Loài cua mang tên phiến quân IS

Ngư dân đánh bắt cua xanh trên vùng biển ngoài khơi Tunisia. (Nguồn: AFP).
Ngư dân đánh bắt cua xanh trên vùng biển ngoài khơi Tunisia. (Nguồn: AFP).
Có thời điểm, loài cua xanh trên các bờ biển của Tunisia sinh sôi quá nhanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đánh bắt của các cộng đồng ngư dân. Quá bức xúc, họ thậm chí còn đặt biệt danh cho loài cua này theo tên của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sự xâm lăng của loài cua xanh
Nhưng giờ đây - 4 năm kể từ khi loài cua xanh xâm lược các vùng biển của Tunisia - loài ăn thịt này đã bị những người ngư dân ở đất nước Bắc Phi biến thành con mồi, và giúp họ kiếm được một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Jamel Ben Joma Zayoud kéo mẻ lưới mới ở gần hòn đảo Djerba, thuộc biển Địa Trung Hải, và thu được một mẻ toàn loài giáp xác trông hình thù khá đáng sợ. “Hãy nhìn xem, chỉ toàn là IS, chúng đã phá hủy mọi thứ”- Zayoud nói về loài cua được giới ngư dân đặt biệt danh theo nhóm phiến quân đáng sợ.
Loài cua xanh, từng có thời sinh sống rất nhiều ở Biển Đỏ, lần đầu tiên xuất hiện ở khu vực Vịnh Gabes ngoài khơi Tunisia vào năm 2014 và nhanh chóng ăn sạch mọi thứ mà chúng bắt gặp. “Nó nhanh chóng trở thành một lời nguyền”- ông Zyoud, 47 tuổi, nói - “Chúng ăn sạch những loài cá ngon nhất trên biển”.
Có 2 lời giải thích cho việc làm thế nào mà loài cua xanh này - có tên khoa học là Portunus Pelagicus - lại có thể đến được bờ biển Tunisia - theo nhà nghiên cứu Marouene Bedioui, thuộc Viện Nghiên cứu khoa học hàng hải và Công nghệ quốc gia Tunisia. Một là trứng của chúng mắc trên các con thuyền trong khu vực, và hai là chúng đã thực hiện một hành trình di cư dài sau khi Kênh đào Suez mở cửa vào năm 1869.
Khi đến bờ biển Tunisia, loài cua xanh đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành đánh bắt cá của nước này. Nhiều cộng đồng ngư dân sống dọc bờ biển của Tunisia cảm thấy bất lực khi chứng kiến loài cua xanh cắt lưới của họ và ăn hết các loài cá bản xứ khác.
“Hàng nghìn ngư dân đã chịu ảnh hưởng từ sự xuất hiện của loài cua này trên Vịnh Gabes”- Sassi Alaya, một thành viên của Liên đoàn Lao động địa phương, cho hay - “Nhưng ngày nay, chúng tôi sửa lại lưới mỗi năm 3 lần, trong khi trước đây là 2 năm 1 lần”.
Trong năm 2015 và năm 2016, ngư dân sống dọc bờ biển Vịnh Gabes đã biểu tình vì vấn đề này, và cuối cùng họ đã khiến Chính phủ chú ý. Hồi năm ngoái, chính quyền nước này đã triển khai một kế hoạch lớn nhằm giúp đỡ ngư dân biến loài cua xanh thành một nguồn lợi mới của biển cả, mang lại doanh thu lớn.
Chính phủ Tunisia đã thuê chuyên gia tới dạy cho ngư dân cách bắt cua xanh, đồng thời áp dụng chương trình trợ giá thu mua loài giáp xác này. Nhiều nhà máy chế biến cua xanh đông lạnh mọc lên, hỗ trợ ngư dân xuất khẩu loài cua này sang các thị trường ở Vùng Vịnh và châu Á.
Cua xanh tại biển Tunisia Cua xanh với số lượng lớn trên vùng biển ngoài khơi Tunisia.
Món khoái khẩu
Một trong những xưởng đông lạnh đó được vận hành bởi một công ty Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với sự xâm thực của loài cua xanh này. Buổi chiều hàng ngày, một hàng dài xe tải đông lạnh dùng để chở cua xanh đổ đến các vùng bờ biển để thu mua cua xanh mà ngư dân bắt được trong buổi sáng.
“Khi loài cua này xuất hiện, chúng tôi biết làm cách nào để kiếm tiền từ chúng”- Karim Hammami, đồng Giám đốc của Công ty Tucrab, cho hay - “Người dân Tunisia không ăn cua xanh nên ngư dân tránh bắt chúng. Nhưng khi các nhà đầu tư vào cuộc và chính quyền cũng có giải pháp, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài”.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Tunisia đã chế biến và xuất khẩu được 1.450 tấn cua xanh với tổng giá trị khoảng 3,5 triệu USD - theo thống kê của Bộ Nông nghiệp nước này.
Đối với cộng đồng ngư dân ở Tunisia, con cua xanh giờ đây là một nguồn thu nhập đáng kể của gia đình họ. “Tình hình giờ đã hoàn toàn thay đổi”- ông Zayoud nói. Người đàn ông này giờ đây trong mỗi chuyến đi biển đều dùng lồng bẫy cua xanh, trong khi vẫn dùng lưới đánh bắt các loài cá truyền thống.
Ngành công nghiệp xuất khẩu cua xanh phát triển đến nỗi, giờ cộng đồng ngư dân còn áp dụng quy định về hạn chế số lượng cua xanh được đánh bắt để tránh làm giảm số lượng loài giáp xác này. Nhiều ngư dân còn sử dụng cua xanh như món ăn chính trong thực đơn hàng ngày của mình.
Trong những chuyến đi biển dài ngày của mình, cứ đến bữa trưa là ông Zayoud cùng các thành viên thủy thủ đoàn lại chọn ra những con cua xanh lớn nhất. “Cua IS ăn tất cả những con cá tốt nhất, bởi vậy mà thịt của nó cũng rất ngon”- ông Zayoud nói.
Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.