Lực lượng Ukraine bắn đạn pháo về hướng Bakhmut tháng 10/2023. (Ảnh: Getty) |
Phát biểu của Bộ trưởng Boris Pistorius là sự thừa nhận công khai đầu tiên của một bộ trưởng cấp cao châu Âu rằng mục tiêu sẽ không đạt được. Ông Pistorius thông báo điều này trước hội nghị các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels ngày 15/11.
Trong những tháng qua, các nhà ngoại giao và quan chức nhiều lần bày tỏ hoài nghi về khả năng thực hiện mục tiêu này.
Mục tiêu được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và liên tục của Ukraine về đạn pháo 155 mm, loại đạn đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột với Nga khi tình hình chiến trường có vẻ đã chuyển sang giai đoạn tiêu hao.
Đầu năm nay, EU nhất trí về cách tiếp cận ba hướng nhằm tăng cường nguồn cung cho Ukraine, vào thời điểm Ukraine tiêu thụ đạn dược nhanh hơn tốc độ mà Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sản xuất.
Quan chức phụ trách ngoại giao EU Josep Borrell cho biết, các bộ trưởng quốc phòng “phải làm nhiều hơn và nhanh hơn” để đạt được mục tiêu. Điều này được đánh giá là hoàn toàn khả thi nhưng phụ thuộc vào việc các quốc gia thành viên có triển khai như một vấn đề cấp bách hay không.
“Thời gian đang được đo lường không chỉ bằng tình trạng phá hủy cơ sở hạ tầng và nhà cửa, mà còn bằng mạng sống của con người”, ông Borrell nói với các phóng viên sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ở Brussels.
Ông Borrell cũng cho biết, khối này đã cung cấp hơn 300.000 quả đạn pháo và tên lửa trong đợt đầu tiên của kế hoạch, trong đó các quốc gia thành viên EU chuyển từ kho dự trữ của họ cho Ukraine.
Ông Borrell cho rằng vấn đề trước mắt là cam kết xuất khẩu của các nhà sản xuất quốc phòng ra ngoài khối. “Khoảng 40% sản lượng đang được xuất khẩu sang nước thứ ba nên không phải là thiếu năng lực sản xuất”, ông nói.
“Họ vẫn bán sản phẩm của mình sang thị trường khác. Vì vậy, có lẽ điều chúng ta phải làm là cố gắng chuyển hoạt động sản xuất sang lĩnh vực ưu tiên, đó là Ukraine”, ông nói.
Thierry Breton, một quan chức công nghiệp của EU, cho biết các công ty vũ khí đang tiến bộ trong việc tăng sản lượng và mục tiêu sản xuất đạn pháo 155 mm ở châu Âu lên 1 triệu quả mỗi năm trong tương lai là có thể thực hiện được.
Ông Borrell nói rằng phát biểu của cả Bộ trưởng Pistorius và ông Breton đều đúng, vì một người nói đến khả năng thực hiện mục tiêu, một người nói đến năng lực của EU.
Các nguồn tin của EU cho biết chuỗi cung ứng đạn dược của khối trải dài khắp châu lục, nhưng có năng lực hơn Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng EU sẽ mất thời gian để tăng nguồn cung.
Ông nói: “Ở châu Âu ngày nay, chúng tôi có ngành công nghiệp quốc phòng cho thời bình chứ không phải cho tình huống xảy ra chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu”.
Theo Viện Kiel, tổ chức chuyên theo dõi hỗ trợ quân sự, Mỹ là nước cung cấp vũ khí và đạn dược nhiều nhất cho Ukraine, tiếp theo là Đức, Anh và Na Uy.
Theo một báo cáo được trình lên Uỷ ban lực lượng vũ trang và quốc phòng của Quốc hội Pháp ngày 8/11, chi phí hỗ trợ quân sự của Paris cho Kiev đã đạt 3,2 tỷ euro.
Số liệu của Chính phủ Đức cho thấy nước này cam kết 10,5 tỷ euro cho Ukraine từ năm 2024 đến năm 2027, sau khi đã dành 2 tỷ euro cho Kiev năm 2022 và 5,4 tỷ euro năm 2023.