Mất ăn mất ngủ vì hôi thối
Ông Nguyễn Hữu Hiệp nhà ở trước cổng Trung tâm giết mổ An Nhơn trên đường Lê Đức Thọ, phường 13 (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, gia đình ông phải sống chung với mùi hôi thối từ khi lò mổ tập trung này đi vào hoạt động. Theo ông Hiệp, mùi hôi thối từ nước thải của trung tâm khiến nhiều người không ăn ngủ được. “Suốt ba năm nay, các cuộc họp của tổ dân phố đều nêu tình trạng này nhưng không thấy chính quyền giải quyết”- ông Hiệp nói. Dẫn chúng tôi ra con mương đen ngòm sau Trung tâm giết mổ An Nhơn, bà Vũ Thị Tin, ở cạnh khu giết mổ cho biết: “Nước thải chảy vô tội vạ ra mương bốc mùi, cứ tối đến, xe chở gia cầm chạy qua mùi hôi thối lại bốc lên khiến dân chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, ngụ ở khu phố 2, phường 14, quận Gò Vấp cho biết, mỗi khi có mưa, con đường sau Trung tâm An Nhơn nổi đầy lông gà, thậm chí lòng gà, lòng vịt còn tràn ra mặt đường. Năm 2009, hơn 200 hộ dân quanh đây gửi đơn kiến nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm, tuy nhiên đâu lại vào đấy. “Khi Phòng Tài nguyên Môi trường của quận Gò Vấp cùng đại diện Sở Y tế xuống làm việc với Trung tâm An Nhơn, lãnh đạo trung tâm hứa đến năm 2010 sẽ dời trung tâm về tỉnh Bình Dương. Nhưng chờ mãi chẳng thấy”- bà Hương nói.
Theo các cơ sở đăng ký giết mổ trong Trung tâm này, họ đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí xử lý môi trường nhưng việc xử lý môi trường lại không hiệu quả. Chủ cơ sở Ngọc Hà tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn cho biết: “Dù chỉ giết mổ hơn 4.000 con gà mỗi đêm nhưng cơ sở chúng tôi phải đóng hơn 50 triệu đồng để xử lý nước thải mỗi tháng. Đó là chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền vệ sinh. Tính ra, tổng số tiền cơ sở chúng tôi phải đóng là gần 200 triệu đồng/tháng”.
Đầu độc môi trường
Kết quả phân tích nước thải số V110/KQ –V6 ngày 8-6-2011 do Viện Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Bảo hộ Lao động thực hiện vừa công bố cho thấy, nhiều chỉ tiêu tại Trung tâm An Nhơn vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Ngoài ra, cho tới thời điểm này, Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn cũng chưa báo cáo giám sát môi trường theo quy định. Đại diện Trung tâm giết mổ này thừa nhận, hệ thống xử lý nước thải hiện tại không đủ công suất và đang tiến hành các thủ tục xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.000 m3/ngày đêm, dự kiến đến tháng 6-2012 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.
Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn có tổng diện tích mặt bằng trên 16.000m2, tổng công suất giết mổ từ 35.000 đến 40.000 con gia cầm/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải công suất 450 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, sản lượng giết mổ tại đây thường xuyên vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, ngày 17-8, sản lượng giết mổ được thông báo là 53.871 con/đêm; ngày 18-8 là 52.053 con/đêm; trong hai ngày 19-20, tổng sản lượng hơn 110.000 con/đêm khiến hệ thống xử lý nước thải quá tải.
Theo hợp đồng giữa Trung tâm này với các doanh nghiệp giết mổ, chi phí xử lý nước thải là 180 đồng/con; còn đối với số gia cầm giết mổ tăng thêm phải trả 1.000 đồng/con. Mỗi ngày 8 doanh nghiệp giết mổ ở trung tâm này vượt khoảng 20.000 con thì số tiền mỗi tháng các doanh nghiệp phải nộp khoảng 600 triệu đồng.
Theo quy định của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, mỗi cơ sở tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn chỉ được giết mổ 5.000 - 6.000 con gia cầm/đêm, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, chỉ tính 4 trong 8 doanh nghiệp đăng ký ở An Nhơn thì số lượng giết mổ đã đủ tiêu chuẩn. |