Lấy lời khai của người chưa đủ 16 tuổi, phải có đại diện gia đình

Lấy lời khai của người chưa đủ 16 tuổi, phải có đại diện gia đình
TP - Bạn Phạm Thu Thủy (email:phamhai67@....vn) hỏi:

Cháu tôi năm nay 15 tuổi, bị cơ quan có thẩm quyền ở địa phương bắt giữ vì làm một việc vi phạm pháp luật, sau đó được những người có thẩm quyền lấy lời khai. Nhận được thông báo, tôi lên nơi cháu tôi bị bắt giữ thì được nhận một biên bản ghi lời khai của cháu và được yêu cầu ký vào.

Tôi không ký thì các anh lấy lời khai bảo là tôi không hợp tác, nhưng tôi có chứng kiến cháu tôi khai thế nào đâu mà bảo tôi là người tham gia chứng kiến lấy lời khai. Tôi không biết phải ứng xử thế nào.

Tham khảo ý kiến của một số chuyên gia Vụ pháp chế (Bộ Công an), chúng tôi xin trả lời như sau:

Khoản 2, điều 306, Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp kể trên, khi người có thẩm quyền lấy lời khai, buộc phải có sự tham gia của đại diện gia đình. Người có thẩm quyền lấy lời khai cũng phải thông báo quyền và nghĩa vụ của cháu trước khi thực hiện lấy lời khai.

Mọi quá trình thu thập chứng cứ không đúng quy định của pháp luật đều được xem như không có giá trị chứng minh. Vì vậy nếu thực sự bạn không được tham gia vào việc lấy lời khai của cháu thì đương nhiên không có nghĩa vụ phải ký vào biên bản đó.

Mọi thắc mắc xin gửi về: tienphongtraloi@gmail.com hoặc Ban Bạn đọc, Báo Tiền Phong – 15, Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG