Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa – Lưu ý nào cho các bên?

0:00 / 0:00
0:00
Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là điều khoản quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong nhiều trường hợp lại chưa được các bên chú trọng. 

Thực tế đã xảy ra không ít tranh chấp liên quan đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu, Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Luật Hà Nội.

Xin chào PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu!

PV:Thưa Bà, từ thực tiễn nghiên cứu, Bà có thể cho biết, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với các bên trong hợp đồng bảo hiểm, thưa Bà?

Loại trừ bảo hiểm là khả năng luật định để doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm cho bên thụ hưởng, điều mà bất kỳ bên thụ hưởng bảo hiểm nào mong đợi. Khi đề cập đến điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thực tế thể hiện rất rõ ý tưởng: người được bảo hiểm mong muốn được chi trả và nếu có thể, bên bảo hiểm không chi trả bảo hiểm nếu phát sinh những yếu tố loại trừ. Vì thế, Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) đã quy định về điều kiện loại trừ bảo hiểm.

Vấn đề quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cũng được quy định tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Quy định nghĩa vụ giải thích điều khoản về loại trừ bảo hiểm được quy định tại Điều 22 của Luật này.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về nội dung không áp dụng điều khoản loại trừ tại khoản 3 Điều 16:

+ Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

+ Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Thêm nữa, vấn đề liên quan đến việc xác định chi trả bảo hiểm hay loại trừ bảo hiểm cũng cần gắn với trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, trong đó có trách nhiệm tuân thủ các Luật có liên quan để đảm bảo an toàn cho đối tượng được bảo hiểm (Điều 55 khoản 1, Luật KDBH 2022)

Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 1

PV: Có ý kiến cho rằng, phần lớn các vụ tranh chấp bảo hiểm đều phát sinh từ việc doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để từ chối chi trả bồi thường. Bà nghĩ sao về nhận định này, thưa Bà?

Theo tôi, nhận định này có vẻ không công bằng cho doanh nghiệp bảo hiểm lắm và cũng chưa toàn diện. Tranh chấp bảo hiểm có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như mức chi trả bảo hiểm, trong đó tranh chấp về các yếu tố loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cũng nằm trong đó. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể có những vấn đề phát sinh cần giải quyết nhưng không nhận được sự đồng thuận của các bên, chẳng hạn như vấn đề về sự kiện bất khả kháng, vấn đề bằng chứng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

PV: Liệu có hạn chế, bất cập gì trong các quy định pháp luật cũng như quá trình áp dụng dẫn đến các tranh chấp này không, theo Bà?

Thực tế luôn muôn hình vạn trạng, theo đó, có nhiều tình huống phát sinh nhưng không phải lúc nào pháp luật cũng trù liệu hết. Tôi chỉ lấy đơn cử một vài ví dụ dưới đây:

- Thực tế, bên mua bảo hiểm với mục đích để bù đắp thiệt hại nếu như có tổn thất thực tế xảy ra, tuy nhiên mọi việc cần có điều kiện. Điều kiện đó có thể được pháp luật quy định rõ hoặc tạo điều kiện tự quyết cho các bên. Mức độ đề cập chi tiết đến đâu hay việc tự quyết thế nào, đều là vấn đề có thể còn nhiều tranh luận

- Có trường hợp để giải quyết, không chỉ cần pháp luật về bảo hiểm mà cần áp dụng pháp luật có liên quan.

+ về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đã được đề cập, nhưng thực tế còn chung chung. Nếu ở góc độ tích cực, đó là việc tạo điều kiện tự xác định dấu hiệu cho từng loại sản phẩm. Nếu ở góc độ người yếu thế, có thể coi đó là khiếm khuyết pháp luật, có nghĩa pháp luật cần quy định những nhóm điều kiện loại trừ cơ bản, để dựa vào đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể hoá theo những chuẩn cho trước.

PV: Một trong những quy định mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 là yêu cầu có bằng chứng xác nhận doanh nghiệp bảo hiểm đã giải thích cho bên mua bảo hiểm, bằng chứng xác nhận về việc bên mua bảo hiểm đã hiểu rõ nội dung điều khoản loại trừ. Tuy nhiên, thế nào là “bằng chứng xác nhận” thì các văn bản luật, văn bản hướng dẫn luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa Bà?

Về yêu cầu có chứng cứ chứng minh bên bán bảo hiểm đã thông báo về những cơ bản (cung cấp thông tin), trong đó có điều kiện loại trừ bảo hiểm cũng là vấn đề còn bàn cãi. Pháp luật không quy định về việc xác nhận bên bán bảo hiểm đã cung cấp những nội dung trên cho bên mua bảo hiểm (loại bằng chứng nào đó). Nội dung này, cá nhân tôi cho rằng nên có quy định pháp luật để những bằng chứng này có thể coi là loại tài liệu bắt buộc trong bộ hồ sơ bảo hiểm.

Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 2

PV: Vậy, các bên, đặc biệt là bên mua bảo hiểm cần lưu ý gì liên quan đến điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi giao kết hợp đồng và khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra để tránh những tranh chấp và thiệt hại không đáng có, thưa Bà?

Câu hỏi này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ nó dẫn đến cho chúng ta ý thức tuân thủ các công đoạn khác nhau của quá trình thương thảo hợp đồng cũng như các bước: từ việc soát xét nội dung điều khoản (chẳng hạn như nếu không có điều khoản loại trừ trong HĐ bảo hiểm thì khả năng hưởng ưu thế sẽ thuộc về bên mua bảo hiểm). Thêm nữa, các vấn đề đều liên quan đến giải thích điều khoản hợp đồng trong đó có nội dung về điều khoản loại trừ có ý nghĩa quan trọng. Thực tế, vấn đề này nếu thiếu sót (bằng việc không có bằng chứng), vậy các bên, đặc biệt là doanh nghiệp bảo hiểm cần đào tạo nghiệp vụ một cách cẩn trọng cho cán bộ của mình, để tránh rủi ro xảy ra cho chính doanh nghiệp bảo hiểm.

Một ý nữa tôi cũng có ý định chia sẻ, đó là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm. Thực tế, không ai mong muốn rủi ro xảy ra, nhưng nếu xảy ra, thì yêu cầu tuân thủ của bên mua bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng. Điều này giúp cho bên mua bảo hiểm tránh khỏi những tình huống có thể bị hiểu là trục lợi bảo hiểm hay những tình huống tương tự.

Cuối cùng, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, khi thực hiện bất kỳ giao dịch hay hoạt động nào, kể cả là lĩnh vực bảo hiểm, thì không chỉ một văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề đó mà còn có nhiều Luật liên quan. Có thể ví dụ như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không và những văn bản pháp luật khác.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG