Lời khuyên khi đầy hơi chướng bụng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không nhai kẹo cao su, không uống khi ăn, nên ăn và nhai ngậm môi, tránh những thức ăn lên men tại dạ dày, ưu tiên protein và sản phẩm từ sữa có chứa ít đường và mỡ... khi chướng bụng đầy hơi.

Đầy hơi là triệu chứng thường gặp. Khoảng 10-30% người trưởng thành bị đầy hơi. Tại Mỹ, 6% dân số bị đầy hơi hoặc chướng bụng và 43% trong số đó cần sử dụng thuốc.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Toàn, Đại học Y dược TP HCM cho biết đầy hơi là cảm giác khó chịu, no bụng sau khi ăn. Chướng bụng là bụng phình to, căng ra, thường đi kèm với đầy hơi. Chướng bụng, đầy hơi có thể điều trị được bằng thay đổi thói quen, chế độ ăn hoặc sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Toàn, người bệnh cảm thấy đầy hơi, chướng bụng khi tăng lượng khí trong đường tiêu hóa. Nguyên nhân tại dạ dày có thể do rối loạn chức năng như nuốt nhiều khí khi ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội vàng, ăn nhiều chất béo, gia vị, chất kích thích (rượu, bia, cà phê, thuốc lá), rối loạn vận động ống tiêu hóa. Ngoài ra có thể do các bệnh lý thực thể như viêm loét dạ dày - tá tràng, hẹp hang môn vị, ung thư dạ dày tá tràng... Đầy hơi, chướng bụng có thể do sản xuất gas quá mức, tăng sinh số lượng vi khuẩn, bệnh đường ruột mãn tính, bệnh Hirschsprung's...

Đầy hơi xảy ra khi khí không thể thoát ra ngoài qua ợ hoặc trung tiện và tích tụ tại dạ dày hoặc ruột non. Đầy hơi thường đi kèm với đau bụng và thuyên giảm sau khi thoát hơi hoặc đại tiện. Chướng bụng thường xảy ra khi sử dụng thức ăn khó tiêu, thức ăn chứa nhiều carbs như đậu, bắp cải, sữa…, rối loạn nhu động ruột hoặc các bệnh lý kém hấp thu, không dung nạp đường lactose, rối loạn lo âu, tắc ruột, bệnh Giardia, bệnh Crohn, vi khuẩn quá mức ở ruột...

5 loại thức ăn giúp giảm đầy hơi là đu đủ, sữa chua, gừng, trà bạc hà, thơm.

5 loại thức ăn giúp giảm đầy hơi là đu đủ, sữa chua, gừng, trà bạc hà, thơm.

Bác sĩ Toàn cho biết, việc điều trị tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc chống co thắt, thuốc chống đầy hơi, men tiêu hóa, kháng sinh, tăng cường vận động. Người bệnh không sử dụng nước có gas, không nhai kẹo cao su, không uống khi ăn, ăn chậm nhai kỹ, nên ăn và nhai ngậm môi, tránh những thức ăn lên men tại dạ dày, ưu tiên protein và sản phẩm từ sữa có chứa ít đường và mỡ...

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay khi:

- Tiêu chảy kéo dài trên 5 ngày.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Đau bụng.

- Máu trong phân.

- Mất cảm giác ngon miệng.

- Sốt không rõ nguyên nhân.

- Nôn ói kéo dài trên 48 giờ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG