Lo 'lạm phát' tượng đài hoành tráng

TP - Chuyện đề xuất xây dựng tượng Quốc tổ Hùng Vương ở Đắk Lắk, Lâm Đồng phần nào phản chiếu thực tế nhiều địa phương đua nhau xin xây dựng tượng đài hoành tráng, kinh phí từ chục tỷ đến trăm tỷ đồng. Một số chuyên gia nhận định, nhiều tượng đài đang được xây dựng chạy theo số lượng thay vì chất lượng.

Nguy cơ “lạm phát”

Trong năm 2023, nhiều dự án xây dựng tượng đài được công bố. Nhiều dự án được công bố trước đó cũng dự kiến hoàn thành. Đầu tháng 4, Hải Phòng vừa có tờ trình về việc xây tượng đài Chiến thắng Cát Bi hơn 131 tỷ đồng, đặt tại Cảng hàng không Cát Bi.

Tôn trọng văn hoá vùng miền

Xoay quanh đề xuất xây tượng đài Quốc tổ Hùng Vương trên đồi Phượng Hoàng trong khu du lịch thác Prenn (thuộc địa bàn phường 3, TP Đà Lạt và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), hoạ sĩ Lý Trực Sơn cho rằng việc này chưa cần thiết và gây lãng phí. Số tiền đầu tư ước tính lên tới 70 tỷ đồng cho bức tượng cao 51m. Hoạ sỹ cho rằng, việc xây tượng Hùng Vương ở Lâm Đồng là đề xuất chưa xác đáng. Nếu các tỉnh khác cũng muốn dựng tượng Quốc tổ, vậy không biết sẽ có bao nhiêu bức tượng được dựng lên. “Người dân cả nước không ai là không biết tới Hùng Vương, không cần thiết phải dựng tượng ở nhiều nơi mới là thành kính. Tây Nguyên nên dựng tượng Đăm Săn, Xinh Nhã… dù kích thước nhỏ cũng vẫn phù hợp với yếu tố văn hoá và lịch sử vùng miền”, họa sĩ Lý Trực Sơn nói. NGỌC ÁNH

Năm nay, dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (gọi tắt là tượng đài Con tàu tập kết) trị giá 255 tỷ đồng dự kiến hoàn thành. Tượng đài có diện tích khoảng 3.200 m2, phù điêu lớn hình cánh cung, giá trị xây lắp dự kiến khoảng 89 tỷ đồng. Việc tỉnh tiếp tục cho xây tượng đài khiến dư luận xôn xao, bởi năm 2021, tỉnh Thanh Hoá phải tạm dừng dự án do vấp phải sự phản đối từ dư luận. Dự án gặp khó khăn nguồn vốn và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19…

Phải có quy hoạch, xin ý kiến và trình tự nghiêm ngặt

Nghị định số 605 về các hoạt động mỹ thuật đã được ban hành. Trong đó, Điều 20 nói rõ về quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng. Quy hoạch này là căn cứ để xây dựng kế hoạch, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng. Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch: Quy hoạch cấp quốc gia do Bộ VHTTDL xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt sau khi có ý kiến bằng văn bản của bộ, ngành liên quan. Quy hoạch cấp tỉnh do Sở quản lý văn hóa xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTTDL. Nghị định này cũng có các điều quy định chi tiết về trình tự hồ sơ, quá trình xin ý kiến, lập hội đồng thẩm định, giám sát thi công... Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, tuy nhiên UBND cấp tỉnh phải xin ý kiến Bộ VHTTDL trước khi cấp phép đối với công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia, tượng đài và tranh hoành tráng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình xây dựng trong khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng. NGUYÊN KHÁNH

Trước đó, vào năm 2020, tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, Vĩnh Thạnh là 1 trong 3 huyện miền núi ở tỉnh Bình Định nhưng đổ tiền xây công trình tượng đài với tổng mức vốn phê duyệt gần 48 tỷ đồng, trong khi đời sống người dân còn rất khó khăn, thiếu thốn. Công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được khởi công xây dựng, trên diện tích đất hơn 3.000 m2 ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh).

Lo 'lạm phát' tượng đài hoành tráng ảnh 1

Tượng đài chục tỷ đồng từng làm “dậy sóng” dư luận tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) khánh thành đầu năm 2021.

PGS.TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học Văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: thuật ngữ “lạm phát” tượng đài được các chuyên gia cảnh báo nhiều năm qua, nhưng đến nay việc xây dựng tượng đài vẫn là một trào lưu ở nhiều tỉnh thành.

