ đầu tư, dẫn tới việc doanh nghiệp khó bán được hàng tại các dự án đang triển khai.
Vì thế, muốn bán được hàng và muốn thoát khỏi khó khăn TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, doanh nghiệp không thể làm ăn chụp giật, chỉ chú trọng bán nhà mà không quan tâm đến điều kiện sống của cư dân. “Dẫn chứng là trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn đang khó khăn, các dự án có hạ tầng xã hội, dịch vụ hoàn thiện và người dân có thể sinh sống, dù giá đắt vẫn có người mua”, ông Liêm nói.
Theo ĐTCK