Lê Văn Luyện cúi đầu nhận tội

Lê Văn Luyện cúi đầu nhận tội
TPO - Khoảng 17h05 hôm nay (10-1), ngày đầu phiên tòa xét xử vụ giết người cướp vàng Ngọc Bích kết thúc. Tại tòa, Lê Văn Luyện cúi đầu nhận tội. Dự kiến 7h30 ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.

> XEM TƯỜNG THUẬT PHIÊN XÉT XỬ SÁNG NAY
> Toàn cảnh vụ giết người cướp vàng dã man ở Bắc Giang
 

Lê Văn Luyện tại phiên tòa chiều nay (10 - 1). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Lê Văn Luyện tại phiên tòa chiều nay (10 - 1). Ảnh: Tuấn Nguyễn .

Đầu giờ chiều, các hàng rào dây thép gai được dựng lại ở các ngã ba, ngã tư. Lực lượng chức năng canh phòng chặt chẽ hơn, những người có giấy triệu tập mới được đến gần khu vực xử án. Người dân đến xem, phải đứng ở khoảng cách khá xa (khoảng gần 100 mét).

Khoảng 13h30, Lê Văn Luyện được áp giải đến tòa án.

13h40, khoảng 30 người nhà nạn nhân thắt khăn tang, cầm di ảnh được vào ngồi tham dự phiên tòa.

13h45, Tòa kiểm tra căn cước của những người mới đến tham dự phiên xét xử.

14h, Tòa tiếp tục điểm danh những người có mặt tại phiên tòa, công bố quyền lợi của các bên liên quan.

Ông Trịnh Văn Tín, bố đẻ của nạn nhân Trịnh Thành Ngọc và anh Trịnh Quốc Sinh, anh ruột của nạn nhân Ngọc đã có mặt tại tòa với tư cách là đại diện của người bị hại.

14h05, Đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng trước tòa.

14h15, Đại diện Viện kiểm sát vẫn đang đọc cáo trạng trước tòa. Bản cáo trạng dài 21 trang nói về quá trình gây án của Lê Văn Luyện từ khi mượn xe máy của chú đến khi giết người, cướp tiệm vàng và bị bắt. Trong cáo trạng cũng nói về tội của những bị can liên quan đến vụ án như Lê Văn Miên, Trương Thanh Hồng…

Chiều nay, một số người nhà nạn nhân được vào trong dự phiên xét xử. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Chiều nay, một số người nhà nạn nhân được vào trong dự phiên xét xử. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

14h25, một số người thân trong gia đình nạn nhân, nước mắt đỏ hoe, đau buồn gục mặt xuống bàn khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc lại quá trình gây án của Lê Văn Luyện.

14h30, một số người thân của gia đình nạn nhân, khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc lại quá trình gây án của Lê Văn Luyện, đã gào khóc. Chủ tọa phải nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu công an cho ra ngoài những người gây rối.

14h35, bên ngoài hội trường, một số người nhà nạn nhân vẫn đòi vào bên trong dự tòa, tuy nhiên, cửa bị đóng chặt, an ninh được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

Trong lúc đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng dài 21 trang A4, Lê Văn Luyện cùng bố (Lê Văn Miên) và anh họ (Trương Thanh Hồng) đứng trước vành móng ngựa. Cả ba bị cáo đều cúi gằm mặt xuống đất.

Cả hội trường ngồi lắng nghe Đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, thỉnh thoảng vẫn có tiếng khóc của người nhà nạn nhân.

Nhiều người nhà nạn nhân không cầm được nước mắt tại tòa. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhiều người nhà nạn nhân không cầm được nước mắt tại tòa. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

14h45, Đại diện viện Kiểm sát đọc đến phần khám nghiệm hiện trường vụ án. Người nhà nghe đến đây, tiếp tục không giữ được bình tĩnh...

14h50, Đại diện Viện Kiểm sát đang đọc cáo trạng về tổng tài sản bị cướp tại tiệm vàng Ngọc Bích.

15h, Đại diện Viện kiểm sát đọc phần kết luận của bản cáo trạng.

15h05, Đại diện Viện kiểm sát kết thúc phần đọc cáo trạng. Khi được hỏi có đồng ý với những nội dung trong bản cáo trạng không, Luyện trả lời “ Có”.

15h06, Luyện đang trả lời các câu hỏi của tòa án về quá trình diễn ra vụ án, bắt đầu từ hành vi mượn xe máy đi cầm nợ.

