Lên núi Cha cưỡi 'khủng long'

Hùng vĩ “sống lưng khủng long” xứ Lạng. Ảnh: Lăng Huy
Hùng vĩ “sống lưng khủng long” xứ Lạng. Ảnh: Lăng Huy
TP - Khi biết tôi có ý định đi cùng nhóm phượt thủ miền biên ải xứ Lạng thám hiểm “sống lưng khủng long”, trên đỉnh núi Cha với bao gian nan, vất vả làm nhiều người thân, bạn bè tròn xoe mắt, tỏ ý lo ngại. Họ sợ tôi mùa xuân này có thể không kịp xuống núi. 

Trước khi đi, chàng trai trẻ Hoàng Lăng Huy, nhỏ người nhưng săn chắc, thay mặt những người tổ chức chuyến đi cảnh báo tôi: “Anh phải chuẩn bị tâm thế và sức khỏe để đối đầu với các thử thách và cảm giác mạnh. Chú ý, mang những đồ gọn, thiết thực, nếu không sẽ phải dừng lại giữa chừng. Thêm nữa, hạn chế mang những đồ sắt, thép, kẻo bị sét đánh”.

Chúng tôi rời thành phố Lạng Sơn lúc trời tảng sáng. Đoàn có trên hai chục người đi trên những chiếc xe mô tô, trực chỉ hướng đông bắc, mạn huyện biên giới Lộc Bình (Lạng Sơn) thẳng tiến.

Vốn là người địa phương, ưa thích mạo hiểm và đã từng vài lần lên đỉnh Phia Pò (dịch ra tiếng phổ thông là núi Cha), lại đi trên chiếc xe đặc chủng mà chúng tôi gọi là “xe cào cào” nên Hoàng Lăng Huy tiên phong dẫn đường. Vượt qua gần 50 km theo hướng cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), chúng tôi rẽ theo con đường mòn, nhỏ, đi thêm chừng chục cây số nữa thì đến thác Bản Thiếng, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình.

Ngoại trừ chiếc cào cào của Huy, còn các phương tiện khác, chừng trên chục xe mô tô để lại một góc rừng, thuê người dân bản địa trông coi, rồi mọi người khoác ba lô rảo bước đi ngược lên những cung đường mòn, có những viên đá to nhẵn thín dưới chân.

Thi thoảng gặp những chỗ khó đi, anh Huy huy động những trai trẻ, khỏe mạnh kéo, đẩy, khiêng ngược lên núi.

Lúc này, ai cũng thở dốc, tiến độ đi như chậm lại. Tuy thế, lên càng cao, khung trời càng xanh thẳm. Cây lá, gió vi vu thổi và đôi khi lại có những cành lá vương vào mặt làm mọi người bừng tỉnh, xốc lại tinh thần.

Kỳ thú trên non cao

Đi qua những cánh rừng và cả những thác nước nhỏ chảy từ trên núi Cha, đoàn thám hiểm chúng tôi đến được một vùng đồi bát úp thoai thoải rộng mênh mông với những thảm cỏ vàng lá úa.

Mọi người thi nhau nằm toài xuống cỏ, hà hít cái mùi ngai ngái tinh khôi của đất trời. Thi thoảng có bụi hoa sim, hoa mua rung rinh trước gió. Có người reo lên vì bắt gặp những đàn dê lẳng lặng gặm cỏ, nô đùa thản nhiên bên ven rừng lúp xúp cây xanh.

Anh Huy dựng chiếc xe cào cào trên một sườn đồi rồi nhắc mọi người nên tránh tập trung đông người ở chỗ có cây rừng già hoặc vũng nước đọng. Huy cảnh báo bằng một câu chuyện mà chính anh là người trong cuộc: Vào khoảng đầu tháng 6 năm 2016, Huy cùng 6 người khác (trong đó có một ông thầy Mo người dân tộc Dao ở Mẫu Sơn) đi thám hiểm trên núi Phia Pò. Khi đến đúng vị trí có những đồi thoai thoải, mọi người nghỉ chân. Trước đó, mới leo núi trời quang, nhưng khi đi được nửa đường thì bầu trời xuất hiện một, hai đám mây đen. Ai nấy đều thấy lạ bèn cùng nhau ngước nhìn và lấy máy ảnh, điện thoại ghi lại hiện tượng này. Bỗng nhiên, trời tối sầm và mọi người nghe thấy tiếng nổ đì đùng kèm theo tiếng rít rất to kèm theo tia chớp.

“Tất cả chúng tôi như không có trọng lượng, mắt mờ, tai ù. Bảy người đều bị nảy lên không trung rồi rơi xuống đất. Bên tai tôi nghe tiếng xoèn xoẹt và ngửi thấy mùi khét. Lúc đó, tôi mường tượng là bị sét đánh. Tôi nhìn thấy anh Tùng Khoan (một thành viên làm nghề thợ hàn ở thành phố Lạng Sơn) người nảy lên cao rồi rơi xuống đám cỏ cây ướt. Sét đánh chúng tôi khoảng 7-8 lần trong vòng 15 phút. Ai cũng cảm giác có luồng điện xuyên qua, thân thể rã rời, mệt mỏi. Thầy Mo là người bị nhẹ nhất, nhắc nhở chúng tôi cứ nằm thẳng người xuống đất. Khi kiểm quân, không ai bị thương nặng nhưng hoa mắt, chóng mặt và được vố khiếp vía. Anh Tùng Khoan hiện nay vẫn giữ được cái thắt lưng bị sét đánh cháy sém”. Huy nghiêm giọng kể lại.

