Học để làm chủ vũ khí hiện đại
Là một trong những đơn vị được quan tâm, đầu tư hiện đại, phần lớn vũ khí thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài, ngay từ những ngày đầu thành lập, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã xác định việc trang bị ngoại ngữ cho quân nhân là nhiệm vụ then chốt.
Thượng úy Chu Mai Thanh Tùng, Trợ lý Công tác quần chúng, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn Tàu ngầm 189 cho biết, trong thời gian huấn luyện chuyển giao, việc học ngoại ngữ giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các kiến thức chuyên ngành và hệ thống vũ khí trang bị do mình đảm nhiệm. Ở giai đoạn huấn luyện làm chủ vũ khí, trang thiết bị, việc học tập ngoại ngữ phần lớn do mỗi cá nhân tự học tập, nghiên cứu, chưa được triển khai sâu rộng thành phong trào. Vì vậy, khi Đoàn cơ sở phát động phong trào, đã được lãnh đạo, chỉ huy rất ủng hộ, quan tâm.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Danh Lộc, nhân viên máy tàu thuộc Kíp tàu số 8, trước đây chưa từng biết tiếng Nga. Bởi thế, mỗi khi vận hành, anh đều phải dò từng nút bấm, so sánh từng ký tự nước ngoài sao cho khớp, trong khi bản chất của từ đó anh chưa thật sự hiểu, phát âm chưa chính xác. Điều đó khiến việc thao tác, sử dụng máy móc mất rất nhiều thời gian, dễ quên. Nhờ biết ngoại ngữ, anh Lộc trở nên tự tin, thao tác nhanh, dứt khoát, đọc khẩu lệnh rõ ràng, chính xác.
Đại úy Vũ Văn Xuân, Sĩ quan Thông tin (Tàu ngầm 185 - Khánh Hòa) chia sẻ, năm 2018, đơn vị anh làm việc cùng với đoàn chuyên gia nước ngoài sang thực hiện kiểm tra, sửa chữa vũ khí trang bị theo định kỳ. Quá trình làm việc, anh phát hiện ra chuyên gia đã nói một nội dung không đúng theo tài liệu mà trước đó anh đã được học.
ĐVTN Lữ đoàn tàu ngầm 189 trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia nước ngoài bằng ngoại ngữ |
“Đêm đó tôi thức rất khuya để nghiên cứu tài liệu xem họ đã nói sai chỗ nào. Tìm ra được dẫn chứng, sáng hôm sau tôi đã quyết gặp họ và trao đổi, khẳng định rằng họ nói chưa chính xác. Sau khi nghe tôi phân tích, chuyên gia đã đồng ý và đưa ra lời xin lỗi”, Đại úy Xuân kể.
Theo Thượng úy Chu Mai Thanh Tùng, để đảm bảo thời gian thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, việc học ngoại ngữ được triển khai vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Trong mỗi buổi học, các nhóm sẽ cố gắng sử dụng tiếng nước ngoài nhiều nhất có thể, tập trung phát triển toàn diện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Định kỳ hàng tháng, Đoàn cơ sở tổ chức đánh giá chất lượng nhằm khắc phục những hạn chế và nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo; hàng quý tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tọa đàm bằng tiếng nước ngoài với những chủ đề khác nhau.
100% cơ sở Đoàn vào cuộc
Tại một buổi sinh hoạt tháng 3 của CLB tiếng Anh ở Hải đội 131 của Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) với chủ đề về du lịch, do quân số đông nên CLB chia các đội chơi theo các tàu. Không khí vui tươi, sôi nổi ngay từ đầu với phần “Khởi động”. Trung úy Nguyễn Cao Luân, Phó thuyền trưởng Tàu 559 làm chủ trò “Nói tiếng Anh các bộ phận cơ thể người”.
Người chơi nghe chủ trò phát âm sau đó chỉ tay vào bộ phận cơ thể tương ứng, nếu ai chỉ sai bị hít đất 20 lần. Tiếp đó, các đội viết từ vựng tiếng Anh liên quan đến lĩnh vực du lịch của thành phố Đà Nẵng, rồi cử một thành viên thuyết trình bài nói về chủ đề này. Đội nào viết được nhiều từ vựng và bài nói có chất lượng tốt hơn thì chiến thắng.
Trung tá Nguyễn Văn Quốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 172 cho biết, phong trào “Thanh niên Lữ đoàn 172 xung kích học tập ngoại ngữ” được gắn với phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Cùng với làm tốt việc theo dõi, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, Lữ đoàn còn phối hợp với các tổ chức quần chúng ở địa phương, đơn vị kết nghĩa, nhà trường, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tổ chức cho cán bộ, ĐVTN được giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ.
Lấy tự học làm cốt
Thông qua phong trào học ngoại ngữ đã xuất hiện nhiều mô hình nổi bật như mô hình “Sailor talk” của Học viện Hải quân; CLB “Con tàu ngoại ngữ 162” của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân; “Tổ ngoại ngữ 2 người”, “Song ngữ” của Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân; CLB “Tiếng Anh”, “Tiếng Nga” của Lữ đoàn Tàu ngầm 189... Các mô hình, CLB hoạt động với phương châm “Người biết dạy người chưa biết”, “Người biết nhiều dạy người biết ít”, “Thế hệ trước dạy cho thế hệ sau” và “Lấy tự học làm cốt”.
“Nhiều năm qua, 3 CLB tiếng Anh với 3 cấp học cho các đối tượng đã thu hút hàng trăm cán bộ, ĐVTN. Giáo viên phụ trách là những sĩ quan của đơn vị có trình độ tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT”, Trung tá Quốc cho biết.
Theo Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng (Cục Chính trị Hải quân), hiện 100% tổ chức cơ sở Đoàn trong Quân chủng đều có mô hình, CLB, tổ, nhóm ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Nga). Đặc biệt, thực hiện hướng dẫn của Ban Thanh niên Quân đội về việc phát động, tổ chức thực hiện phong trào học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong thanh niên Quân đội giai đoạn 2021-2030, đầu năm 2021, tuổi trẻ Hải quân đã phát động, tổ chức thực hiện phong trào ở tất cả các cơ sở Đoàn trong toàn Quân chủng.
“Đây là một phong trào lớn, có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhất là trong thời đại 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Phong trào này nhằm cụ thể hóa và sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”, Thượng tá Nam nhấn mạnh.