15h10, Lê Văn Luyện trả lời tòa án về diễn biến vụ án, cách đột nhập tiệm vàng.

15h20, Tòa tiếp tục hỏi về quá trình gây án của Lê Văn Luyện, việc giết người, cướp tiệm vàng ra sao. Lê Văn Luyện trả lời ngắn và nhỏ, không kể chi tiết.

15h 25, Tòa hỏi Luyện sau khi gây án có lấy điện thoại của nạn nhân không? Luyện trả lời “Có”.

15h35, Tòa hỏi Lê Văn Luyện, sau khi gây án, đã làm những việc gì? Gặp ai? Xử lý hung khí, tang vật, số vàng cướp được như thế nào?

Theo phóng viên Tiền Phong, các câu trả lời của Lê Văn Luyện vẫn đúng với cáo trạng đã nêu. Trong khi khai về quá trình gây án, Lê Văn Luyện kể lại một tình tiết mới. Theo đó, khi vừa đột nhật vào tiệm vàng Ngọc Bích, Luyện bật aptomat thì nghe chuông báo động, nên vội tắt đi và tìm chỗ trốn.

15h40, Tòa hỏi về việc bị cáo lên Lạng Sơn như thế nào? Bắt đầu từ lúc nào?

Lê Văn Luyện trả lời, khi ở trạm xá băng bó vết thương, đã có ý định trốn lên Lạng Sơn, nhưng nói với Hồng (anh họ Luyện) là đi chơi. Khi lên Lạng Sơn rồi thì gọi điện về báo với Hồng là đã vào Nam.

15h40, Tòa hỏi về việc trốn sang Trung Quốc như thế nào? Luyện trả lời rằng, khi đó, bố và chú có lên khuyên ra đầu thú và hỏi có đồng phạm hay không, nhưng Luyện nói hành động một mình và không về. Sau đó, y nhờ người thân đưa sang Trung Quốc trốn.

15h45, kết thúc phần xét hỏi Lê Văn Luyện. Người nhà nạn nhân yêu cầu được đặt di ảnh người quá cố trước mặt Lê Văn Luyện, nhưng tòa không đồng ý.

Các bị cáo cúi đầu tại phiên tòa chiều nay (10-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các bị cáo cúi đầu tại phiên tòa chiều nay (10-1). Ảnh: Tuấn Nguyễn.

15h50, Tòa chuyển sang xét hỏi Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện).

Trương Thanh Hồng khẳng định, trong suốt quá trình gặp, đưa Luyện đi băng vế thương, chở lên Vôi (Bắc Giang) để bắt xe lên Lạng Sơn, đã có nghi ngờ Luyện là thủ phạm vụ cướp tiệm vàng nhưng không dám hỏi. Theo lời khai của Hồng, khi lên Vôi, Luyện có ý định vào chuộc xe nhưng lại thôi và bảo không có tiền.

16h05, ba người cầm di ảnh nạn nhân ngồi gần sát hàng ghế của Lê Văn Luyện với mục đích cho Luyện nhìn thấy mặt những người đã bị y sát hại, nhưng lực lượng công an đứng che trước mặt ba người này, ngăn cản.

Trương Thanh Hồng cho biết, khi đưa Luyện ra Vôi, bắt xe lên Lạng Sơn, được Luyện cho một ít vàng. Lúc này, Hồng biết Luyện là hung thủ gây ra vụ giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích.

Hồng kể tiếp, khi từ Vôi về nhà, gặp mẹ Luyện. Bà hỏi đưa Luyện đi đâu, nhưng vì nghĩ thương bố mẹ Luyện nên Hồng nói, đưa đi miền nam.

Tòa hỏi “có biết thế là nói dối không? Truy tố bị cáo tội không tố giác có đúng không?” – Hồng trả lời: “Có”.

Bị cáo Trương Thanh Hồng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bị cáo Trương Thanh Hồng (ngồi giữa). Ảnh: Tuấn Nguyễn.


16h15,
Hội đồng xét xử chuyển sang xét hỏi ông Lê Văn Miên (bố Lê Văn Luyện).

Ông Miên khai trước tòa rằng, khi Luyện gọi điện về mới biết con mình là thủ phạm vụ giết người cướp tiệm vàng. Ông Miên vội đi chôn vàng giấu giúp con trai.

Thẩm phán hỏi tại sao không đưa vàng ra ngay, ông Miên giải thích, chờ đến khi Luyện bị bắt sẽ đưa ra giao nộp cho chính quyền.

