Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Tờ The Times mới đây đưa tin rằng Kiev đang cân nhắc chế tạo một quả bom hạt nhân tương tự như quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgy Tikhiy đã bác bỏ thông tin rằng nước này có thể tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Trong một tuyên bố ngày 13/11, ông nhấn mạnh rằng "Ukraine cam kết thực hiện NPT" (Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân).
Những thông tin về viễn cảnh Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân xuất hiện sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 10 cho biết ông đã nói với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong một cuộc họp vào tháng 9 tại thành phố New York rằng Ukraine sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc phát triển vũ khí hạt nhân. Sau đó, ông Zelensky đã rút lại tuyên bố đó, nói rằng Ukraine không theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, tuyên bố của ông đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu chương trình vũ khí hạt nhân của Ukraine có thực tế hay không, khi xét về mặt công nghệ và chính trị.
Các chuyên gia cho biết Ukraine có khả năng sản xuất ít nhất một vũ khí hạt nhân thô sơ trong vòng vài năm, mặc dù điều này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và nhiều thách thức.
Ukraine thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Tuy nhiên, Kiev đã giao nộp toàn bộ chúng theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.
Về mặt chính trị, Kiev sẽ phải đối mặt với những khó khăn to lớn nếu quyết định sản xuất vũ khí hạt nhân để răn đe. Điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội từ các đồng minh phương Tây, trong khi lực lượng vũ trang Ukraine rất cần đến vũ khí thông thường cho cuộc chiến với Nga.
"Một chương trình vũ khí hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ với các đối tác phương Tây (của Ukraine)", Sascha Bruchmann, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, nói với tờ The Kyiv Independent.
"Tôi không thấy bất kỳ chính phủ Mỹ nào ủng hộ tham vọng hạt nhân của Ukraine. Do đó, Ukraine sẽ đánh cược rất nhiều vào sự ủng hộ về mặt chính trị và quân sự. Chi phí về mặt chính trị, kinh tế và quân sự là quá cao".
Trong một cuộc họp kín có sự tham dự của đại diện The Kyiv Independent, các quan chức cấp cao của Ukraine cho biết rằng những tác động chính trị của một bước đi như vậy sẽ quá tốn kém.
Những lý do tiềm tàng có thể khiến Ukraine tìm kiếm sự răn đe hạt nhân
Bản ghi nhớ Budapest đã bị chỉ trích trong những năm gần đây vì Nga đã vi phạm bản ghi nhớ này khi đưa quân vào Ukraine, trong khi Mỹ và Anh đã không đảm bảo an ninh cho Kiev. Tuy nhiên, họ đã cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine sau khi chiến sự toàn diện bùng nổ.
Các nhà phân tích cho rằng những lời kêu gọi Ukraine theo đuổi vũ khí hạt nhân là hậu quả trực tiếp của chiến tranh và các mối đe dọa hạt nhân.
"Rõ ràng là trước đây vũ khí hạt nhân được sử dụng như một công cụ răn đe, nhưng giờ đây nó lại là một công cụ tấn công", Claus Mathiesen, một giảng viên tại Học viện Quốc phòng Đan Mạch và là cựu tùy viên quân sự tại Ukraine, nói với The Kyiv Independent. "Nga đã chiếm khoảng 100.000 km2 lãnh thổ Ukraine và đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine nếu những vùng lãnh thổ này bị tước đoạt khỏi họ. Một khả năng (đối với Ukraine) là phản răn đe - tự mình sở hữu vũ khí hạt nhân."
Jyri Lavikainen, một chuyên gia về răn đe hạt nhân tại Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, bình luận: "Răn đe hạt nhân là cần thiết để chống lại vũ lực hạt nhân. Tuy nhiên, cơ hội tốt nhất để Ukraine hưởng lợi từ răn đe hạt nhân là được gia nhập NATO càng sớm càng tốt".
Kho vũ khí hạt nhân Liên Xô và năng lực Ukraine được thừa hưởng
Mặc dù hiện tại Ukraine không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nước này không phải là người mới trong ngành công nghiệp hạt nhân.
Vào thời Liên Xô, nhà máy Pivdenmash tại thành phố Dnipro của Ukraine đã sản xuất tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mặc dù hiện tại Ukraine không sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng Kiev có thể dễ dàng sản xuất chúng - một chuyên gia về vũ khí hạt nhân nói với tờ The Kyiv Independent.
Nhà máy hóa chất Prydniprovsky ở thành phố Kamianske, tỉnh Dnipropetrovsk đã từng xử lý quặng uranium cho chương trình hạt nhân của Liên Xô, chế biến bánh vàng, một bước trung gian trong quá trình xử lý quặng uranium.
Ngoài ra còn có một mỏ uranium ở Zhovti Vody thuộc tỉnh Dnipropetrovsk.
