Lo ngại về cuộc thanh tra không 'vô tư'

TP - Vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang khi đang “vòi vĩnh” nhận tiền tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vừa qua đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, đoàn thanh tra Bộ Xây dựng mới cử về thay thế đoàn Thanh tra cũ có ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Bộ Xây dựng). Ông Tuấn là người được giao giám sát đoàn Thanh tra cũ để xảy ra sai phạm song vẫn tiếp tục được giao giám sát đoàn Thanh tra mới. Việc này khiến các doanh nghiệp địa phương lo ngại về một cuộc thanh tra không “vô tư” của đoàn thanh tra lần này. 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM), điều 13 Thông tư số 05/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát của Đoàn thanh tra nêu rõ việc thay đổi công chức giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra như sau: Việc thay đổi công chức giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện trong trường hợp người đó không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giám sát, có vi phạm pháp luật hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ giám sát.

Luật sư Bình nêu: “Trong trường hợp này có thể thấy người giám sát đã không đáp ứng đầy đủ các quy định về việc giám sát các quy định của pháp luật đối với Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra”.

Trong đó có việc để xảy ra hậu quả là các thành viên đã nhận hối lộ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của thanh tra Bộ Xây dựng nhưng lại để cho tiếp tục giám sát Đoàn thanh tra lần này là không đúng quy định mà cần phải thay luôn người giám sát mới.

Từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 1369/QĐ-BXD phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra Bộ. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; dự án giao thông; hoạt động kinh doanh bất động sản… phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân và xử lý đơn thư.Riêng ở Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành thanh tra một số dự án trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

 Theo đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, một dự án xây dựng không thể tránh được những thiếu sót, thậm chí cứ “thanh tra là ra sai phạm”.

Vị này lấy ví dụ khi doanh nghiệp bị thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra thiếu chứng chỉ hành nghề, thiếu nhân công… Trên thực tế, 2 năm gần đây tỉnh không cấp chứng chỉ hành nghề mới, nếu đi tỉnh khác lấy chứng chỉ lại tạo ra nhiều bất cập.

Hà Nội xử lý gần 98 cán bộ thanh tra xây dựng

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua Hà Nội đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng.

Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, ba trường hợp bị hạ bậc lương, hai trường hợp bị giáng chức, năm trường hợp bị buộc thôi việc.

Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luật trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có hai phó Chánh thanh tra xây dựng, bảy trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó.

MỚI - NÓNG