Liveshow chính hiệu gồng mình vượt khó đối phó 'dỏm'
Khi những người làm nghề chân chính và trách nhiệm đang cố gắng gồng mình vượt qua khó khăn, thì những liveshow không đạt chuẩn vẫn thay phiên nhau xuất hiện khiến khán giả dần cuốn vào vòng xoáy giữa thật và giả.
Liveshow chính hiệu “gồng mình” vượt khó
Trong thời điểm kinh tế xuống dốc, kinh phí là vấn đề khiến các ca sĩ cũng như nhà sản xuất canh cánh nỗi lo mỗi khi quyết định thực hiện liveshow. Không có tiền, chất lượng đêm diễn sẽ bị giảm, ngược lại nếu mạnh tay đầu tư lớn thì việc lỗ nặng là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều năm trước, các nhà tài trợ đóng vai trò hỗ trợ rất nhiều cho các đơn vị tổ chức chương trình, như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Trừ khi có vài nhà tài trợ thì may ra tôi mới yên tâm về mặt đầu tư, lúc đó chỉ trông vào phần lãi của việc bán vé”.
Nhưng một vài năm trở lại đây, các thương hiệu không còn mặn mà với các liveshow mà chuyển sang các chương trình truyền hình thực tiếp để tiếp cận nhiều khán giả hơn hoặc tự đứng ra tổ chức đêm nhạc riêng.
Tình hình tiêu thụ băng đĩa cũng không còn thuận lợi kể cả khi phát hành ra thị trường hải ngoại, sự xuất hiện dày đặc của các chương trình âm nhạc miễn phí hoặc được truyền hình trực tiếp như Tình khúc vượt thời gian, Âm nhạc và Bước nhảy, Bài hát yêu thích…
Liveshow Tự tình quê hương đã tổ chức số thứ 4 và trở thành thương hiệu gắn liền với tên tuổi ca sĩ Cẩm Ly. |
Khó khăn trăm bề, nhưng thực tế vẫn có ca sĩ và ê-kíp chịu đầu tư thực hiện liveshow đúng nghĩa, điển hình là Tự tình quê hương của ca sĩ Cẩm Ly vừa thực hiện số thứ 4 vào đầu tháng 11 vừa qua hay Mùa thu của Phương của ca sĩ Thu Phương vào tháng 10.
Về vấn đề này, đạo diễn Minh Vy - người chịu trách nhiệm thực hiện chuỗi chương trình Tự tình quê hương cho biết: “Liveshow không bao giờ lấy lại vốn, chỉ có lỗ ít hoặc lỗ nhiều. Nhưng bù lại chúng tôi được cái tiếng, thương hiệu, có được sản phẩm để đời, được hâm nóng tên tuổi”.
Tự tình quê hương đến thời điểm này có lẽ là thương hiệu duy nhất được diễn ra định kỳ mỗi năm (ngoại trừ năm 2010). Nói về mức độ “chịu chơi” của công ty Kim Lợi, đạo diễn Minh Vy thẳng thắn chia sẻ: “Nếu chương trình không do tôi làm, không phải do Cẩm Ly hát, không phải do nhân viên công ty cùng nhau thực hiện và không có sự hỗ trợ của các công ty âm thanh, ánh sáng thì số tiền sẽ bị dội lên rất nhiều khoảng 1 tỷ. Chắc chắn lúc đó tôi sẽ không làm vì không ai ngu mà mỗi năm móc tiền quăng ra đường”.
Lệ Quyên làm liveshow để tri ân khán giả chứ không mong đến chuyện có lời. |
Hay như liveshow Q Show kỷ niệm 15 năm ca hát của Lệ Quyên diễn ra vào tháng 12, với mức độ đầu tư được công bố lên đến 7 tỷ, nữ ca sĩ xác định chuyện lấy lại vốn có thể nói là nằm ngoài tầm tay.
Cô nói: “Nếu muốn kiếm tiền thì không có cách nào hiệu quả và nhàn nhã như tôi vẫn làm là đi hát phòng trà. Tôi đầu tư nhiều cho liveshow lần này với muốn tri ân khán giả cũng được bay bổng trong nghệ thuật. Chứ xét về mặt kinh tế thì làm show trong thời điểm là quá liều lĩnh. Còn nói tôi muốn chơi trội thì có nhiều cách khác hay hơn, chẳng ai dại lấy tiền túi ra để làm vậy đâu”.
Để giảm mức độ rủi ro, nhiều ca sĩ đã chọn cách chuyển sang thực hiện những đêm nhạc nhỏ, như Đàm Vĩnh Hưng với chuỗi Mr Đàm’s Show định kỳ mỗi tháng 1 lần, hay đêm nhạc Gửi tình yêu của em của Mỹ Tâm cũng chỉ dừng lại ở mức độ làm thỏa mãn cơn khát thưởng thức âm nhạc ở không gian lớn hơn phòng trà.
Thông thường, những đêm nhạc này vẫn có kịch bản rõ ràng và đầu tư về nội dung mới lạ, tuy nhiên ở mức độ không cao. Nếu diễn những chương trình này từ 2, 3 đêm vẫn có thể có lời, dù không nhiều.