Ông Miên cũng thừa nhận rằng, do không hiểu biết pháp luật mới che giấu hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện.

Trong suốt quá trình trả lời câu hỏi của tòa, vẻ mặt ông Miên rất buồn.

Bị cáo Lê Văn Miên. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Bị cáo Lê Văn Miên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

16h25, tòa chuyển sang xét hỏi bị cáo Trương Văn Hợp (bố Trương Thanh Hồng).

Tòa hỏi Trương Văn Hợp biết Lê Văn Luyện gây án từ khi nào? Khi đưa ông Miên lên Lạng Sơn thì đã biết Luyện là hung thủ vụ án chưa?

Ông Hợp cho biết, khi lên Lạng sơn mới biết Luyện là thủ phạm gây án, và về nhà kể với vợ là bà Dương Thị Lược. Tuy nhiên, ông Hợp không thông báo với chính quyền địa phương. Ông giải thích rằng, không tin Luyện có thể gây án một mình.

Ngay sau đó, hội đồng xét xử chuyển sang xét hỏi bà Dương Thị Lược (vợ của ông Hợp, mẹ của Trương Thanh Hồng). Lúc Luyện đi khâu vết thương, bà Lược cũng có mặt ở đó nhưng Luyện nói bị kính cắt vào tay nên bà không nghi ngờ gì.

Theo lời bà Lược, gần trưa 24 – 8, Hồng về nhà, gửi hai sợi dây chuyền và giấy tờ cắm xe của Luyện, đồng thời kể cho bà nghe việc Luyện nhờ bán vàng để chuộc xe. Bà Lược khuyên Hồng rằng, không nên dính vào việc này và nên để cho bố mẹ Luyện lo.

Tiếp tục xét hỏi các đối tượng liên quan, cả ông Lê Thanh Nghi, và bà Lê Thị Định (cô chú Luyện ở Lạng Sơn, ) đều cho rằng, không biết về việc Luyện gây án, nên không báo án, vì thế, những việc làm của họ không có tội.

Về số vàng thu được tại nhà của ông Nghi và bà Định, hai người này đều nói không biết. Trước đó, trong phần trả lời của mình, Lê Văn Luyện cũng khai rằng, chính y là người giấu vàng trong nhà ông Nghi, bà Định.
Sau phần xét hỏi ông Nghi, bà Định, tòa chuyển sang hỏi Lê Văn Long, em trai Lê Văn Luyện.

Tòa hỏi Long có biết hành vi gây án của anh trai không? Long cho biết, ngay hôm ấy, khi đi học, Long cũng được nghe cô giáo kể về vụ án này, nhưng không ngờ đó lại là anh trai mình.

Long cũng nói về sim của anh Ngọc mà Long sử dụng. Theo đó, khi lấy máy của anh Ngọc, Luyện tháo sim bỏ vào túi quần rồi cho vào máy giặt. Sau đó, Long thấy và lắp vào máy điện thoại để dùng.

17h, người đại diện quyền lợi cho gia đình bị hại, ông Trịnh Quốc Sinh được tòa mời đứng lên trả lời. Do quá bức xúc, ông Trịnh Quốc Sinh ủy quyền cho chú là ông Trịnh Xuân Đậu thay mặt trả lời trước tòa.

Ông Đậu yêu cầu tòa phán xét phía bị cáo phải đền bù thiệt hại, tổn thất về tinh thần cho người nhà nạn nhân, đồng thời yêu cầu gia đình Lê Văn Luyện phải có trách nhiệm nuôi cháu Bích cả đời. Gia đình nạn nhân cũng có đơn yêu cầu tòa án phán xét phía bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

17h05, sau khi nghe đại diện gia đình trả lời trước tòa, thẩm phán tuyên bố kết thúc phiên xét xử Lê Văn Luyện và các can phạm trong vụ giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang.

Ngay sau đó, Lê Văn Luyện nhanh chóng được đưa ra xe áp tải về trại giam. Dù lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người nhà nạn nhân cũng nhao nhao lên đòi tiếp cận Lê Văn Luyện.

Dự kiến, 7h30 phút sáng mai, phiên tòa tiếp tục diễn ra.

> Diễn biến vụ án giết người cướp vàng dã man ở Bắc Giang

Nguyễn Trường - Tuấn Nguyễn - Trường Phong

Theo Viết
MỚI - NÓNG