Liệu pháp miễn dịch – Nguồn hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

0:00 / 0:00
0:00
Có những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, qua thời gian hoá trị không đáp ứng, nhưng sau đó khi được đơn trị miễn dịch đáp ứng tốt, tuổi thọ kẻo sống thêm hơn vài năm trở lên. Sự xuất hiện của liệu pháp miễn dịch đã đem lại những bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, chìa khoá mở ra nhiều ngày mai tươi sáng hơn cho bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch – Nguồn hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư ảnh 1

Ung thư gia tăng nhanh

Theo dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (Globocan), trong năm 2020, Việt Nam xếp 91/185 về tỉ suất ca mới (tức trong 185 quốc gia/vùng lãnh thổ thì Việt Nam xếp thứ 91 về số ca mắc mới) và xếp thứ 50/185 về tỉ suất ca tử vong, trong khi năm 2018 những con số này lần lượt là 99/185 và 56/185. Những con số này cho thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.

Trong thời gian đại dịch COVID-19, bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả các quốc gia.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hương - Phụ trách Viện ung thư quốc gia, Trưởng phòng HTQT&NCKH, Đại học Y Hà Nội, cho biết, tại Bệnh viện Đại học Y trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng bệnh nhân tới khám có giảm, nhưng hiện nay, số lượng bệnh nhân tới khám lại có xu hướng tăng lên, khoảng 30%. Cũng theo PGS. TS Trần Thị Thanh Hương, những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam đối với cả nam giới và phụ nữ là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng, song bất kỳ loại ung thư nào cũng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.

Quá trình điều trị ung thư thường kéo dài và đòi hỏi phải tuân thủ đúng liệu trình chữa trị, máy móc chuyên biệt tại bệnh viện và cơ sở y tế. Bởi vậy, xu hướng bệnh ung thư gia tăng sẽ kéo theo nhiều gánh nặng đối với hệ thống y tế, và gia đình của bệnh nhân. PGS.TS. Lê Văn Hợi - Trưởng Phòng KHTH - BV K, cho biết:

“Ung thư là căn bệnh sống còn, đòi hỏi liệu trình điều trị kéo dài với chi phí không hề nhỏ, gây áp lực tài chính lớn cho cả bệnh nhân và gia đình của họ. Hiện nay, ngành y khoa thế giới đã phát minh ra các loại thuốc mới chống ung thư có hiệu quả cao hơn trước rất nhiều, đồng thời gây ít tác dụng phụ. Để ngăn ngừa nguy cơ gia tăng ca mắc ung thư và giảm gánh nặng điều trị cho người bệnh tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn có những cơ chế tài chính tiên tiến nhằm giúp đưa các loại thuốc mới vào Việt Nam với giá cả phù hợp. Thực tế đội ngũ y bác sĩ của chúng ta có đủ trình độ và năng lực điều trị bệnh nhân ung thư theo những liệu pháp mới nhất, tiên tiến nhất. Sự hỗ trợ từ cơ chế cung cấp thuốc sẽ góp phần giúp các bác sĩ điều trị đạt hiệu quả mong muốn.”

Niềm hy vọng của người ung thư giai đoạn cuối

Một hướng đi mới của nhiều nhà khoa học trong cuộc chiến chống ung thư là liệu pháp miễn dịch - phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này từ năm 2017. Bước đầu, phương pháp này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho những người bệnh ung thư. Nhiều bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K Trung ương là một minh chứng.

TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2 – Bệnh viện K cho biết, mỗi năm tại đây có khoảng 50 bệnh nhân điều trị theo liệu pháp miễn dịch, chiếm 5% so với số bệnh nhân mỗi năm điều trị ở bệnh viện. Điển hình như bệnh nhân T.T.Đ, 74 tuổi, được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau nhiều năm kiên trì chống chọi với căn bệnh quái ác, cùng với sự nỗ lực điều trị của các bác sĩ bằng liệu pháp điều trị đích, song không hiệu quả. Lúc này, bác sĩ quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc miễn dịch kết hợp hoá trị. Kết quả, dần dần người bệnh đã đáp ứng một phần, dung nạp thuốc tốt, cuộc sống trở nên vui vẻ thoải mái hơn.

Cũng rơi vào tình trạng ung thư phổi giai đoạn 4, bệnh nhân N.T.D được truyền hóa chất, tuy nhiên không đáp ứng điều trị, người bệnh gặp nhiều tác dụng phụ như nôn ói, mệt mỏi đau cơ xương khớp, rụng tóc…Sau khi được điều trị miễn dịch đáp ứng tốt, tuổi thọ đến nay kéo dài đã hơn 2 năm.

Đó là 2 trong nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt là những người không may được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn cuối.

Để áp dụng liệu pháp này trên một người bệnh, các bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố về giải phẫu bệnh, sinh học phân tử, mức độ bộc lộ PDL1. Sau đó lựa chọn điều trị tuỳ theo chỉ định; theo dõi và xử lý độc tính và cuối cùng là đánh giá hiệu quả. “Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 5% bệnh nhân sử dụng liệu pháp này do giá thành còn cao, trong khi thu nhập của người dân của chúng ta chỉ ở mức trung bình. Để nhiều bệnh nhân ung thư tiếp cận được liệu pháp này, BHYT nên chi trả một phần ở những nhóm bệnh nhân mà điều trị miễn dịch đem lại nhiều lợi ích”, TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa nói.

Hiện nay, hai liệu pháp ung thư tiên tiến nhất giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. Nhưng liệu pháp miễn dịch, dù đã được giới thiệu tại Việt Nam được 5 năm nay, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào Danh mục thuốc được chi trả này. Do vậy, những bệnh nhân ung thư không phù hợp với điều trị đích nhưng cũng không có cơ hội tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch mới thông qua kênh BHYT chi trả.

Việt Nam là một quốc gia cập nhật nhanh các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy nhiên, làm thế nào để bệnh nhân đủ điều kiện có thể tiếp cận liệu pháp điều trị mới một cách bền vững vẫn là một thách thức, đặc biệt khi tỷ lệ tự chi trả cho chi phí y tế ở nước ta vẫn ở mức cao (chiếm 43% trong tổng chi tiêu y tế theo báo cáo năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Vì vậy, việc sửa đổi càng sớm càng tốt Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả là rất cần thiết, cũng như cần sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhằm giúp sử dụng Quỹ BHYT một cách hiệu quả nhất./.

Với hơn 25 năm ở Việt Nam, MSD được biết đến là Merck & Co. ở Hoa Kỳ và Canada luôn đặt bệnh nhân làm trọng tâm. Với những nỗ lực hỗ trợ không ngừng và các chương trình mang lại lợi ích thiết thực, tháng 12 năm 2021, MSD được Quỹ Ngày mai Tươi sáng vinh danh là công ty có đóng góp lớn nhất hỗ trợ bệnh nhân ung thư đủ điều kiện (với tổng mức đóng góp hơn 10 triệu đô la Mỹ từ tháng 4 năm 2020 đến hết tháng 12 năm 2021). MSD đã đồng tài trợ cho Viện Ung thư Quốc gia trong việc tiến hành nghiên cứu đánh giá năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư tại cơ sở y tế và bệnh viện.

MỚI - NÓNG