Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi

Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi
Vì sao trò chơi may rủi này lại diễn ra trong một sự kiện tầm cỡ quốc gia và ở một Bộ chức năng vốn toàn những GS, TS?

Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi

> Xé đề cương Sử, hotgirl Hà Thành nghĩ gì?

> 'Chúng ta đang có nền giáo dục bất thường' 

Vì sao trò chơi may rủi này lại diễn ra trong một sự kiện tầm cỡ quốc gia và ở một Bộ chức năng vốn toàn những GS, TS?

Trong bóng đá việc bốc thăm chia bảng hoặc phân các cặp đấu luôn gắn với cụm từ "lá thăm may rủi", chính vì thế mới xuất hiện "bảng đấu tử thần" gồm toàn đội mạnh.

May cho ai và rủi cho ai?

Nước ta vừa qua cũng có một cuộc "bốc thăm" làm dậy sóng dư luận cả nước, nó khiến cho nhiều con trẻ sung sướng đến mức xé cả tài liệu học và cũng khiến cho nhiều người lớn giật mình.

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác xuất, không có sự can thiệp nào trong này, do vậy năm nay không có môn Lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường". [1]

Bốc thăm bao giờ cũng "may" cho người này và "rủi" cho người kia. Trong cuộc bốc thăm của Bộ GD&ĐT "may" cho ai và "rủi" cho ai?

May cho kỳ thi sẽ không có hàng ngàn điểm 0 môn Sử.

May vì chất lượng GD đã được nâng cao, vì kết quả thi sẽ khả quan hơn năm trước.

May vì học trò sẽ không phải thi một môn học thuộc lòng.

.............

Rủi: Chẳng rủi cho ai cả, mọi sự đều an toàn trong tầm kiểm soát.

Vấn đề là vì saotrò chơi may rủi này lại diễn ra trong một sự kiện tầm cỡ quốc gia và ở một Bộ chức năng vốn toàn những GS, TS?

Nền văn hiến Việt Nam trải qua hàng nghìn năm, để tồn tại và phát triển trước dã tâm xâm lược, đồng hóa của kẻ thù, tổ tiên ta luôn chú ý đến lịch sử. Có thể nói các lĩnh vực mà cha ông ta quan tâm nhất là văn học, lịch sử, y học, địa lý và pháp luật.

Xé đề cương môn học, vứt trắng xóa sân trường. Ảnh cắt từ clip
Xé đề cương môn học, vứt trắng xóa sân trường. Ảnh cắt từ clip.
 

Những công trình khoa học tồn tại đến ngày nay đã minh chứng điều đó. Riêng trong lĩnh vực lịch sử có thể liệt kê các công trình đồ sộ như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam quốc sử diễn ca, Sử ký Đại Nam Việt quốc triều v.v... Có thể tự hào một cách chính đáng rằng lịch sử đất nước và con người Việt Nam là một trong những trang hào hùng nhất của lịch sử nhân loại.

Trong chiến tranh chắc chắn không có vị tướng nào trước trận đánh mang tính sống còn của dân tộc lại dùng hình thức bốc thăm để chọn đội hình chiến đấu? Có lẽ ai đó cho rằng mặt trận GD không liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, nhất là môn học Lịch sử nên có bốc thăm may rủi cũng chẳng sao?

Nhiều học giả đã đề cập đến vai trò và ý thức trong việc dạy và học môn Lịch sử, vì là người "ngoại đạo" nên xin không dám lạm bàn. Có điều những vương vấn trong lòng không thể giữ yên nên mạnh dạn nêu vài câu hỏi, rất mong nhận được những lời giải thích.

Việc bốc thăm chọn sáu môn thi tốt nghiệp được Bộ GD&ĐT tiến hành như thế nào? Bốc thăm cả sáu môn hay cố định một số môn và bốc thăm số còn lại? Nếu bốc thăm cả sáu môn mà môn Toán hoặc Văn không trúng thì Bộ sẽ làm gì? Nếu chọn cố định một số môn thì những môn đưa ra bốc thăm là những môn nào?

Có thể phỏng đoán hai môn Văn và Toán sẽ không được Bộ đưa vào trò chơi may rủi này. Vấn đề hiển nhiên là trong số các môn bốc thăm có môn Sử, vậy tại sao lại đưa môn Sử vào bốc thăm? Rõ ràng là ở đây hàm chứa một sự thật, rằng người ta rất ngại đưa môn Sử vào thi tốt nghiệp nhưng lại càng ngại hơn khi quyết định không đưa vào thi.

Để khỏi phải giải trình "vòng vo tam quốc" trước dư luận xã hội, trước hội đồng nọ, hội đồng kia, cách tốt nhất là đổ cho "ông giời" thông qua trò bốc thăm may rủi.

