Lính Mỹ với hội chứng chiến tranh Iraq

Trung tá Mike Zacchea tại trụ sở công ty của ông
Trung tá Mike Zacchea tại trụ sở công ty của ông
TP - Hiện nay, một số lính Mỹ từ Iraq trở về mắc hội chứng tâm lý hậu chiến tranh hoặc sa vào tệ nạn xã hội. Các chuyên gia cho rằng, quân nhân xa nhà 1 năm trở lên dễ có vết thương tinh thần, như trầm cảm, cô độc, giận dữ, ly dị, tự tử…
Trung tá Mike Zacchea tại trụ sở công ty của ông
Trung tá Mike Zacchea tại trụ sở công ty của ông . Ảnh: AP

Một trường hợp điển hình là Trung tá thủy quân lục chiến Mike Zacchea- người được tặng Huân chương Chiến thương sau khi bị thương trong một trận đánh ở Fallujah, Iraq. Khi trở về Mỹ, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn stress hậu chiến tranh.

Trong cuộc hành quân mang tên Con ma Fury ở Falluja cuối năm 2004 nhằm mở đợt tổng công kích vào lực lượng nổi dậy Iraq Hồi giáo dòng Sunni, Zacchea bị thương ở vai và đầu vì lựu đạn nổ cách ông chỉ vài mét.

Các bác sĩ cho biết, vết thương ngày càng trầm trọng và Zacchea cần về hậu cứ, nhưng ông từ chối lên máy bay cứu thương để được tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị lính chính phủ Iraq mà ông tham gia huấn luyện.

Trong khoảng thời gian 6 tháng sau khi trở về Mỹ, Zacchea mắc hội chứng chiến tranh nặng nề. Hằng ngày, ông không hề mở miệng nói với ai lời nào. Lúc nào ông cũng tỏ ra ngứa ngáy, bực tức, và thường có hành động bạo lực.

Zacchea từng tấn công một nhân viên cửa hàng bán hoa tươi sau khi ông và cô này cãi nhau. Ông đã bóp cổ cô gái mạnh đến mức làm cô này ngất lịm. Tại nhà riêng, Zacchea thường cáu bẳn và không làm chủ hành động.

Có lần thấy chồng tỏ ra hung dữ, vợ Zacchea trốn vào nhà tắm, chốt cửa lại. Cho rằng vợ mình nổi loạn, ông bèn phóng hỏa đốt nhà.

Cuối cùng, vết thương tâm thần của Zacchea cũng giảm bớt. Một bác sĩ ở Trường Đại học Yale cho biết, có thể ông đã mắc hội chứng tâm thần sau khi bị thương vào đầu. Dần dần, Zacchea hiểu rằng vì sao ông không thể đương đầu cuộc sống bình thường, đặc biệt là giao thông ở New York mỗi lần phải ra ngoài.

Hiện tại, Zacchea mở một cửa hàng tại Trường Đại học Connecticut chuyên phục vụ cựu binh Mỹ khuyết tật. "Từ một kẻ tự đốt nhà mình chỉ vì nghĩ rằng vợ nổi loạn đến chỗ làm chủ một doanh nghiệp chuyên giúp đỡ những cựu binh tàn tật khác vượt qua thời kỳ quá độ là cả một quãng đường dài", ông nói.

Theo một báo cáo mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng trước, hơn 1.100 quân nhân Mỹ tự sát trong giai đoạn 2005 - 2009. Scott Swaim, cựu binh vùng Vịnh, nói: "Trong chiến tranh, tôi thường ngủ cạnh máy phát điện, nên khi về nhà, tôi phải ngủ cạnh cái quạt vì đã quen với tiếng ồn. Điều này khiến vợ tôi phát điên". 

Đ.P
Theo AP, BBC

MỚI - NÓNG