Lời nói đọi máu

Lời nói đọi máu
TP - Sự kiện nhảy lầu tự vẫn của nữ nhà văn Vương Anh, khá nổi tiếng ở Trung Quốc đã gây chấn động dư luận không chỉ làng văn nước này. Như các cụ ta thường nói: “Một lời nói, một đọi máu”. Trên mạng đã có tới 11 vạn bài viết về vụ việc đó.
Lời nói đọi máu ảnh 1
Bức ảnh cuối cùng của Vương Anh chụp tại Diễn đàn Văn bút hôm 23/11/2008

13 giờ ngày 25/11/2008, nữ nhà văn Vương Anh (bút danh Triệu Nhi), Trưởng phòng biên tập tạp chí “Hồng Nham” (Đá đỏ) đã nhảy từ căn phòng của gia đình ở tầng thứ 14 xuống đất tự tử sau khi đi dự cuộc họp mặt Văn bút Tứ Xuyên – Trùng Khánh lần Hai ở Thành Đô trở về, tự chấm dứt cuộc đời ở tuổi 38, bỏ lại cha mẹ già, người chồng hết lòng thương yêu và đứa con trai 11 tuổi.

Bên cạnh niềm thương tiếc một nhà văn trẻ đẹp, có tài, một số người bày tỏ trách chị hành động thiếu suy nghĩ… nhưng nhiều nhất vẫn là ý kiến lên án những người cầm bút, những đồng nghiệp của chị đã đùa cợt, trêu chọc quá mức gây tổn thương đến lòng tự trọng của cây bút nữ dịu dàng, hiền lành và có phần yếu đuối này khiến chị phải tự tìm lấy cái chết để gột rửa nỗi oan – theo chị hiểu - của mình.

Theo lời kể của Khấu Đức Giang, chồng Vương Anh thì ngày 21/11 anh tiễn chị ra ga đi Thành Đô để tham dự Diễn đàn Văn bút Tứ Xuyên – Trùng Khánh tổ chức ở Thành Đô, vé khứ hồi đã mua, lẽ ra phải đáp chuyến tàu 13 giờ 40’ ngày 24 trở về, nhưng 9 giờ 10’ sáng 24, anh nhận được tin nhắn của vợ: “Em trong sạch! Miệng người thật đáng sợ. Vòng vây thắt chặt!!!”.

Sau đó thấy chị một mình thuê xe từ Thành Đô về nhà, mất 1.600 tệ, nhưng trong túi chị lúc đó chỉ có 600 tệ, anh phải vào nhà lấy thêm 1.000 tệ.

Sau khi vợ chết, xem lại tin nhắn anh mới giật mình: Có chuyện gì đây, Vương Anh là người hiền lành, dịu dàng, sao lại dùng ngữ khí mạnh với 3 dấu chấm than (!) như thế? Hẳn phải có chuyện gì khiến Vương Anh kích động lắm.

Sau khi về nhà, chị nhiều lần kể việc mình bị các bạn văn giễu cợt, chế nhạo. Chị còn ôm vai mẹ khóc nức nở. Cha mẹ chị hiểu rằng có điều gì đó oan ức khiến con gái mình căng thẳng như vậy.

Đến chiều ngày 25, sau khi kể việc các bạn văn nói mình: “Có biết viết văn đâu, chỉ nhờ lên giường với người khác mà nổi tiếng”, thậm chí những người ở cùng phòng còn xin đổi sang chỗ khác, Vương Anh đã khóc lóc nói mình bị mọi người sỉ nhục, rồi nhân lúc cha mẹ không để ý đã lao người qua cửa sổ, nhảy từ tầng 14 xuống.

Chị đã chết ngay sau khi đập đất, mắt vẫn mở, máu mũi vẫn chảy, chỉ đến khi người cha chạy đến ôm xác con thì chị mới nhắm mắt, máu mũi ngừng chảy.

Cái chết của Vương Anh khiến cư dân trong khu và cơ quan nơi chị làm việc đều bàng hoàng vì trong con mắt họ chị là người hiền lành, tốt bụng, mau mồm miệng.

Ở khu phố “gặp ai cũng cười, cũng chào”, ở cơ quan thì “miệt mài làm việc, không tranh giành với ai, chẳng mất lòng ai bao giờ”. Cha của Vương Anh khẳng định, con gái ông nhảy lầu là chịu sức ép của những lời đùa cợt, miệt thị ác khẩu của các bạn văn, “nó lấy cái chết để chứng tỏ mình trong sạch”.

Khi tổ chức tang lễ cho Vương Anh, gia đình đã kiên quyết từ chối không nhận vòng hoa, tiền phúng và những lời chia buồn của Bút hội cùng những nhà văn đã tham gia Diễn đàn Văn bút Tứ Xuyên – Trùng Khánh.

Sau khi Vương Anh qua đời, Chu Hiểu Kiếm, một nhà văn cùng tham dự Diễn đàn Văn bút kể lại, Vương Anh tuy đã 38 tuổi nhưng có tâm hồn của một thiếu nữ 20 tuổi.

Chị rất nhí nhảnh, hay cười, hay hát, bản thân Chu không biết điều gì đã xảy ra với Vương Anh. Tối 23 chị còn lên sân khấu hát, trưa 24 khi mọi người chuẩn bị ra tàu thì phát hiện Vương Anh đã tự thuê xe về Trùng Khánh từ sớm.

Sau khi Vương Anh chết, không thấy ai đứng ra nhận đã nói những lời đùa cợt, chế giễu xúc phạm, gây tổn thương nặng đến lòng tự trọng của Vương Anh.

Cái chết của nữ nhà văn Vương Anh, thiết nghĩ, cũng là bài học chung cho tất cả mọi người: Lời nói có thể gây chết người, hãy thận trọng khi phát ngôn, dù là những lời đùa cợt, nói cho vui!

MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?