Lỗi tại ai?

Có một câu nói nhiều người biết: Nếu một dân tộc không dám chiến đấu, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ". Dám chiến đấu là một chuyện, biết chiến đấu lại là chuyện khác. Biết chiến đấu chỉ khi lòng quyết tâm cao độ kết hợp nhuần nhuyễn với kinh nghiệm tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Người viết đã nêu cho nhiều lớp sinh viên câu hỏi: "Việt Nam có chung biên giới với những nước nào?". Câu trả lời luôn là: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Khi hỏi tiếp: "Việt Nam có chung biên giới với Thái lan, Philipines không?", hầu hết sinh viên lắc đầu! Họ đâu có biết ngày 9/8/1997 tại Băng Cốc, Việt Nam và Thái Lan đã ký hiệp định phân chia biên giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan.

Sinh viên ĐH không biết nước mình có chung biên giới với những nước nào là lỗi của ai? Lỗi không phải của lớp trẻ, lỗi là của người lớn mà đặc biệt là lỗi của các thầy, cô giáo dạy Địa lý, Lịch sử đã không dạy cho lớp trẻ điều đó. Tất nhiên các thầy, cô giáo có quyền phản biện rằng: SGK không nói điều đó (?) hoặc ở tầm cao hơn người ta xem Lịch sử chỉ là môn thi may rủi nên khó có điều kiện đòi hỏi tập trung trí tuệ...

Hồi còn là sinh viên người viết được dạy rằng: Triết học là khoa học của các khoa học. Sau này lại được biết thêm câu nói của Hegel: Lịch sử và triết học là hai hình thái tương đương. Xem nhẹ Lịch sử không chỉ là xem nhẹ một lĩnh vực khoa học hàng đầu mà còn trực tiếp tạo nên những nhận thức lệch lạc về chủ quyền quốc gia, về truyền thống dân tộc.

Có một chuyện ngắn rất thâm thúy, rằng tại viện hàn lâm khoa học nọ, người ta tiến hành bầu viện sĩ mới. Nguyên tắc của cuộc bầu là không dùng lời nói và chữ viết. Vị viện trưởng đặt trước mặt ứng viên một chiếc cốc và rót nước đầy đến miệng, ý nói viện chúng tôi đã đầy đủ các nhân tài rồi. Ứng viên đứng dậy ngắt một cánh hồng trong lọ hoa và đặt trên miệng cốc, ý rằng thêm một cánh hồng không làm nước tràn ra mà chỉ làm đẹp thêm cho cốc nước. Người đó được chấp nhận làm viện sĩ chính thức của viện.

Việc bốc thăm dẫn tới bỏ thi Lịch sử đúng là không cần ngôn từ, chỉ cần thò tay vào bốc. Chỉ có điều việc làm này không phải là thêm cánh hồng trên "cốc nước GD" đã đầy tràn, nó không góp phần làm đẹp thêm cho bức tranh vốn rất nhiều mảng tối. Động tác "bốc thăm" chỉ là giọt nước tràn ly, phải chăng nó cho thấy thói quen dùng tay vào việc cầm... hơn là dùng đầu? Dù thế nào chăng nữa nó cũng thể hiện sự bất lực trong tư duy quản lý ở tầm vĩ mô.

Người viết hoàn toàn đồng cảm với suy nghĩ của nhà giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An) [1]: Môn Sử phải được cho vào môn thi tốt nghiệp, ở đây Bộ không đánh giá đúng vị trí, vai trò của môn Sử, ý thức tự tôn dân tộc trong thời điểm này là khá cần thiết. Nếu không thi, học sinh không học sẽ dẫn đến hệ quả ý thức, tinh thần dân tộc đối với vận mệnh chủ quyền càng phai nhạt.

"Ăn no lại nằm" vốn là lời trong một câu ca dao, nó phản ánh một thói quen của con người là không thích lao động vất vả. Với học sinh, nếu không có các biện pháp GD bắt buộc sẽ ít người thích học, chính vì thế những môn học liên quan đến lịch sử dân tộc, đến chủ quyền biên giới quốc gia cần phải được đặc biệt chú ý. Với tinh thần đó người viết xin nêu một đề xuất:

Từ năm 2014, bốn môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông phải là: Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý. Các môn còn lại được lựa chọn tùy thuộc vào tình hình cụ thể nhưng tuyệt đối không phải bằng hình thức bốc thăm.

Vừa qua Bộ GD&ĐT đã có phản ứng tích cực trước các ý kiến về chuyện "điểm sàn" trong kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH năm nay. Hy vọng Bộ sẽ lắng nghe thêm các ý kiến về chuyện "bốc thăm" để tình trạng đáng buồn này sẽ không tái diễn.

Theo TS Dương Xuân Thành
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG