Liên kết tăng giá bất hợp lý: Cần chế tài mạnh

Liên kết tăng giá bất hợp lý: Cần chế tài mạnh
TPO - Những quốc gia có đông dân số và hệ thống pháp luật yếu luôn là mục tiêu nhòm ngó của những doanh nghiệp xuyên quốc gia để tăng giá bất hợp lý. Việt Nam chưa phát hiện trường hợp liên minh tăng giá bất hợp lý.

>> Vì sao sữa bột ngoại ở VN đắt nhất thế giới?

Liên kết tăng giá bất hợp lý: Cần chế tài mạnh ảnh 1
Giá sữa đắt do người tiêu dùng “sính ngoại”, thiếu thông tin. Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo ông William.E.Kovacic, Ủy viên hội đồng Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, hành vi liên kết để tăng giá bất hợp lý tòan cầu có thể mang thu lại lợi nhuận hàng tỷ USD và được ví như hành vi mang súng vào cướp tiền của ngân hàng. Ở một số nước coi hành vi này là tội phạm.

Ở Mỹ nếu bị tòa án kết tội thì có thể bị phạt tới 10 năm tù. Tuy nhiên có dấu hiệu tốt là chính phủ ở các nước ngày càng có nhận thức tốt hơn về vấn đề này.

Việc liên kết tăng giá được thực hiện theo hình thức đôi lúc các doanh nghiệp cùng nhóm ngành thỏa thuận công ty này sẽ không bao giờ thắng thầu ở một địa phương hay một vùng nào đó. Đổi lại các công ty khác cũng không được phép thắng thầu tại một địa phương mà công ty trong nhóm đã cam kết nhường sân cho các thành viên khác.

“Như vậy sẽ có trường hợp cơ quan Nhà nước phải trả tiền xây dựng 3 bệnh viện, nhưng thực chất họ chỉ được có 2 bệnh viện. Hoặc bỏ tiền ra làm 1.000 km đường cao tốc, thì chỉ có 650 km được làm trong thực tế. Đây là vấn đề cảnh báo với Việt Nam bởi Việt Nam có dân số đông, tốc độ phát triển khá cao và mua sắm công tương đối nhiều”- Ông E.Kovacic nói.

Phát biểu tại tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm xử lý hành vi thỏa thuận xuyên biên giới để tăng giá bất hợp lý” ngày 21/7, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận hành vi liên kết để tăng giá là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng trên thực tế có thể hành vi này đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu.

Hiện ở Việt Nam chưa có danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị liên kết tăng giá. Các vi phạm thường xuyên xảy ra khi thị trường ít có sản phẩm thay thế hoặc các doanh nghiệp cùng kinh doanh trong một ngành hàng.

Trước câu hỏi các nhà cung cấp nước ngoài ấn định giá giao cho các đại lý trong nước có phải hành vi hạn chế cạnh tranh, ông Kovacic cho rằng cần phải xem xét trên nhiều yếu tố.

Nếu áp dụng luật châu Âu thì hành vi này bị cấm. Còn nếu áp dụng luật của Mỹ hoặc một quốc gia thành viên nằm trong EU như Hungary thì câu trả lời là tùy theo yếu tố cụ thể: thị phần của công ty cung cấp, có bao nhiêu đại lý phải cam kết ấn định giá giao và không được bán sản phẩm của hãng khác khi bán sản phẩm ra thị trường.

Để hạn chế tình trạng liên kết tăng giá, theo ông Kovacic, Việt Nam phải thực hiện hai việc: Xây dựng thể thế mạnh và thực thi các biện pháp một cách hiệu quả.

Những quốc gia có dân số đông, tốc độ phát triển nhanh và hệ thống pháp luật liên quan đến chống hành vi này yếu luôn là mục tiêu của các liên minh tăng giá bất hợp pháp. Những quốc gia dân số vài chục, hoặc vài trăm nghìn người, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ 1 phần trăm/năm thì các liên minh tăng giá không bao giờ hướng tới do lợi nhuận họ thu được nhỏ.

Những nước có nhu cầu mua sắm công lớn, nguy cơ bị tăng giá càng nhiều do tỷ lệ thông đồng trong đấu thầu, thoả thuận bỏ thầu rất lớn.

MỚI - NÓNG