Liên đoàn bóng đá Hà Nội: 12 năm chưa tổ chức đại hội

Hà Nội có công đào tạo lứa cầu thủ Quang Hải (giữa), Đình Trọng, Đức Huy trước khi chuyển cho CLB Hà Nội tạo điều kiện cho các cầu thủ phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay Hà Nội chưa thể tổ chức được Đại hội LĐBĐ ảnh: VSI
Hà Nội có công đào tạo lứa cầu thủ Quang Hải (giữa), Đình Trọng, Đức Huy trước khi chuyển cho CLB Hà Nội tạo điều kiện cho các cầu thủ phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay Hà Nội chưa thể tổ chức được Đại hội LĐBĐ ảnh: VSI
TP - Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006 dù đã hết nhiệm kỳ…12 năm nhưng chưa thể tổ chức đại hội. Chủ tịch LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ cũ mới đây đã có công văn gửi Sở VH-TT Hà Nội xin giải thể, trả lại con dấu.

Ban chấp hành (BCH) LĐBĐ Hà Nội được thành lập tháng 5/2002 theo Quyết định số 2915/QĐ-UB. Chủ tịch là ông Nguyễn Quốc Triệu, nay là Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương. Ngày 21/3 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Triệu đã có công văn gửi Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động, đề nghị giải thể BCH LĐBĐ Hà Nội, trả lại con dấu. 

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, ông đã chuyển công tác từ năm 2004, có ủy quyền cho lãnh đạo LĐBĐ Hà Nội điều hành công việc. “Nhưng Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Hà Nội đã không hoạt động, khi hết nhiệm kỳ không tổ chức đại hội, do đó BCH LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006 xin giải thể, xin trả lại con dấu”- công văn ông Nguyễn Quốc Triệu viết. Ông Nguyễn Quốc Triệu đồng thời đề nghị Sở VH-TT Hà Nội vận động tổ chức đại hội, thành lập LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2022 theo đúng quy định.

Trả lời PV Tiền Phong hôm qua, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Sở đã báo cáo TP Hà Nội để tổ chức Đại hội LĐBĐ, thành lập BCH mới. “Tinh thần là sẽ tạo điều kiện cho người trẻ làm việc để có thể phát huy được sức trẻ. Tuy nhiên, hiện nay danh sách cụ thể như thế nào, chúng tôi chưa thể công bố”-ông Tô Văn Động cho biết. Ông Phan Anh Tú, Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006 cho biết thêm, Hà Nội vừa qua đã vận động một số người làm chủ tịch LĐBĐ, nhưng chưa ai nhận lời. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Hà Nội đã ướm một số doanh nhân có liên quan tới bóng đá vào ghế Chủ tịch LĐBĐ nhiệm kỳ mới, nhưng những người này từ chối. Một trong số này nói với PV Tiền Phong: “Vừa rồi tôi cũng được hỏi. Tuy nhiên cá tính của tôi nếu làm thì phải làm thật đàng hoàng, làm tốt nhiệm vụ, còn không thì thôi. Nhưng công việc hiện nay của tôi đã quá bận, nên không thể nhận lời”. 

Nhiều LĐBĐ không hoạt động

Một cựu cán bộ ngành Thể thao Hà Nội khẳng định, LĐBĐ Hà Nội trên thực tế lâu nay không hoạt động. Hà Nội những năm qua dù vậy vẫn được thành phố cấp ngân sách đào tạo trẻ thông qua Trung tâm TDTT Hà Nội. Đây chính là nơi có công đào tạo nên lứa cầu thủ đang là ngôi sao ở tuyển U23 Việt Nam hiện nay như Quang Hải, Đình Trọng, Đức Huy…

Ông Phan Anh Tú cũng cho biết, các cầu thủ trẻ Hà Nội được đào tạo, khi tới lứa U17 (trước đây) và hiện nay là U15 thì bàn giao cho CLB Hà Nội của ông bầu Đỗ Quang Hiển. “Nhiều người hỏi tôi về việc này, tôi cũng có nói nếu đầy đủ thì Hà Nội đào tạo các cầu thủ trẻ, còn CLB Hà Nội có công trong việc tạo môi trường cho các cháu phát triển”-ông Phan Anh Tú cho biết. 

Theo tìm hiểu, không chỉ LĐBĐ Hà Nội, nhiều địa phương khác có LĐBĐ cũng trong tình trạng tương tự, nhiều năm sau khi hết nhiệm kỳ cũ nhưng không tổ chức đại hội thành lập BCH nhiệm kỳ mới. Một lãnh đạo VFF hôm qua cho biết, nói LĐBĐ Hà Nội không hoạt động gì thì…hơi quá, nhưng thực tế là hoạt động “với tần suất không đạt”. 

Khoản 1, Điều 29, Nghị định 45/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định, hội sẽ bị giải thể nếu không hoạt động liên tục trong 12 tháng. Khoản 1, Điều 26 Nghị định này cũng quy định, hội tự giải thể khi hết thời hạn hoạt động. Một lãnh đạo Tổng cục TDTT hôm qua nói, trên thực tế sau 1 năm hết nhiệm kỳ, hội sẽ được “nhắc nhở” để tiến hành đại hội và nửa năm sau đó nếu không tổ chức được đại hội sẽ phải giải thể. 

MỚI - NÓNG