“Về mặt số lượng, tượng đài ở Việt Nam quá nhiều trong khi chất lượng lại là một dấu hỏi lớn. Khác với các công trình dân sinh như bệnh viện, trường học, cầu đường… công năng của tượng đài chỉ là để tưởng niệm hoặc làm đẹp. Vì vậy, chúng không được coi là những công trình thiết yếu”, PGS.TS Đinh Hồng Hải nêu.

Lo 'lạm phát' tượng đài hoành tráng ảnh 2

Tượng đài Mẹ ôm con ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên (Hà Nội) là một trong những tác phẩm tạo dấu ấn

Không phải công năng hay tính thiết yếu, tính nghệ thuật và ý nghĩa biểu tượng mới thực sự là mục đích xây dựng của các tượng đài. Vì vậy, những tượng đài hay đài tưởng niệm được xây trên thế giới đều mang ý nghĩa lớn và vào những dịp rất đặc biệt.

“Các cổng Khải hoàn môn ở châu Âu thường được xây dựng sau khi kết thúc những cuộc chiến lớn. Eiffel hoặc tượng Nữ thần Tự do đều là những công trình được xây dựng ở những không gian và thời gian rất đặc biệt. Kinh phí xây dựng những công trình này dĩ nhiên là rất lớn nhưng ý nghĩa biểu tượng và giá trị nghệ thuật của chúng là vô giá”, PGS.TS Đinh Hồng Hải chia sẻ.

Thiếu thẩm mỹ

Tượng đài ra đời với mục đích tốt đẹp là thể hiện sự ghi ơn đối với người có công, ghi dấu mốc kỷ niệm đặc biệt. Hoạ sĩ Lý Trực Sơn khẳng định, tượng đài ngoài trời là một trong những biểu hiện văn hoá quan trọng của dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, nhiều công trình ở Việt Nam đặt nặng tính tuyên truyền mà quên đi yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ. Ông cho rằng, nhiều tượng đài ở Việt Nam không được đánh giá cao ở góc độ mỹ thuật, trong khi tính mỹ thuật đáng lẽ phải được coi là tiêu chí quan trọng. Hoạ sĩ khẳng định làm tượng phải có tính kỷ niệm, biểu tượng. Quan niệm tượng cao, tượng to mới thể hiện sự hãnh diện làm ảnh hưởng tới quy hoạch cũng như tính thẩm mỹ của nhiều tượng đài trên cả nước. “Nếu không đảm bảo về mỹ thuật, tượng đài to như quả núi cũng không có giá trị. Trên một ngọn núi ở địa phận tỉnh Thanh Hoá có dòng chữ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được khắc rất lớn. Tôi cho rằng khẩu hiệu được khắc lên như vậy còn mang tính biểu tượng nhiều hơn so với tượng đài”, họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ với PV Tiền Phong.

Trong 12 ngày đêm lịch sử ở Hà Nội cuối năm 1972, hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên (Hà Nội) không may bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ qua đời nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt đứa con. Tuy không có mặt tại hiện trường nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, họa sĩ Nguyễn Tự lập tức cho ra đời một tác phẩm điêu khắc, lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52. Hoạ sĩ Lý Trực Sơn khẳng định bức tượng của hoạ sĩ Nguyễn Tự tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn.

“Đôi khi, lãnh đạo địa phương chưa hiểu biết đầy đủ về nghệ thuật, việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các địa phương. Việc thẩm định giá trị nghệ thuật của tượng đài gần như bị bỏ ngỏ, một số hội đồng thẩm định được lập ra nhưng không thực sự làm đúng vai trò”, hoạ sĩ Lý Trực Sơn nói. Hoạ sĩ đề xuất nên dừng việc xây tượng quy mô, hoành tráng, cho tới khi nào mặt bằng văn hoá và nhu cầu, nhận thức về thẩm mỹ của người dân được nâng cao.

Nếu cứ xây dựng tượng đài theo phong trào như hiện nay sẽ tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ của Nhà nước. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi xây tượng đài lên rồi dù xấu cũng không ai dám phá bỏ.

“Vấn đề này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cấp cao nhất của Nhà nước để chỉ đạo, quy hoạch. Dĩ nhiên, việc xây dựng mọi tượng đài cần đặc biệt chú trọng ý nghĩa biểu tượng, giá trị nghệ thuật nên cần có sự đánh giá của các chuyên gia”, PGS.TS Đinh Hồng Hải đề xuất.