Chiến sĩ Đoàn Công binh 575 đang rà phá vật nổ trên biên giới tỉnh Lạng Sơn. |
Mờ sáng, khi thành phố Lạng Sơn còn chìm trong sương mù dày đặc bởi cái rét ngọt đầu đông, chúng tôi theo chân Thượng tá Lê Hồng Hải, Tham mưu trưởng Đoàn Công binh 575, lên xe nhà binh, vượt sông Kỳ Cùng ngược biên giới phía Bắc, qua không biết bao nhiêu đồi núi cheo leo trong suốt hơn 3 tiếng mới đến bản Nặm Chà (xã Đội Cấn, huyện Tràng Định).
Từ đây chúng tôi đi bộ 5 km theo đường mòn vào trong những cánh rừng nguyên sinh, đến điểm cao 500 mà người trong bản gọi là đồi Pò Vằn Hén. Nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Phân đội 1 đang làm nhiệm vụ rà phá vật nổ chiến tranh, bàn giao đất sạch cho địa phương phát triển kinh tế.
Thượng úy Nguyễn Văn Hà, Đại đội trưởng Đại đội 2, đưa chúng tôi đi qua những miệng hào ngoằn ngoèo lên đỉnh đồi. Đây là khu vực lính công binh thuộc tổ 1 đang tiến hành dò, gỡ vật nổ. Thượng úy Hà dặn dò: "Đi theo vết chân tôi nhé, đừng chệch ra ngoài, nơi này rất nguy hiểm".
Giữa vùng biên giới mênh mông, những người lính công binh đang say sưa và cũng không kém phần cẩn trọng khi phát quang cây cối, chăng dây làm dải phân cách, sau đó cầm máy dò mìn nhẹ nhàng tiến về phía trước. Những tiếng "tít, tít, tít" phát ra từ máy dò, báo hiệu dưới lòng đất có kim khí và những lá cờ hình tam giác cắm chi chít vào nơi có vật nổ. Chỉ một chút lơ là, chủ quan sẽ xảy ra tai họa khó lường.
Trung sĩ Nông Văn Nho, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, người trực tiếp cầm máy dò mìn, nói: "Nghề của chúng tôi vô cùng nguy hiểm, vì thế phải kết hợp nhiều yếu tố, từ huấn luyện tốt, rèn luyện tâm lý vững vàng, đến nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng xử lý để bảo đảm an toàn tuyệt đối".
Binh nhất Phan Thế Huy, quê ở Sông Công (Thái Nguyên), vừa dùng thuốn để kiểm tra, phát hiện vật nổ, vừa lấy xẻng bóc từng lớp đất mỏng chừng 3-5 mm, dùng dao bới lộ mìn, sau khi đã cẩn thận đánh dấu rào vật nổ, tâm sự: "Nếu để xảy ra sai lầm, chúng tôi phải trả giá bằng xương máu, không có cơ hội sửa chữa, rút kinh nghiệm".