Lấy gân khớp gối tái tạo dây chằng cổ chân cho người bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 19/10, BS Nguyễn Tiến Lộc, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, tại đây vừa thực hiện thành công cuộc phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng khớp cổ chân cho người bệnh từ gân tự thân lấy ở khớp gối.

Bệnh nhân là ông T.T.T. (48 tuổi) đến bệnh viện trong tình trạng thường xuyên bị bong gân khớp cổ chân bên phải, đi lại mất vững. Bệnh nhân cho biết khớp cổ chân bên phải bị bong gân tái đi tái lại khoảng 1 năm qua. Người bệnh đã thực hiện nhiều biện pháp điều trị, kết hợp xoa bóp, nắn khớp nhưng không thuyên giảm. Tình trạng trên chẳng những khiến ông T. gặp nhiều khó khăn khi vận động mà còn chịu đau đớn, chân bị thương ngày càng yếu.

Lấy gân khớp gối tái tạo dây chằng cổ chân cho người bệnh ảnh 1

Đoạn gân tự thân được lấy từ khớp gối để tái tạo lại dây chằng ngoài khớp cổ chân cho người bệnh

Qua thăm khám và kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ ghi nhận hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân của người bệnh đã bị đứt hoàn toàn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng mất vững cổ chân, khớp cổ chân bị thoái hóa, làm chấn thương tái phát ngay trong những tình huống đi lại bình thường hoặc lên xuống cầu thang.

Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định điều trị cho người bệnh bằng giải pháp lấy gân tự thân ở khớp gối để tái tạo lại dây chằng bên ngoài khớp cổ chân qua nội soi. Dưới sự hướng dẫn của hệ thống nội soi khớp, các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ chuyên biệt để lấy một đoạn gân dài khoảng 20cm ở khớp gối. Ngay sau đó, đoạn gân trên được sử dụng để ghép, tái tạo lại hệ thống dây chằng bị đứt ngoài khớp cổ chân cho người bệnh.

Lấy gân khớp gối tái tạo dây chằng cổ chân cho người bệnh ảnh 2

Các bác sĩ đã thực hiện thành công phương pháp nội soi tái tạo dây chằng cho bệnh nhân

Sau nhiều giờ khẩn trương các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật. Theo BS Tiến Lộc, đây là một kỹ thuật hiện đại với nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, giảm nguy cơ biến chứng, đau đớn sau mổ và rút ngắn thời gian hồi phục, ngăn chặn chấn thương tái phát. Vị trí khớp gối được lấy một phần gân rất ít bị ảnh hưởng đến khả năng vận động. Sau mổ, đã bình phục tốt, khớp cổ chân vững vàng, người bệnh đã đi lại nhẹ nhàng, không còn cảm thấy đau nhức như trước.

Từ trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, khi bị chấn thương nên đến các bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc cố chịu đựng cơn đau hoặc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xoa bóp, nắn khớp có thể khiến bệnh nặng thêm gây biến chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động, khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

"Đa số trường hợp bị bong gân, khớp cổ chân có thể tự lành sau 3 tuần. Tuy nhiên có khoảng 30% bệnh nhân bị bong gân phải trải qua phẫu thuật để phục hồi lại tổn thương" - BS Nguyễn Tiến Lộc .

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.