Phiêu với “sống lưng khủng long”

Từ lưng chừng đồi thoai thoải, chúng tôi tiếp tục hành trình leo trên những cung đường toàn cây cổ thụ. Dưới chân là những tầng lá mục ken dày chừng hơn 50 cm, đi rất êm. Gần 2 tiếng đi bộ nữa, chúng tôi đến được “sống lưng khủng long” Mẫu Sơn. Nơi đây, cao trên 1.400 mét so với mực nước biển.

Lúc này, anh Đinh Văn Hồng (SN 1989), dân tộc Tày, trú tại huyện Lộc Bình, người chuyên làm hướng dẫn  viên du lịch, thám hiểm lên núi Cha là người đi tiên phong.

“Sống lưng khủng long” hiện ra trước mắt chúng tôi rực rỡ và hoành tráng. Bên cạnh lối mòn màu nâu đất do người dân bản địa đi tìm lâm thổ sản, thì hai bên trập trùng màu xanh của cỏ cây. Thi thoảng có những bụi hoa đỗ quyên rừng, hoa mua, hoa sim bung lụa tươi thắm. Bên trên, xung quanh là biển mây vờn quanh, bồng bềnh tựa nơi tiên cảnh.

Tôi nhẩm tính, con đường trên đỉnh núi mà du khách thường gọi là “sống lưng khủng long” có chiều ngang rộng chừng 60 cm, kéo dài chừng trên 1km, đường nhỏ, gồ ghề khó đi, uốn lượn vô cùng hiểm trở, thế mà chiếc xe cào cào của Hoàng Lăng Huy vẫn lướt qua, đi vào trời mây trong niềm thán phục của mọi người.

Hướng dẫn viên Đinh Văn Hồng thủ thỉ kể, truyền thuyết còn lưu lại câu chuyện về một người đàn ông vạm vỡ người Dao rời xa vùng núi đi đánh giặc. Khi về, nghe lời xúi bẩy của kẻ xấu đã nghi vợ ngoại tình nên ra tay sát hại vợ hiền. Khi sự thật về lòng thủy chung của vợ được làm rõ, người đàn ông vô cùng đau khổ, ngồi khóc ròng hàng tuần rồi biến thành ngọn núi cao bên cạnh ngôi mộ vợ. Từ đó, trên Mẫu Sơn có những quả núi cao được mang tên núi Cha.

Anh Hồng cho biết thêm, mấy năm gần đây, tuyến du lịch, khám phá “sống lưng khủng long”, núi Cha được nhiều người biết đến. Vào các ngày cuối tuần, anh đều nhận “sô” hướng dẫn khách leo núi. Có nhiều đoàn quốc tế như Nga, Hàn Quốc, Nhật đi ba lần lên Công Sơn, Mẫu Sơn vẫn muốn đi lại nhằm khám phá vẻ đẹp và tìm cảm giác mạnh khi tới “sống lưng khủng long”. Ba ngày nghỉ tết dương lịch 2021, anh đã kín lịch với trên 100 khách đăng ký.

“Núi Cha có ưu thế đẹp, hoang sơ với 4 mùa đậm sắc thái riêng biệt. Cuối đông, giáp xuân thời tiết ít mưa, khả năng giông sét ít, không lo sạt lở. Trời trong xanh, thời tiết lại không quá nóng, không mất sức khi leo núi. Có thể nói, thời điểm này là mùa săn mây của dân leo núi. Nếu như, mùa đông có thảm cỏ màu vàng thì mùa xuân lại trở nên xanh ngọc. Xuân đến, rừng hoa đỗ quyên nở đẹp với các thảm thực vật xanh ngắt đến tận chân trời”. Hồng vui vẻ tiết lộ.

Chiều dần buông. Chúng tôi như những kẻ mộng du, bay liệng trên “sống lưng khủng long” ở núi Cha huyền thoại. Một mùa xuân thật đẹp trên đỉnh núi cao nơi biên ải xứ Lạng!

Lên núi Cha cưỡi 'khủng long' ảnh 1 Mênh mông trời đất trên đỉnh núi Cha Ảnh: Ngọc Minh

Mọi người thi nhau nằm toài xuống cỏ, hà hít cái mùi ngai ngái tinh khôi của đất trời. Thi thoảng có bụi hoa sim, hoa mua rung rinh trước gió. Có người reo lên vì bắt gặp những đàn dê lẳng lặng gặm cỏ, nô đùa thản nhiên bên ven rừng lúp xúp cây xanh. 

 “Việt Nam hiện có 3 “sống lưng khủng long” đẹp nhất là: Tà Xùa (tỉnh Sơn La), Bình Liêu (Quảng Ninh) và núi Cha (Lạng Sơn)”. Tại núi Cha, có thể phóng tầm mắt nhìn thấy núi Phật Chỉ, suối Long Đầu, khu địa linh cổ kỳ thú ở gần đó”.
 Ông 
Hoàng Thế Vinh, Phó giám đốc sở VH-TT & DL tỉnh Lạng Sơn

MỚI - NÓNG