Hơn nữa, Ukraine có bốn nhà máy điện hạt nhân ở các tỉnh Zaporizhzhia, Rivne, Khmelnytskyi và Mykolayiv. Nhà máy Zaporizhzhia hiện đang do Nga kiểm soát.
(Từ trái sang phải) Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk bắt tay nhau sau khi ký Hiệp định ba bên lịch sử tại Moscow, Nga vào ngày 14/1/1994. Ảnh: Getty Images |
Liệu Ukraine có thể sản xuất bom hạt nhân?
Các chuyên gia cho rằng, xét về góc độ công nghệ, Ukraine có khả năng chế tạo bom hạt nhân.
Robert Kelley, một kỹ sư có hơn 35 năm kinh nghiệm trong tổ hợp vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết Ukraine có thể tạo ra một quả bom phân hạch uranium thô sơ trong vòng 5 năm.
"Đó là một việc khá đơn giản để thực hiện trong thế kỷ 21", ông nói.
Kelley lập luận rằng Ukraine sẽ khó chế tạo bom phân hạch plutonium hơn nhiều và cũng khó che giấu hơn. Ông nói thêm rằng sẽ mất từ 5 đến 10 năm để chế tạo một lò phản ứng plutonium.
Trái với bom phân hạch, "bom khinh khí sẽ cực kỳ phức tạp", ông Kelley cho biết. "Không đời nào Ukraine có thể chế tạo được nó".
Chuyên gia Kelley cũng cho rằng Ukraine có thể chế tạo một thiết bị hạt nhân thô sơ mà không cần sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Đối với một vũ khí hạt nhân phức tạp hơn, họ sẽ phải mua công nghệ ở nước ngoài.
Một chuyên gia hạt nhân người Nga và một chuyên gia hạt nhân người Ukraine xin giấu tên đều xác nhận với tờ The Kyiv Independent rằng Ukraine có khả năng sản xuất bom hạt nhân, đồng thời nói thêm rằng có thể sẽ mất nhiều năm.
"Ukraine chắc chắn sẽ có đủ bí quyết và nguồn lực để trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân nếu họ đưa ra quyết định chính trị để làm như vậy", ông Lavikainen nói. "Công nghệ cần thiết không nằm ngoài tầm với của nhiều quốc gia, và chắc chắn không nằm ngoài tầm với của Ukraine vì nơi đây từng là nơi đặt các thành phần quan trọng của tổ hợp vũ khí hạt nhân của Liên Xô khi nước này vẫn còn là một phần của Liên Xô”.
"Ukraine có thể phát triển cả đầu đạn hạt nhân và phương tiện mang vì nước này sở hữu ngành công nghiệp quân sự, các mỏ uranium và lĩnh vực năng lượng hạt nhân cần thiết", ông Lavikainen nói thêm.
Nikolai Sokov, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, thận trọng hơn khi nói rằng việc tạo ra một quả bom hạt nhân "không phải là không thể" đối với Ukraine. Nhưng "sẽ mất nhiều năm, rất nhiều tiền và rất có thể là sự hỗ trợ từ bên ngoài, ít nhất là về thiết bị.
"Ukraine không có năng lực công nghiệp để sản xuất và duy trì kho vũ khí hạt nhân; không có vật liệu phân hạch, năng lực làm giàu, sản xuất plutonium, hầu hết các nguyên tố tạo nên năng lực vũ khí hạt nhân", ông nói thêm.
Liviu Horovitz, một chuyên gia răn đe hạt nhân tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức, cũng cho biết rằng Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức nếu quyết định tạo ra bom hạt nhân. "Ukraine chắc chắn có các điều kiện tiên quyết về mặt khoa học cho một chương trình vũ khí hạt nhân", nhưng "việc có được các vật liệu phân hạch cần thiết không hề rẻ, không nhanh và cũng không dễ thực hiện trong bí mật".
Ông Horovitz cho biết một chương trình vũ khí hạt nhân như vậy có thể tốn hàng tỷ USD. Chuyên gia vũ khí hạt nhân này cho biết chương trình bom hạt nhân thô sơ nhất tập trung vào máy ly tâm uranium có thể tốn khoảng 100 triệu USD, trong khi một chương trình bom plutonium sẽ tốn khoảng 1 tỷ USD.
Mối đe dọa từ các cuộc không kích
Một thách thức khác là Nga, quốc gia có kho vũ khí khổng lồ gồm cả tên lửa thông thường và tên lửa có đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công bất kỳ cơ sở nào của Ukraine dùng để phát triển vũ khí hạt nhân.
"Thật khó để hình dung rằng Ukraine có thể thực hiện chương trình thành công chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn", chuyên gia Lavikainen cho biết.
"Nga rất có thể sẽ ưu tiên các cuộc tấn công vào các cơ sở có liên quan ngay khi có thể xác định được chúng”.