Đàm Vĩnh Hưng thực hiện các đêm nhạc riêng định kỳ mỗi tháng 1 lần. Những chương trình này đều được nam ca sĩ đầu tư dàn dựng, dù không nhiều nhưng cũng rất đáng trân trọng. |
Một tín hiệu đáng mừng khác là dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn có những chương trình bán được vé, thậm chí là khá chạy ngay cả khi giá lên đến con số hàng triệu. Được biết, tới thời điểm này tình hình tiêu thụ vé của Q Show rất khả quan. Tất nhiên nhân vật chính vẫn phải là cái tên có lượng khán giả ổn định tại Việt Nam chứ không thể ỷ y vào mức độ truyền thông. Như trường hợp liveshow Bằng Kiều Impression in Viet Nam 2013bắt đầu có dấu hiệu giảm sức hút trong lần thứ 3 tổ chức hay liveshow của một nữ ca sĩ hải ngoại vừa diễn ra cách đây không lâu ở TP.HCM phải có đến khoảng 50% là khách đi bằng vé mời
Đây cũng là niềm an ủi nho nhỏ cho các ca sĩ khi quyết định làm liveshow trong thời kỳ này.
“Liveshow dỏm” tung hoành
Dù không rầm rộ bằng năm ngoái, nhưng 2013 vẫn được xem là thời điểm được mùa các đêm nhạc riêng của những ca sĩ từ hàng top của Vpop, các giọng ca hải ngoại đến chuỗi chương trình với tên gọi Dấu ấn đến nay đã thực hiện đến số thứ 4. Dù vậy theo những người trong nghề, không ít các chương trình kiểu này chưa xứng tầm là một liveshow.
Với một liveshow đúng nghĩa, các ca sĩ và đạo diễn thường phải ngồi lại bàn bạc từ 6 tháng đến thậm chí là 1 năm trước ngày trình diễn để lên ý tưởng hay chuẩn bị từng mảng miếng đặc biệt.
Còn vấn đề tập luyện cùng ban nhạc, vũ đoàn, khách mời… cũng phải được triển khai trong vòng 2, 3 tháng. Như chuỗi chương trình Tự tình quê hương, dù chương trình số 4 vừa mới diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua, nhưng hiện tại đạo diễn Minh Vy đã bắt tay vào việc viết kịch bản cho số thứ 5 dự kiến diễn ra vào năm sau.
Trong khi đó, rất nhiều người lại bỏ qua bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng này, như trường hợp của một nam ca sĩ hải ngoại khá có tiếng chỉ vừa kịp có mặt tại Việt Nam 4 ngày trước khi đêm nhạc của mình diễn ra và từng ấy thời gian để tập cùng dàn nhạc giao hưởng.
Sân khấu Lan Anh được nhiều người chọn làm nơi tổ chức liveshow, tuy nhiên nơi này không đảm bảo được hai yếu tố âm thanh và chỗ ngồi. |
Địa điểm cũng là một trong một yếu tố đó. Theo một đạo diễn có uy tín trong nghề, nhà thi đấu, sân vận động hoặc nhà hát Hòa Bình (khu vực phía Nam) là địa điểm lý tưởng để thực hiện liveshow. Nhưng do tình hình kinh tế nên các chương trình thường được dời ra sân Lan Anh hoặc các sân khấu nhỏ như 126. Tuy nhiên, những địa điểm này rất khó để đảm bảo về vấn đề âm thanh và cả ghế ngồi. Ngoại trừ liveshow Số phận của Đàm Vĩnh Hưng diễn ra tại sân Lan Anh vào năm 2012 đã được nam ca sĩ này chi tiền tỷ cho hai mặt này.
Các ca sĩ không tên tuổi, chỉ cần một sân khấu nhỏ, vài khách mời đã có "liveshow" để đời.. |
Bên cạnh đó, số mức độ đầu tư, tần suất PR trên báo chí cũng là một trong những yếu tố để phân biệt giữa liveshow và đêm nhạc đơn thuần. Mức giá từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng sẽ làm được một đêm nhạc, trong khi đó để làm một liveshow cần kinh phí cao gấp nhiều lần.
Tất nhiên, con số đầu tư cụ thể là bao nhiêu, khán giả cũng chỉ chỉ có thể biết được thông qua thông bố của đơn vị thực hiện hoặc tự thẩm định sau khi đến xem chương trình. Dù vậy, không phải nhà sản xuất nào cũng có tâm khi đưa ra những con số này!
Chưa kể đến là những chương trình tổ chức hằng đêm tại các phòng trà, quán bar cũng biến thành những liveshow tự phong nhờ lợi dụng sự mập mờ của khán giả
Chuyện cắt giảm kinh phí là điều hoàn toàn có thể thông cảm và dễ hiểu, nhưng chỉ vì một vài lý do hoặc “sĩ diện hảo” mà những chương trình ca nhạc lại dễ dàng được biến tấu, khoác thêm lớp áo lộng lẫy bên ngoài để từ đó nhà nhà có liveshow, người người làm liveshow.
Với tình trạng này, cộng thêm những khó khăn chồng chất thì sớm hay muộn, những người có tâm với nghề cũng dần nản chí. Lúc đó, chính nền âm nhạc Việt sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Theo Phương Giang
Tri Thức