Khi Mỹ tăng quân đến Iraq năm 2003, Chris Kyle (cao bồi bang Texas, gia nhập Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ - SEAL) nhận nhiệm vụ trông chừng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ tiến vào một thành phố Iraq. Đám đông ùa ra đón họ tại thị trấn.
Qua kính ngắm, Chris thấy một phụ nữ tay cầm lựu đạn đang tiếp cận các lính thủy. Người phụ nữ đi cạnh một đứa trẻ.
“Đây là lần đầu tiên tôi sắp phải giết một ai đó… Mọi thứ lướt nhanh trong óc. Trước tiên, đây là một phụ nữ. Sau đó, tôi chắc chắn phải giết người này? Việc làm này có đúng không, có chính đáng không? Sau khi làm điều này, về nhà tôi có bị xử lý không?
Các luật sư có đuổi theo tôi mà nói rằng: Anh đã giết một phụ nữ, vậy anh phải đi tù”, Kyle nói. Ông không có nhiều thời gian để đấu tranh với những câu hỏi ấy. “Người phụ nữ đó đã quyết định giúp tôi. Hoặc đồng đội tôi chết hoặc tôi hạ người phụ nữ ấy”, Kyle kể. Cuối cùng, ông bóp cò.
Kyle ở lại Iraq tới năm 2009. Theo Lầu Năm Góc, Kyle bắn hạ 160 người, trở thành lính bắn tỉa cừ nhất lịch sử quân đội Mỹ. Trong khi đó, Kyle ước tính, ông lấy đi mạng sống của 255 người. Riêng trong trận đánh ở thành phố Fallujah năm 2004, Kyle hạ 40 người.
Nguồn tin tình báo cho hay, quân đội Iraq đặt cho Kyle biệt danh The Devil (Quỷ dữ), treo thưởng 20.000 USD cho ai giết được ông.
Chris Kyle được mệnh danh là tay bắn tỉa cừ nhất lịch sử quân đội Mỹ. Ảnh: Daily Mail. |
Kết hôn và có hai đứa con, nay Chris Kyle giải ngũ và viết sách, trong đó bày tỏ không hối tiếc về những điều đã làm, coi những người mình giết là “kẻ độc ác, dã man”.
Tuy nhiên, một nghiên cứu về lính bắn tỉa ở Israel cho thấy, khác các đối tượng binh sĩ khác, những người bắn tỉa ít có xu hướng “độc ác hóa” kẻ thù của họ như Kyle. Một trong những lý do là lính bắn tỉa có thể nhìn thấy mục tiêu rõ ràng, đôi lúc phải quan sát họ hàng giờ, thậm chí nhiều ngày.
Nghiên cứu 30 tay súng bắn tỉa Israel hoạt động ở Palestine giai đoạn 2000-2003, nhà tâm lý Neta Bar muốn biết việc giết chóc là trái lẽ thường, độc ác hay gây đau buồn, khó chịu đối với con người.
Bà chọn lính bắn tỉa chứ không phải phi công hay người lái xe tăng, vì những đối tượng này bắn phá các mục tiêu lớn như tòa nhà, còn lính bắn tỉa nhằm vào từng con người cụ thể. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi nhiều quân nhân Israel gọi lính Palestine là “khủng bố”, các tay súng bắn tỉa xem họ đơn giản là con người.
“Trong tiếng Hebrew (Do Thái cổ), từ con người là con trai của Adam và từ này được lính bắn tỉa dùng nhiều hơn đáng kể so với các đối tượng quân nhân khác, khi họ nói về người mà họ đã giết”, bà Neta Bar nói. Lính bắn tỉa hầu như không bao giờ coi những người họ giết là mục tiêu hoặc sử dụng ẩn dụ thú vật hay máy móc.
Một số lính bắn tỉa thậm chí nói rằng, nạn nhân của họ là những chiến binh chính thống. “Người này có bạn bè yêu quý. Tôi chắc anh ấy là một người tốt vì anh ấy hành động theo lý tưởng của mình”, một lính bắn tỉa, người theo dõi cảnh gào khóc của gia đình nạn nhân vừa bị mình bắn chết, tâm sự.
Nghiên cứu ở Canada cho thấy, các tay súng bắn tỉa có chỉ số chấn thương tâm lý hậu chiến thấp hơn, nhưng lại có chỉ số về độ hài lòng với công việc này cao hơn lính thông thường. Với người bắn tỉa là cảnh sát, những người sống trong xã hội bình thường không phải chiến tranh, triệu chứng ám ảnh xuất hiện sớm hơn nhiều.
Ở Anh, chỉ 1 trong 4 người tham gia khóa huấn luyện có thể thành lính bắn tỉa. Lính bắn tỉa SEAL của Mỹ trải qua kỳ huấn luyện khó khăn nhất, với tỉ lệ thất bại hơn 60%. |
Cả hai nghiên cứu ở Israel và Canada đều thực hiện với lính bắn tỉa tại ngũ. Chuyên gia tâm lý Neta Bar ngờ rằng, nhiều người trong số họ có thể gặp vấn đề tâm lý những năm tới, khi họ quay lại xã hội bình thường.
Ilya Abishev, cựu lính bắn tỉa Nga, nói: “Có khoảng 20 tay súng đi theo đoàn xe, và tất cả họ đều nằm trong phạm vi ống ngắm. Tôi chỉ nghĩ làm sao bắn được càng nhiều càng tốt. Tôi nhìn thấy những gương mặt hoảng loạn, cố gắng ẩn náu. Chúng tôi giết gần như hết bọn họ, trừ ba hay bốn người bị bắt giữ.
Sau đó, tôi tự trách mình không đủ bình tĩnh để có thể giết thêm nhiều người. Khi đó chúng tôi tự hào, còn bây giờ tôi thấy xấu hổ. Nếu bây giờ hỏi tôi, tôi có thể nói giết người khó khăn hơn nhiều, nhưng 20 năm trước tôi còn quá trẻ”.
Lê Nhi
Theo BBC